Du lịch tại nhiều địa phương đã bắt đầu quá trình “xanh hóa”

15:31 - Thứ Sáu, 12/04/2024 Lượt xem: 5008 In bài viết

Ngày 12-4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.

Các nhà quản lý, chuyên gia du lịch bàn luận về các giải pháp để du lịch chuyển đổi xanh. Ảnh: Hoàng Quyên

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, xu hướng du lịch xanh, chất lượng, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành ưu tiên lựa chọn của nhiều du khách. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đã trở thành nhu cầu cấp bách của toàn thế giới. Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chung tay giải quyết khủng hoảng khí hậu bằng nhiều hành động thiết thực, trong đó yêu cầu ngành du lịch cần chuyển đổi xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

“Du lịch nước ta sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Chuyển đổi xanh trong du lịch mang lại lợi ích cho môi trường, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện đời sống cho cộng đồng làm du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Vũ Thế Bình nói.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác truyền thông về chuyển đổi xanh cho du lịch Việt Nam. Ảnh: Hoàng Quyên

Tại diễn đàn, Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Patrick Haverman cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh du lịch Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề: Quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

Ông Patrick Haverman đánh giá cao việc nhiều địa phương tại Việt Nam đã bắt đầu quá trình “xanh hóa” du lịch bằng cách giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần từ nhiều năm nay như phố cổ Hội An (Quảng Nam) và huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), thể hiện cam kết mạnh về quản lý môi trường.

Dưới góc nhìn kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, có 5 trụ cột then chốt trong khuôn khổ phát triển du lịch bền vững ASEAN: Tăng trưởng kinh tế bền vững; bao trùm xã hội, việc làm và giảm nghèo; hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; đa dạng giá trị văn hóa và di sản; hiểu biết lẫn nhau, hòa bình, sức khỏe, an ninh, an toàn.

Du khách tham gia các hoạt động nhặt rác bảo vệ môi trường. Ảnh: Vietluxtour

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, để du lịch chuyển đổi xanh hiệu quả và bền vững, cần có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động cụ thể. Trong đó, cần thiết phải có Bộ tiêu chí du lịch xanh rõ ràng để các địa phương, doanh nghiệp ứng dụng.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cần phải đổi mới công nghệ, đưa các giải pháp kỹ thuật, đổi mới vật liệu để xây dựng sản phẩm du lịch xanh bền vững và hiệu quả. Các địa phương cần tăng cường quản lý điểm đến du lịch, hoàn thiện và phát huy hiệu quả chính sách phát triển du lịch, chuyển đổi số để khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển, đảm bảo thành công của quá trình xanh hóa.

Tại hội thảo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác truyền thông về chuyển đổi xanh cho du lịch Việt Nam với các đơn vị truyền thông, mạng xã hội TikTok Việt Nam.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top