Công viên địa chất Lạng Sơn:
Dựa trên nền tảng cốt lõi là hệ thống di sản địa chất phản ánh sự tiến hóa liên tục của sự sống và văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tạo nên những giá trị khác biệt, Công viên địa chất Lạng Sơn hội tụ nhiều điều kiện để trở thành thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu trong năm 2025.
Đây là bước đà tạo sức bật cho du lịch Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Thung lũng Bắc Sơn nằm trong CVĐC Lạng Sơn. Ảnh: CVĐC Lạng Sơn
Những giá trị độc đáo
Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn được thành lập năm 2021, trải dài trên phạm vi ranh giới của 8 huyện, thành phố với diện tích 4.842km2, dân số khoảng 627.000 người. Do nằm chủ yếu trong cánh cung Bắc Sơn là một khối núi đá vôi lớn, thuộc địa phận hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang nên nơi đây có nhiều hang động đồ sộ, hùng vĩ bậc nhất Việt Nam.
CVĐC Lạng Sơn sở hữu nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị mang tính quốc tế. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện những di vật có niên đại cách ngày nay từ 30.000 - 470.000 năm tại hang Thẩm Khuyên, Kéo Lèng. Tại di chỉ Mai Pha cũng tìm thấy hàng chục nghìn mảnh gốm, công cụ đá, đồ trang sức có niên đại từ 3.500 - 5.000 năm. Điều đó chứng minh CVĐC Lạng Sơn là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Đặc biệt, tại trũng Na Dương còn phát hiện nhiều hóa thạch của hệ động, thực vật khổng lồ như cá sấu, rùa, kỳ đà, thực vật hạt kín... có niên đại từ 40 - 50 triệu năm trước. Những hóa thạch còn cho biết nơi đây từng là biển Đông. Những giá trị cổ sinh học độc đáo tại Na Dương đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học quốc tế, đồng thời cho thấy những giá trị độc đáo về lịch sử địa chất địa mạo của CVĐC Lạng Sơn.
Hoạt động kiến tạo, vận động địa chất cách ngày nay hàng trăm triệu năm đã tạo ra cho vùng CVĐC Lạng Sơn những cảnh quan đẹp mắt. Nhưng “linh hồn” của CVĐC là sự hiện diện của con người, là quá trình sinh sống, phát triển của 7 dân tộc anh em trên vùng đất này. Trải qua hàng nghìn năm phát triển, quá trình quần cư của cư dân trong vùng CVĐC Lạng Sơn đã tạo nên một hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng cùng các di sản văn hóa phi vật thể đa dạng như lễ hội Trò Ngô, lễ hội Ná Nhèm; múa sư tử dân tộc Tày, hát sli; đặc biệt là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, hát Then đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Sự hòa quyện của các sắc màu di sản trong lòng hệ thống cảnh quan địa chất, địa mạo đa dạng đã tạo nên “dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng” cho CVĐC Lạng Sơn mà khó có thể tìm thấy ở những vùng, miền khác.
“Đòn bẩy” phát triển du lịch
Nhằm thúc đẩy việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên nền tảng vốn có, tỉnh Lạng Sơn tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2025. Đây sẽ là “bước đà” giúp nơi đây trở thành một điểm đến du lịch giàu tiềm năng, hấp dẫn. Mang chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”, tại CVĐC Lạng Sơn sẽ hình thành 4 tuyến du lịch mang tên: “Khám phá thế giới Thượng ngàn”, “Hành trình về miền Thiên giới”, “Cuộc sống dân dã nơi trần thế”, “Khám phá Thủy cung” với 38 điểm du lịch đang được triển khai. Hành trình khám phá các tuyến chủ yếu đi qua trục quốc lộ 1A, 1B, 4B và 279; mỗi tuyến có từ 7 - 11 điểm tham quan. Hệ thống giao thông thuận lợi là điều kiện tiên quyết để thu hút khách du lịch đến với CVĐC Lạng Sơn.
Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam đã có 3 CVĐC toàn cầu được UNESCO công nhận, vì vậy, để phát triển tiềm năng du lịch tại CVĐC Lạng Sơn sau khi trở thành CVĐC toàn cầu, tỉnh Lạng Sơn cần nghiên cứu phát triển những giá trị khác biệt của mình so với những CVĐC khác, cụ thể là hệ thống di sản địa chất, khảo cổ gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Từ đó xây dựng những tuyến du lịch và sản phẩm độc đáo, góp phần định vị thương hiệu mang bản sắc riêng.
Đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch của CVĐC Lạng Sơn sau khi được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, Chủ tịch CLB Lữ hành Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, đây là “đòn bẩy” thu hút du khách trong nước, quốc tế đến Lạng Sơn nói riêng, Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, địa phương cần quan tâm đến công tác bảo tồn để phát triển bền vững, gìn giữ thiên nhiên hoang sơ và nền văn hóa bản địa, tránh tình trạng phát triển “nóng”, bê tông hóa phá vỡ cảnh quan.
Nhận định Lạng Sơn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng sản phẩm du lịch còn mờ nhạt, ông Đặng Xuân Phi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Chang, cho rằng, cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp lữ hành của Lạng Sơn cần tăng cường kết nối với các địa phương lân cận như Hà Giang, Cao Bằng để thu hút nguồn khách đến các địa phương này ghé qua Lạng Sơn. Muốn vậy, các bên phải hợp tác xây dựng sản phẩm liên tuyến, nhiều trải nghiệm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông điểm đến trên mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của du khách.
Chia sẻ về các bước đi tiếp theo trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban quản lý CVĐC Lạng Sơn Phạm Thị Hương cho biết, bên cạnh việc xây dựng tour tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu tại các ngôi đền nằm trong vùng lõi của CVĐC, Ban quản lý CVĐC cũng triển khai xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như xây 10 bãi đỗ xe, lắp hệ thống biển báo tại 37 điểm trên 4 tuyến, cải tạo cảnh quan 16 điểm... Một dự án quan trọng khác cũng được hoàn thiện trong thời gian tới là Trung tâm phức hợp CVĐC Lạng Sơn có quy mô 20.000 - 30.000m2, bao gồm: Trung tâm quản lý điều hành đón tiếp, Trung tâm thương mại dịch vụ, chợ đêm truyền thống, Bảo tàng đạo Mẫu, Bảo tàng trưng bày tiến hóa sự sống vùng CVĐC Lạng Sơn... Dự án sẽ góp phần hoàn thiện các chức năng, qua đó phát huy giá trị và “đánh thức” tiềm năng phát triển du lịch của CVĐC Lạng Sơn.