Đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch:

Muốn hiệu quả, phải tạo đột phá

09:13 - Thứ Ba, 23/04/2024 Lượt xem: 4843 In bài viết

Mới đây, trang web quảng bá du lịch quốc gia vietnam.travel của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và xếp trên nhiều quốc gia khác trong khu vực về nhiều yếu tố, trong đó có lượng truy cập, thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của du khách nước ngoài đối với du lịch Việt Nam.

Chiến lược truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam đang tạo được hiệu quả nhất định trong việc thu hút du khách quốc tế. Tuy nhiên, với xu hướng tiêu dùng và yêu cầu về chất lượng dịch vụ ngày càng khắt khe của du khách, công tác xúc tiến, quảng bá cần có sự đổi mới mang tính đột phá.

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm kích cầu đã thu hút khoảng 80.000 lượt người tham dự.

Sức hút từ sự kiện quảng bá ở trong nước

Trong thời gian qua, ngành Du lịch đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người, vẻ đẹp Việt Nam. Ở trong nước, đáng quan tâm nhất là một số hội chợ du lịch được tổ chức với quy mô lớn, thường niên.

Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức vừa kết thúc. Đó là ngày hội lớn với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu văn hóa, hợp tác du lịch và các chương trình ưu đãi... Trong 4 ngày diễn ra (từ ngày 11 đến 14-4), Hội chợ VITM Hà Nội 2024 thu hút hơn 80.000 lượt du khách với hàng ngàn sản phẩm được bán thành công.

Chị Ngô Thanh Hà (quận Thanh Xuân) vui mừng khi “săn” được gói dịch vụ (combo) gồm vé máy bay khứ hồi cùng khách sạn tại Nha Trang của một đơn vị lữ hành với giá hơn 4,6 triệu đồng cho 4 ngày 3 đêm. “Tôi đến đây để săn combo du lịch giá rẻ và thưởng thức đặc sản của nhiều địa phương, xem chương trình biểu diễn văn hóa độc đáo” - chị Hà cho biết.

Còn anh Ray Lin, giám đốc một công ty du lịch từ Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ: “Tôi tham gia Hội chợ VITM Hà Nội với mong muốn tìm được đối tác, tạo thêm nguồn khách từ đất nước của các bạn”.

Sức hút của Hội chợ VITM Hà Nội đã góp phần tạo hiệu quả quảng bá hình ảnh cho các địa phương cũng như các điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam. Hơn 450 gian hàng của trên 700 đơn vị - 25% trong số đó là gian hàng quốc tế, còn lại là thuộc 55 tỉnh, thành phố trong nước.

Khu trưng bày của ngành Du lịch Hà Nội mang chủ đề “Thăng Long Hà Nội - Thủ đô xanh quyến rũ” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị khác thực hiện, mang dấu ấn văn hóa, du lịch Thủ đô với mô hình Khuê Văn Các. Khu vực các tỉnh miền Trung mang đậm dấu ấn “con đường di sản miền Trung”.

Các đơn vị quốc tế tham dự hội chợ thuộc Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc)... mang đến “đặc sản” văn hóa, giới thiệu những tour du lịch chất lượng và điểm đến hấp dẫn.

Một gian giới thiệu những tour du lịch trong Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024.

Ngoài sự kiện nói trên, hằng năm, ngành Du lịch còn tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế ITE thành phố Hồ Chí Minh, với điểm nhấn là yếu tố công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Hội chợ ITE 2024 dự kiến tạo ra 10.000 cuộc hẹn giao thương giữa các doanh nghiệp du lịch quốc tế và Việt Nam.

Đánh giá về sức hút từ hoạt động quảng bá, xúc tiến tại các hội chợ du lịch quốc tế, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, các địa phương, đơn vị đã tổ chức quảng bá với thông điệp du lịch rất rõ ràng. Điều này giúp du khách định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng, các điểm đến thú vị phù hợp với mình, mang đến hiệu quả giao thương tích cực.

Lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Sau dịch Covid-19, du lịch Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều để lấy lại đà tăng trưởng. Các chiến dịch truyền thông, quảng bá, xúc tiến được tiến hành liên tục. Ngoài việc tổ chức các sự kiện trong nước, Việt Nam chủ động tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài và truyền thông điệp “Sống trọn vẹn ở Việt Nam” (Live fully in Vietnam).

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, năm 2023, dù nguồn lực còn hạn chế, ngành Du lịch đã nỗ lực mở rộng sự hiện diện của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Điển hình như Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tổ chức gian hàng quảng bá du lịch tại Diễn đàn du lịch Mê Công 2023 (tại Campuchia), Diễn đàn du lịch ASEAN 2023 và Hội chợ TRAVEX (đều tại Indonesia).

Đặc biệt, ngành Du lịch Việt Nam đã tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin (CHLB Đức) với quy mô lớn nhất từ trước đến nay; tham gia Hội chợ ASEAN - EXPO 2023 (tại Trung Quốc); Lễ hội xúc tiến văn hóa, du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc 2023; giới thiệu hình ảnh du lịch Việt Nam tại Tokyo (Nhật Bản)...

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, việc mở rộng hoạt động xúc tiến tại các thị trường lớn đã giúp du lịch Việt Nam tăng thêm lượng khách quốc tế. Trong Quý I-2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) tiếp tục tăng trưởng mạnh; thị trường Đông Nam Á tăng trưởng ổn định; thị trường châu Âu tăng trưởng sôi động.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, công tác quảng bá, xúc tiến đã đạt được hiệu quả khá rõ, giúp ngành Du lịch thu hút được lượng khách quốc tế lớn hơn so với mục tiêu đặt ra, mở ra hy vọng về mức tăng trưởng lớn trong năm nay. Tuy nhiên, với xu hướng du lịch liên tục thay đổi, du khách ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, công tác xúc tiến, quảng bá cần phải có chiến lược bài bản hơn và có sự đổi mới về tư duy, cách làm.

Sáng tạo từ nhận thức đến hành động

Năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, mức độ phục hồi đã đạt 70% so với năm 2019. Đây là tín hiệu tốt, nhưng chưa đủ so với yêu cầu và tiềm năng.

Trong nhiều cuộc họp với ngành Du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn nhìn nhận, lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn thua xa so với nhiều quốc gia trong khu vực, điển hình là Thái Lan, Singapore... Điều này đặt ra yêu cầu mới cho công tác xúc tiến, quảng bá.

Tại hội nghị về xúc tiến du lịch năm 2024, diễn ra vào ngày 10-4 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu thừa nhận, có nhiều thách thức đối với hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, như sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến về thu hút khách du lịch quốc tế; giá dịch vụ, giá vé máy bay cao... đã ảnh hưởng đến việc thu hút khách từ một số thị trường nguồn.

“Cơ chế phối hợp triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch chưa được khơi thông; cơ chế trao đổi, chia sẻ, hợp tác giữa Trung ương và địa phương, giữa các hiệp hội và doanh nghiệp chưa hiệu quả. Ngành Du lịch chưa có lực lượng xúc tiến tại chỗ thông qua các văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài...” - ông Hà Văn Siêu phân tích thêm.

Để công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đạt hiệu quả cao, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu, cần xác định các sự kiện xúc tiến trọng điểm, xuyên suốt trong năm, từ đó xây dựng thành sự kiện thường niên để tạo ấn tượng mạnh với du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, cơ quan quản lý nên nghiên cứu cơ chế, hình thức tổ chức "Ngày Việt Nam" tại nước ngoài.

Xem xét vấn đề từ góc nhìn doanh nghiệp du lịch, Giám đốc Công ty lữ hành Tràng An Travel Nguyễn Hữu Cường cho rằng, cần phải đổi mới cách quảng bá, xúc tiến bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp. Có thể áp dụng công nghệ để quảng bá, xúc tiến trên các ứng dụng trực tuyến, website.

“Mới đây, trang web vietnam.travel quảng bá du lịch của Cục Du lịch quốc gia đã vượt qua Thái Lan và nhiều quốc gia trong khu vực. Điều này phản ánh hiệu quả tích cực trong việc triển khai marketing du lịch Việt Nam trên nền tảng kỹ thuật số. Chúng ta cần phải tận dụng điều này, tăng cường hoạt động quảng bá trên các nền tảng đang có” - ông Nguyễn Hữu Cường bày tỏ.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm nay, du lịch Việt Nam sẽ tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại 3 hội chợ du lịch quốc tế lớn: VITM London; Hội chợ CITM Trung Quốc; Hội chợ ASEAN - Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ tham gia các sự kiện, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Bắc Mỹ, Australia, Trung Quốc, châu Âu, ASEAN; Ấn Độ...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nêu rõ, yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được đặt ra tại Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh các yếu tố: Tạo đột phá, thay đổi tư duy; làm nổi bật thương hiệu, xứng tầm... Hoạt động xúc tiến, quảng bá sẽ đạt hiệu quả khi có sự đột phá cả trong nhận thức và hành động. Muốn vậy, cần sự chung tay, đồng lòng của các cấp quản lý, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top