Những người góp thêm âm vang cho giai điệu lịch sử

13:44 - Thứ Ba, 30/04/2024 Lượt xem: 5334 In bài viết

ĐBP - Càng gần đến ngày lễ lớn 7/5 – kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách đến với Điện Biên càng tăng cao. Các điểm tham quan, di tích lịch sử cùng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên đều làm việc “hết công suất”. Liên tục đón tiếp khách, làm sao để phần giới thiệu không nhàm chán, mà giữ được nguyên cảm xúc, truyền tải trọn vẹn tới du khách, là điều nhiều người băn khoăn. Thế nhưng các thuyết minh viên, hướng dẫn viên vẫn đang làm tốt công việc ấy, cần mẫn bắc nhịp cầu nối quá khứ và hiện tại, góp thêm âm vang cho giai điệu hào hùng của lịch sử dân tộc.

Mỗi ngày, các thuyết minh viên đều làm việc hết công suất; đón tiếp, giới thiệu cho rất nhiều đoàn du khách.

Trong tiết trời tháng 4 nóng nực, chói chang, dòng người từ khắp mọi miền đất nước vẫn nườm nượp về đây - chiến trường xưa Điện Biên Phủ với sự tri ân, tự hào. Người người nối tiếp nhau lên tham quan, dâng hương Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Đã là lượt thứ 3 trong buổi sáng leo những bậc thang cao dẫn lên Đền thờ cùng các đoàn du khách, nhưng trong từng câu chữ giới thiệu của chị Thùy Dương, thuyết minh viên Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên vẫn giàu cảm xúc.

Trong trang phục truyền thống dân tộc Thái, vóc dáng nhỏ bé, chị Dương dẫn đoàn khách dừng trước những thiết kế đặc trưng của Đền thờ, mỗi chi tiết đều gửi gắm ý nghĩa và câu chuyện riêng. Trước cửa hầm dẫn từ hồ tĩnh tâm vào không gian chính Đền thờ, chị Dương cất giọng âm vang, khi trầm khi bổng, giới thiệu: “Chúng ta thấy 2 bên cửa đường hầm được thiết kế rất đồ sộ như móc xích đan khóa vào nhau, thể hiện sự vững chắc của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do quân Pháp bố trí, giăng ra. Quân đội Việt Nam ta muốn giành thắng lợi bắt buộc phải vượt qua được sự khó khăn, hiểm nguy đó. Đường hầm này được ví như một sinh tử quan, xuyên qua 9 chết 1 sống, thể hiện sự khốc liệt của cuộc chiến, có thể một đi không trở lại...”.

Thuyết minh viên Bảo tàng và các điểm di tích tỉnh ta đều nghiêm túc, nhiệt huyết với nghề, chỉn chu từ khâu hình ảnh với trang phục truyền thống dân tộc bản địa.

Đường hầm không dài nhưng tối sầm, trái ngược với cái nắng đang rực lửa bên ngoài, mỗi du khách chiêm ngưỡng từng chi tiết, lặng lẽ bước qua đường hầm trong sự trầm ngâm, cảm phục, liên tưởng những ngày tháng chiến tranh khốc liệt, nhưng “không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” của thế hệ cha ông.

Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các thuyết minh viên, hướng dẫn viên tâm huyết với từng lời dẫn, từng đoàn khách. Dù Bảo tàng đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày trong tháng cao điểm, mở cửa cả một số tối trong tuần để đáp ứng nhu cầu du khách, kéo theo đó, các thuyết minh viên, hướng dẫn viên phải tăng ca, làm việc liên tục, nhưng họ vẫn luôn giữ được sự chuyên nghiệp trước du khách. Chị Lò Thị Kim đã vượt qua áp lực công việc bằng niềm vui và lòng tự hào của một người con quê hương Điện Biên anh hùng. Với sự kiêu hãnh ấy, chị Kim truyền cảm xúc, khí thế hào hùng của Chiến dịch vào từng lời dẫn. Chị chia sẻ: “Cùng với việc tìm tòi, sưu tầm những tư liệu, câu chuyện hay, ý nghĩa gắn liền với các hiện vật để tạo thêm cảm xúc, hứng thú cho người nghe, tôi cũng chú trọng cách thuyết minh, dẫn dắt, điều chỉnh tông giọng và diễn đạt sao cho phù hợp với từng đoàn khách (học sinh, người trẻ, người cao tuổi, cựu chiến binh...). Rất nhiều đoàn khách tham quan đã có sự tương tác và khen ngợi, làm tôi càng cảm thấy tự hào và nỗ lực hơn nữa, góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp cùng những câu chuyện lịch sử sâu sắc, dễ đi vào tâm trí du khách gần xa”.

Chị Lò Thị Kim, thuyết minh viên Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kể chuyện về người anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng cho du khách.

Bên cạnh những thông tin về diễn biến, nhân vật lịch sử “cứng”, không thể thiếu khi nhắc đến một di tích hoặc hiện vật nào đó, các thuyết minh viên, hướng dẫn viên còn chủ động tìm tòi, sưu tầm những chi tiết đắt giá, những câu chuyện cảm động từ nhân chứng, sách báo uy tín để bài thuyết minh thêm sinh động, truyền cảm hứng. Như mới đây, cô dâu (chiến sĩ quân y) tổ chức đám cưới ngay tại Hầm Đờ-cát sau ngày toàn thắng 7/5 - bà Nguyễn Thị Ngọc Toản trở lại Điện Biên. Cán bộ Ban Quản lý di tích tỉnh đã đón tiếp chu đáo và được nghe bà kể thêm những chi tiết, chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc. Từ đó có thêm tư liệu, câu chuyện thực tế để giới thiệu cho du khách. Ngoài cách truyền tải trên, nhiều thuyết minh viên, hướng dẫn viên còn trích dẫn phù hợp các áng văn thơ, đoạn văn nổi tiếng đã gắn liền với chiến dịch, với sự hào hùng của lịch sử dân tộc để “đẩy” cảm xúc và tạo sự gần gũi cho du khách.

Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các điểm đến chiến trường xưa luôn đông du khách. Cao điểm, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đón tới gần 7.000 lượt khách/ngày. Các di tích trong quần thể (bao gồm đồi A1, hầm Đờ-cát, đồi D1 - Tượng đài Chiến thắng, đồi F - Đền thờ Liệt sĩ, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, di tích đường kéo pháo) đón hơn 10.000 lượt khách/ngày. Bởi vậy cùng với các thuyết minh viên, hướng dẫn viên hiện có, Ban Quản lý di tích đã hướng dẫn, đào tạo, nhận được sự hỗ trợ của hơn 30 tình nguyện viên, thuyết minh viên là sinh viên, người dân trên địa bàn, để phục vụ du khách được chu đáo.

Với sự chủ động tìm tòi, sưu tầm, các thuyết minh viên không chỉ kể chuyện lịch sử mà còn lan tỏa khí thế hào hùng, niềm tự hào dân tộc tới mỗi người nghe.

Dù là thuyết minh viên, hướng dẫn viên chuyên nghiệp hay đang tham gia tình nguyện, họ đều cố gắng bắc nhịp quá khứ và hiện tại, truyền tải đến du khách thập phương những câu chuyện lịch sử với thật nhiều cảm xúc, góp phần lan tỏa khí thế, niềm tự hào dân tộc và thắp sáng thêm ngọn lửa truyền thống cách mạng bất diệt.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top