Cù lao Tân Lộc - “hòn đảo ngọt” của Cần Thơ

09:36 - Thứ Hai, 13/05/2024 Lượt xem: 5131 In bài viết

Dòng sông Hậu hiền hòa chảy qua thành phố Cần Thơ mang theo bao phù sa màu mỡ đã bồi đắp nên những cù lao xanh tươi, cho người dân cuộc sống yên bình, trù phú. Một trong những cù lao như vậy là Tân Lộc, nơi được mệnh danh là “hòn đảo ngọt” của vùng đất Tây Đô.

Nơi đất và người gắn bó, hòa hợp

Cù lao Tân Lộc nằm cách thành phố Cần Thơ khoảng 40km. Để tới được đây, du khách phải tới trung tâm quận Thốt Nốt, sau đó mất 10 phút qua phà là có thể hòa mình vào không gian xanh mát, yên bình của cù lao Tân Lộc. Sở dĩ nơi đây được mệnh danh là “hòn đảo ngọt” là bởi trước đây, người dân trên cù lao chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng và làm đường mía. Trong một lần đến thăm cù lao, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc “Quê ta có hòn đảo ngọt”. Từ đó, Tân Lộc được gọi theo tên của bài hát này. Ngoài ra, nơi đây còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như “cù lao cá” gắn với nghề nuôi cá tra thương phẩm; “cù lao tam tỉnh” do nằm ở vị trí giáp ranh ba tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang; hay “Sa Châu" (cù lao cát) do được bồi đắp bởi phù sa sông Hậu.

Du khách thăm vườn ổi của gia đình bà Lê Hồng Điêp.

Cù lao Tân Lộc có chiều dài 20km, diện tích khoảng 3.200ha. Theo người dân, cù lao này được hình thành cách đây 4 thế kỷ. Nơi đây không chỉ phát triển nhiều vườn cây trái mà còn là nơi kết tinh những giá trị văn hóa độc đáo của vùng Nam Bộ, lịch sử hình thành cù lao được phản ánh thông qua hệ thống di tích như đình Tân Lộc Đông cùng hơn 10 ngôi nhà cổ của gia đình các ông Trần Ngọc Tánh, Nguyễn Văn Tị, Huỳnh Quang Quế...

Ngôi nhà cổ có niên đại lâu nhất, quy mô lớn và đẹp nhất ở cù lao Tân Lộc là nhà của ông Hội đồng Trần Thiên Thoại, được xây dựng năm 1935, hiện do người con trai ông Thoại là ông Trần Bá Thế trông coi. Trải qua bao mưa nắng, ngôi nhà vẫn giữ được phong cách kiến trúc giao thoa Đông - Tây với kiểu nhà hình vuông, diện tích khoảng 400m2, gồm ba gian hai chái, mái lợp ngói, tường xây bằng hai lớp gạch tiểu. Mặt tiền ngôi nhà được thiết kế theo phong cách phương Tây với bao lơn, vòm cửa chạm trổ phù điêu, hàng cột đỡ mái trang trí hoa văn tinh tế.

Bên trong ngôi nhà, trần được thiết kế cao rộng với những ô cửa sổ thoáng đãng. Nội thất được làm bằng gỗ, tường vẽ hoa văn. Ở vị trí trung tâm ngôi nhà là gian thờ của gia đình cùng bản gia phả 10 đời của họ tộc nội, ngoại. Gần một thế kỷ qua, mọi đồ vật trong nhà vẫn được các thế hệ trong gia đình giữ nguyên khiến du khách như được quay ngược thời gian để tìm hiểu nếp sống, văn hóa, phong tục của gia đình.

Trên cù lao Tân Lộc, dấu ấn văn hóa bản địa được lưu giữ đậm nét ở ngôi đình Tân Lộc Đông. Đình được hình thành vào cuối thế kỷ XIX, là nơi thờ Bổn Cảnh Thành hoàng. Sang đầu thế kỷ XX, đình được chuyển về nơi khác với quy mô lớn hơn.

Đình Tân Lộc Đông được xây dựng theo lối kiến trúc Nam Bộ đặc trưng với hình chữ “Nhất”, diện tích 2.884m2, gồm tam quan, võ ca, võ quy, chính điện, nhà khách... Điểm độc đáo của ngôi đình là ngoài những nét kiến trúc truyền thống, trong đình còn có võ ca là nơi các đoàn hát biểu diễn nghệ thuật dân gian phục vụ bà con. Khu trung tâm của võ quy đặt bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính điện là nơi thờ Bổn Cảnh Thành hoàng, các bậc tiền nhân đã khai hoang lập làng xã, những vị tổ sư dạy nghề cho dân làng và những người có công với đất nước...

Điểm du lịch sinh thái thú vị

Đến với cù lao Tân Lập, du khách không thể bỏ qua trải nghiệm khám phá những vườn cây ăn trái thú vị. Nhờ được phù sa sông Hậu bồi đắp nên cây cối ở đây rất tươi tốt, hoa quả ngon ngọt và cho năng suất cao. Đặc sản nổi tiếng nhất của cù lao Tân Lập hiện nay là quả mận (quả roi), cho thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi công đất. Sản phẩm mận của Tân Lộc nay đã có mặt ở các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, thành phố Hồ Chí Minh... Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm vườn ổi sạch rộng 4.000m2 của gia đình bà Lê Hồng Điệp hay vườn chôm chôm, dâu, cam của gia đình ông Đỗ Trung Ngôn. “Ngoài việc thoải mái hái trái cây thưởng thức ngay tại vườn, du khách có thể chèo ghe, cho cá ăn... Vào khoảng tháng 5 - 6, gia đình tôi đón gần 100 khách/ngày vì đây là mùa hoa trái nở rộ” - ông Ngôn cho biết.

Không ít người khi mới đặt chân vào vườn dừa của ông Lê Tấn Nhường còn nhầm tưởng lạc vào xứ dừa Bến Tre bởi trên diện tích khoảng 7.500m2, gia đình ông trồng 550 gốc dừa các loại... Du khách có thể dành hàng giờ tại đây để tham gia các trải nghiệm như chèo thuyền trên kênh, khám phá “xứ dừa”, thưởng thức dừa tươi, mắc võng nghỉ dưới tán dừa... Ông Lê Tấn Nhường chia sẻ: “Ban đầu, gia đình tôi chỉ định trồng dừa để mang đi các nơi tiêu thụ, nhưng ngày càng nhiều người ghé thăm và thích vườn cây này. Thêm vào đó, chính quyền địa phương cũng hướng dẫn chúng tôi cách làm du lịch nên gia đình tôi đã mạnh dạn đưa thêm một số trải nghiệm để phục vụ du khách”.

Xác định du lịch là hướng đi phù hợp để phát huy thế mạnh về thiên nhiên, văn hóa của cù lao Tân Lộc, từ năm 2019, thành phố Cần Thơ đã triển khai “Đề án phát triển du lịch sinh thái phường Tân Lộc”. Theo đó, cù lao Tân Lộc được định hướng trở thành điểm đến trải nghiệm du lịch cộng đồng, sinh thái và nghỉ dưỡng của Cần Thơ; hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch gồm: Khu trung tâm dịch vụ, phục vụ đón tiếp, cung cấp thông tin du lịch; các điểm trải nghiệm homestay tại nhà cổ và các hộ dân làm vườn; khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái dân dã mang đặc trưng của làng quê sông nước ở phía bắc và khu nghỉ dưỡng cao cấp, hiện đại ở phía nam của cù lao. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế do các điều kiện khách quan về hệ thống giao thông, chất lượng nguồn nhân lực và mối liên kết với các doanh nghiệp lữ hành..., nhưng với định hướng đúng đắn của đề án, tin rằng du lịch cù lao Tân Lập sẽ sớm trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Cần Thơ.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top