Cầm Trường Homestay: Can đảm vượt ra “vùng an toàn”

07:02 - Thứ Bảy, 01/06/2024 Lượt xem: 4958 In bài viết

ĐBP - Hòa vào xu hướng phát triển du lịch cộng đồng, nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi hướng từ sản xuất nông nghiệp sang xây dựng các homestay, dần cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Cầm Trường Homestay, bản Khá, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ là một trong các cơ sở đang phát triển theo hướng đó…

Cầm Trường Homestay nằm ở bản Khá, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ.

Với sự đồng hành của Quỹ Phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên (FCD), từ một người nông dân chân chất, chỉ biết đến ruộng đồng, ông Cầm Văn Trường đã trở thành chủ Cầm Trường Homestay với doanh thu vài trăm triệu đồng/năm. Ông Trường chia sẻ: “Trước khi chính thức cải tạo, sửa chữa, dựng mới nhà theo mô hình homestay như hiện nay, tôi được FCD đưa đi tham quan nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại các tỉnh. Đặc biệt thấy rõ hiệu quả kinh tế khi thực hiện mô hình từ Phương Đức Homestay ngay tại bản Che Căn bên cạnh. Sau nhiều chuyến tham quan, tập huấn, trải nghiệm thực tập làm hướng dẫn viên, trực tiếp dẫn khách du lịch đi tham quan Điện Biên, tôi mới quyết tâm thực hiện mô hình homestay. Lúc khởi đầu vợ chồng tôi tranh luận rất nhiều. Bà ấy tiếc vì phải bỏ những thứ gia đình đã phải chắt chiu nhiều năm để theo hướng kinh doanh mới. Nhưng tôi luôn tin rằng bản thân và gia đình mình có thể thực hiện được...”

“Quá trình thực hiện chuyển đổi từ nông nghiệp lên làm du lịch diễn ra khó khăn. May mắn là, đồng hành cùng tôi luôn có FCD, từ những bước đi đầu tiên, lựa chọn, mua nhà cũ về để dựng và cải tạo, đi đường điện, nước, xây nhà vệ sinh, cải tạo nhà cũ, bếp, đặc biệt là vốn vay để gia đình tôi trang bị chăn, ga, gối, đệm, rèm, các thiết bị vệ sinh… Tôi xác định xây dựng homestay với phương châm tận dụng tất cả vật liệu tự nhiên sẵn có để giảm chi phí và thân thiện với môi trường, chỉ chi tiêu những gì gia đình mình không thể tự làm ra” - Ông Cầm Văn Trường tâm sự.

Không phụ niềm tin, kỳ vọng của gia đình, sự can đảm dám bước ra khỏi vùng an toàn đã được đền đáp. Ngày 15/6/2023, gia đình ông chính thức khai trương Cầm Trường Homestay và bắt đầu hoạt động kinh doanh. Đến ngày 15/5/2024, gia đình anh đã tiếp đón khoảng 2.000 lượt khách, doanh thu ước tính 400 triệu đồng, trong đó, lợi nhuận chiếm khoảng 50%. Ông Trường đã trang trải được các khoản nợ vay khi xây dựng nhà mới, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng gia đình bước đầu có vốn tái đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ khách. Vợ ông không còn phải giặt quần áo, chăn, ga, gối, đệm bằng tay khi có chiếc máy giặt 11kg; thực phẩm được lưu trữ chủ động trong tủ đông 2 ngăn mới, phục vụ tốt quá trình chế biến thức ăn; tivi màn hình rộng để phục vụ nhu cầu gia đình và khách du lịch đến sử dụng dịch vụ...

Du khách trải nghiệm các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái tại Cầm Trường Homestay.

Phát triển nhanh chóng, lượng khách dần ổn định, có thu nhập, ông Trường không quên trách nhiệm với cộng đồng, san sẻ lợi ích, đảm bảo tính bền vững. Bởi vậy, ông thường xuyên mua thực phẩm từ bà con trong bản Khá và các bản lân cận để chế biến, phục vụ khách, đảm bảo ngon, sạch, an toàn thực phẩm; đồng thời, liên hệ đội diễn văn nghệ trong thôn bản biểu diễn khi có các đoàn đặt dịch vụ. Chỉ trong tháng 4 vừa qua, gia đình ông đã mua hơn 100 con gà của bà con trong bản, cùng rau, thịt lợn và nhiều thực phẩm khác để chế biến phục vụ khách…

Cùng với sự phục vụ tận tâm, bản chất chân chất của người nông dân và sự hóm hỉnh, mến khách của ông Trường và gia đình, Cầm Trường Homestay đã được nhiều người biết đến và liên hệ đặt dịch vụ. Tiếng lành đồn xa, những địa phương lân cận cử các đoàn đến học tập mô hình từ gia đình. Ông Trường chia sẻ: Tôi rất vui và chưa từng nghĩ đến mình là người đi học mô hình từ những người khác để về làm. Bây giờ lại có người khác đến học tập từ mình. Tôi luôn sẵn sàng đón tiếp và chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của đã có, hi vọng mọi người phát triển và ngày càng có nhiều homestay được mở ra”.

Ông Cầm Văn Trường chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại hội thảo được tổ chức tại Cầm Trường Homestay.

Cầm Trường Homestay là một trong những hộ gia đình được FCD hỗ trợ, tư vấn, cho vay vốn sau Phương Đức Homestay, tại bản Che Căn, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ - một điểm du lịch cộng đồng hoạt động khá hiệu quả trong thời gian gần đây. Ông Trần Hải Anh, Quỹ Phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên cho biết: “Ngoài nỗ lực của chủ cơ sở, để có sự phát triển và lượng khách như hiện nay, một phần đóng góp lớn đến từ sự kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị kinh doanh du lịch, lưu trú. Ví dụ như hiện nay, Cầm Trường Homestay đang kết nối khá hiệu quả với Công ty Du lịch Điện Biên Cùng Thổ Địa. Đơn vị lữ hành này thường xuyên đưa khách đến sử dụng dịch vụ và góp phần thúc đẩy truyền thông; đóng góp cho chủ cơ sở xây dựng các module du lịch. Từ đó, năng lực, khả năng giao tiếp của homestay không ngừng phát triển và có thêm nhiều sản phẩm mới phục vụ khách du lịch...

Bên cạnh việc kết nối các lữ hành, FCD cũng luôn tìm kiếm các cơ hội để truyền thông, quảng bá cho Cầm Trường Homestay. Nhận thấy mạng xã hội và các kênh youtube, tiktok đang là một trong những phương pháp truyền thông hiệu quả, FCD từng bước xây dựng fanpage facebook cho homestay, tạo bán phòng nghỉ lưu trú trên các trang web đặt phòng trực tuyến; kết nối các tiktoker, KOL, KOC để truyền thông. Gần đây nhất, tiktoker “Điện Biên lang thang” với chùm 4 video quảng bá về Cầm Trường Homestay đã tiếp cận được hơn 40.000 người dùng nền tảng, góp phần hiệu quả trong quá trình truyền thông...

Giao lưu văn nghệ tại Cầm Trường Homestay luôn để lại ấn tượng với du khách.

Từ những tiền đề hôm nay, Cầm Trường Homestay sẽ không ngừng phát triển và là hạt giống, là điểm để làm mẫu, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, dám vượt ra khỏi “vùng an toàn”, tấm gương để các hộ nông dân khác học tập, noi theo. Đồng thời, với sự san sẻ lợi ích kinh tế, lan tỏa sự đoàn kết, gắn bó ngay tại nơi gia đình ông sinh sống sẽ tạo nên nền tảng cho du lịch cộng đồng của xã Mường Phăng phát triển bền vững trong tương lai.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top