Du lịch Điện Biên chuyển mình

06:30 - Chủ Nhật, 02/06/2024 Lượt xem: 5118 In bài viết

Những năm gần đây, ngành du lịch của tỉnh Điện Biên đã có sự phát triển mạnh mẽ. Điều này được thể hiện qua số lượng du khách và doanh thu từ du lịch liên tục tăng lên. Từ đó, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc; đồng thời, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.

Nằm ở vị trí địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, là nơi ghi dấu Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng của dân tộc, tỉnh Điện Biên có một quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ với 45 di tích thành phần, với các di tích nổi bật như Đồi A1, cầu Mường Thanh, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hầm De Castries, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đền Hoàng Công Chất, các Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao...

Bên cạnh đó, Điện Biên còn được thiên nhiên ưu đãi với những cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng tạo nên thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực, du lịch khám phá... Điện Biên còn là vùng đất có 19 dân tộc anh em, với nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn về phong tục, tập quán, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng. Những năm gần đây, nhiều lễ hội truyền thống của Điện Biên đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển, trở thành nét văn hóa đặc trưng như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Thành Bản Phủ...

Du khách du lịch tham quan tại Đồi A1.

Hướng vào khai thác tiềm năng nêu trên, ngay từ năm 2021, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, những năm qua, Điện Biên đã triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo các công trình điểm nhấn, sức hút riêng cho ngành du lịch của tỉnh.

Đặc biệt, với sự kiện Năm du lịch quốc gia 2024 "Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận" cùng nhiều hoạt động văn hóa, trải nghiệm gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ đầu năm đến nay, các tour du lịch Điện Biên đang trở thành điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, tính từ ngày 1/1/2024 - 7/5/2024, tỉnh Điện Biên đã đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khoảng 4,8 nghìn lượt khách du lịch Quốc tế. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 1.900 tỷ đồng. Dịp cao điểm từ ngày 30/4 đến 7/5, tỉnh Điện Biên đón trên 371.000 lượt du khách; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 390 tỷ đồng.

 Khách du lịch chụp ảnh cùng bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ".

Chia sẻ cảm xúc lần đầu đến với mảnh đất lịch sử Điện Biên, anh Mai Văn Tâm, một khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết: "Dịp này, gia đình tôi được đến những di tích lịch sử nổi tiếng ở Điện Biên như Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hầm De Castries, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ,… Đặc biệt, người dân Điện Biên rất nhiệt tình, hiếu khách; các homestay ở đây đều bảo đảm chất lượng và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách”.

Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành, du lịch Điện Biên đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Hệ thống hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng khả năng phục vụ du lịch của địa phương. Đặc biệt là hệ thống giao thông tại các khu, điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối và rút ngắn thời gian di chuyển của du khách, thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển. Việc hoàn thành dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên tạo đột phá lớn kết nối giao thông với các địa phương trong cả nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở lưu trú, dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí,... cũng đang được xây dựng và phát triển. Toàn tỉnh hiện có trên 220 cơ sở lưu trú du lịch với gần 3.000 phòng, khoảng hơn 5.300 giường… và 11 bản văn hóa du lịch; 6 homestay, 14 điểm vui chơi, dã ngoại có khả năng phục vụ cùng lúc 85.000 lượt khách; có hơn 120 nhà hàng có quy mô phục vụ cùng lúc từ 100 đến 1.300 khách. Hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh du lịch Điện Biên cũng được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, phù hợp.

Nhờ đó, năm 2023, lần đầu tiên du lịch Điện Biên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2022. Việc cán mốc 1 triệu khách du lịch đã và đang tạo đà tăng trưởng vững chắc cho ngành du lịch của tỉnh Điện Biên; đồng thời, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Du lịch cũng đang góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân và nâng cao vị thế, hình ảnh của Điện Biên trên bản đồ du lịch quốc gia.

Phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ là “chìa khóa” để du lịch Điện Biên tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ. Qua đó, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025; đồng thời, đưa ngành du lịch trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Điện Biên trên cơ sở vừa góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh, vừa trực tiếp tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top