Khu du lịch quốc gia Mộc Châu: Điểm đến “xanh” ngày càng hấp dẫn

08:49 - Thứ Hai, 03/06/2024 Lượt xem: 4288 In bài viết

Khu du lịch Mộc Châu nằm trên cao nguyên Mộc Châu, thuộc địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La.

Nơi đây sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ, lại nằm ở độ cao trung bình 1.050m so với mực nước biển nên thuộc kiểu khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ. Vì thế, Mộc Châu còn được ví như “Đà Lạt thứ hai” ở khu vực phía Bắc Việt Nam.

Mới đây, Mộc Châu đã chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đây là động lực để Mộc Châu sớm trở thành một điểm đến “xanh” và phát triển bền vững trên bản đồ du lịch Việt.

Cánh đồng chè xanh tươi trải dài ngút ngàn đã trở thành thương hiệu của Mộc Châu. Ảnh: Sở VHTTDL Sơn La

Động lực phát triển du lịch cho toàn vùng

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có quy mô 206.150ha, nằm ở vị trí đắc địa khi vừa là cửa ngõ của Sơn La, vừa là cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ với vùng Tây Bắc.

Mộc Châu cũng là điểm đến được nhiều người ưa thích, lựa chọn bởi khí hậu trong lành, mát mẻ; tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô cùng đa dạng, hấp dẫn.

Những đặc trưng về khí hậu, địa hình, địa chất đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo riêng có cho Mộc Châu và là tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị hội thảo, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng...

Việc Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch quốc gia được coi là động lực phát triển du lịch cho toàn vùng, đồng thời khẳng định vị thế là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng trên hành lang du lịch “Qua miền Tây Bắc” theo quốc lộ 6.

Nhìn lại gần 10 năm (2015 - 2024) kể từ khi “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã đạt được những kết quả nhất định, tạo nên hiệu ứng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng thời tác động đến nhu cầu khám phá của du khách đối với Mộc Châu.

Lượng khách đến với tỉnh ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu như trước năm 2010, Mộc Châu mới chỉ có hai khách sạn thì nay đã có 295 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 1 resort, 9 khách sạn từ 1 - 3 sao cùng 340 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm với số vốn đầu tư trên 3.760 tỷ đồng.

Sự phát triển về du lịch không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân mà còn góp phần thay đổi nhận thức về phát triển du lịch bền vững của các cấp, các ngành và người dân.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La Nguyễn Mạnh Hùng, bên cạnh việc đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ, các doanh nghiệp còn phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, góp phần đưa Mộc Châu 2 năm liền (năm 2022 và 2023) được công nhận là Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn liên kết, hợp tác thành lập liên minh giữa các cơ sở kinh doanh của nhiều lĩnh vực để tạo ra chuỗi sản phẩm dịch vụ khép kín từ ăn uống lưu trú đến trải nghiệm tham quan, mua sắm; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi “xanh” trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch hay xây dựng các sản phẩm trải nghiệm độc đáo để thu hút khách dựa trên những thế mạnh về thiên nhiên, khí hậu, văn hóa, con người...

“Xanh hóa” để phát triển bền vững

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; bảo vệ cảnh quan, môi trường; quản lý quy hoạch, phát triển đô thị hay phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, bảo đảm an ninh an toàn cho du khách...

Giải quyết hài hòa những tồn tại, thách thức này là định hướng để Khu du lịch quốc gia Mộc Châu phát triển theo hướng “xanh” và bền vững.

Theo đại diện Công ty Du lịch Vietravel, Mộc Châu cần tập trung phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương để tạo dựng những sản phẩm có bản sắc riêng, trong đó xác định sản phẩm du lịch chủ đạo để có chiến lược đầu tư về cơ sở hạ tầng và truyền thông bài bản phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông sản phẩm “Thảo nguyên xanh” vốn là thế mạnh của Mộc Châu, qua đó phát triển các sản phẩm du lịch “xanh”, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thông qua các mô hình farmstay đạt chuẩn, đa trải nghiệm. Cùng với đó là kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, làng nghề, sinh thái gắn với việc gia tăng giá trị sản phẩm và chia sẻ lợi ích cộng đồng.

Đề cập tới mô hình “bản du lịch xanh” - một khái niệm khá mới nhưng phù hợp với thực tiễn phát triển và tiềm năng của Mộc Châu, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Sơn La cho rằng, mô hình này cần đáp ứng 6 tiêu chí: Có không gian du lịch xanh; Có sản phẩm du lịch “xanh”; Thực hiện các dịch vụ “xanh” phục vụ du khách; Tự vận hành mô hình quản lý “Bản du lịch xanh”; Ứng dụng công nghệ “xanh”; Xây dựng và thực hành các quy định về bảo vệ môi trường trong cộng đồng... Đây là hướng đi tất yếu của du lịch Việt Nam trong đó có Sơn La.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, để phát triển du lịch bền vững và hiệu quả, Sơn La cần huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cấp, ngành và người dân, tập trung xây dựng mô hình điểm du lịch “xanh” tại Mộc Châu để nhân rộng, qua đó góp phần phát triển du lịch nhanh và bền vững trước những yêu cầu mới hiện nay.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top