Nằm ở trung tâm vùng Tây sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 240km, tỉnh Hậu Giang có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi, lại sở hữu cảnh quan đặc trưng của vùng sông nước cùng hệ thống di sản phong phú.
Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng để phát triển du lịch của tỉnh chưa đạt hiệu quả cao. Vì thế, Hậu Giang đang nỗ lực chuyển mình.
Vườn khóm Cầu Đúc - một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của Hậu Giang. Ảnh: Lý Anh Lam
“Mỏ vàng” chưa được khai thác
Hậu Giang là tỉnh có hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, mật độ dày đặc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng chiều dài khoảng 2.300km, mạng lưới đường thủy lên tới 724km. Đây không chỉ là nguồn tài nguyên đóng góp tích cực cho việc phát triển nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tạo nên mạng lưới giao thông đường thủy thuận lợi mà còn hình thành nên những nét văn hóa đặc sắc cho Hậu Giang.
Thành phố Vị Thanh là thủ phủ của tỉnh Hậu Giang. Nơi đây có dòng kênh xáng (kênh được đào bằng máy xáng) Xà No được hoàn thành vào năm 1903, dài 40km, nối Cần Thơ và Hậu Giang làm nên “con đường lúa gạo” vùng Tây sông Hậu, đồng thời tạo cảnh quan đặc sắc cho Vị Thanh.
Ngày nay, kênh Xà No cũng trở thành con đường thủy du lịch độc đáo với trải nghiệm đi tàu ngắm vẻ đẹp của dòng kênh lịch sử, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật và thưởng thức đặc sản Hậu Giang.
Không chỉ hoạt động vào ban ngày, du khách có thể trải nghiệm đi tàu du lịch Xà No về đêm, ngắm thành phố Vị Thanh lung linh ánh đèn hai bên bờ kênh. Đến với thành phố Vị Thanh, du khách đừng bỏ qua những điểm du lịch đáng chú ý như Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, vườn khóm (dứa) Cầu Đúc, chợ “chồm hổm” Vị Thanh...
Được ví như “lá phổi xanh” của Đồng bằng sông Cửu Long, Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng (lung: Vùng đất trũng ngập nước) thuộc địa bàn huyện Phụng Hiệp, có diện tích 2.800ha, là nơi trú ngụ của 330 loài động, thực vật với 224 chi, 92 họ; trong đó có 56 loài mới phát hiện, nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang...
Đến với Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng, du khách có thể ngắm toàn cảnh từ chòi cao 20m, trekking xuyên rừng hay trải nghiệm shinrin yoku (tắm rừng) kiểu Nhật để hòa mình với thiên nhiên...
Được thiên nhiên ưu đãi nên Hậu Giang có nhiều sản vật cho năng suất cao. Đây là lợi thế để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái với các homestay, farmstay, vườn cây như vườn dâu - sầu riêng Kim Ngân, vườn tre Tư Sang, làng bè Hai Khanh, Bảo Gia farm camping, homestay Miệt Vườn... Tới những nơi này, du khách sẽ được hòa mình vào không gian khoáng đạt, yên bình; được thưởng thức các loài cây trái ngon ngọt, các món ăn đậm chất miền Tây và trải nghiệm các hoạt động gắn với đời sống sông nước.
Với những du khách yêu thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa, ngoài những di tích cách mạng, Hậu Giang còn sở hữu nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng như Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, Quan Đế miếu, chùa Sasana Răngsây, nhà thờ Vị Hưng... cùng nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào Kinh, Hoa, Khmer. Ẩm thực Hậu Giang cũng để lại ấn tượng nhờ các món ăn địa phương hấp dẫn như củ hũ khóm Cầu Đúc, bánh xèo, đọt choại, cá thát lát...
Tăng cường quảng bá để lan tỏa hình ảnh
Mặc dù sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi nhưng du lịch Hậu Giang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Lượng khách du lịch đến với Hậu Giang vẫn ở mức khiêm tốn so với các địa phương lân cận. Năm 2023, tỉnh đón 520.000 lượt khách, trong đó có 25.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 236 tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh phấn đấu đón khoảng 600.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt khoảng 258 tỷ đồng.
Có một thực tế là nhắc đến du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, người ta thường nghĩ tới Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang... nhưng ít nhớ tới Hậu Giang. Ông Đặng Thành Nam, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi đã đi khá nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng với Hậu Giang, tôi chưa từng đến và không có nhiều ấn tượng với vùng đất này”.
Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, do có ít thông tin về điểm đến, dịch vụ, hệ thống lưu trú tại Hậu Giang nên họ thường chủ động giới thiệu cho du khách các địa điểm có khả năng kết nối thuận tiện hơn.
Khắc phục điều này, trong năm 2024, Hậu Giang tập trung tăng cường công tác xúc tiến quảng bá nhằm lan tỏa hình ảnh vùng đất, con người đến với du khách trong và ngoài nước.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang Nguyễn Văn Bảy cho biết, từ đầu năm nay, Sở đã triển khai Kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh với các mục tiêu như đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch; tăng cường phát triển thương hiệu du lịch vùng và thương hiệu du lịch Hậu Giang, tạo liên kết theo hướng bền vững giữa Hậu Giang với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc và miền Trung... Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục triển khai “Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang giai đoạn năm 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tiếp tục đồng bộ hóa hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch Hậu Giang; thực hiện truyền thông trên fanpage, Zalo, YouTube; thiết kế bộ hình ảnh 3D “Bé khóm Hậu Giang” để quảng bá du lịch...
Đặc biệt, Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Mỗi công dân Hậu Giang là một đại sứ du lịch” nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc góp sức phát triển du lịch bằng những hành động cụ thể như phát triển du lịch theo hướng xanh - sạch - đẹp, an ninh, an toàn và văn minh; hiểu biết về lịch sử, bản sắc văn hóa Hậu Giang; tìm hiểu thông tin điểm đến du lịch của tỉnh để sẵn sàng hướng dẫn và quảng bá, giới thiệu cho du khách; nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện, vui vẻ với du khách, luôn giữ nụ cười trên môi... Đây được coi là cách xúc tiến, quảng bá hữu hiệu, gây ấn tượng sâu sắc với du khách, qua đó giúp du lịch Hậu Giang chuyển mình và để lại dấu ấn.