“Đánh thức” du lịch sông Hồng: Người dân và du khách cắm trại bên sông Hàn (thủ đô Seoul, Hàn Quốc)

09:02 - Thứ Hai, 17/06/2024 Lượt xem: 4120 In bài viết

Không những được cải tạo thành công và trở thành “viên ngọc sinh thái” giữa lòng thủ đô Seoul (Hàn Quốc), giờ đây, sông Hàn (hay sông Hán) tại tiếp tục đứng trước một kế hoạch phát triển đầy tham vọng: Một kỷ nguyên mới với hơn 10 triệu người sử dụng đường thủy trên sông vào năm 2030.

Người dân và du khách cắm trại bên sông Hàn (thủ đô Seoul, Hàn Quốc).

Trong kế hoạch vừa được chính quyền Seoul công bố, Thành phố này thúc đẩy xây dựng khách sạn nổi, dốc trượt nước, bến du thuyền đô thị và nhiều cơ sở hoạt động giải trí, du lịch khác nhau bên sông Hàn.

Theo Thị trưởng Oh Se-hoon, sáng kiến mang tên “Thành phố sông Seoul” là một phần trong nỗ lực hồi sinh dòng sông thành một trung tâm giải trí và du lịch sôi động vào năm 2030. Tổng cộng 550 tỷ won (400 triệu USD) sẽ được đầu tư vào dự án, trong đó có 236,6 tỷ won từ chính phủ và 313,5 tỷ won từ khu vực tư nhân.

Một khách sạn nổi trên sông với đầy đủ tiện nghi sẽ bắt đầu được xây dựng vào năm 2026 ở gần đảo Yeouido. Dự án cũng biến dòng sông trở thành trung tâm tăng trưởng bằng cách thành lập khu phức hợp bến du thuyền ở Jamsil và Ichon, đồng thời mở rộng khả năng neo đậu để chứa 1.000 chiếc thuyền. Nhà ga nối sông Hàn và biển Tây dự kiến được xây dựng vào nửa cuối năm 2026 tại Yeouido, cho phép hành khách khởi hành từ Yeouido đi dọc theo sông Hàn để tới Hoàng Hải tham quan.

Thành phố cũng có kế hoạch mở cửa một công viên lướt ván mang tính biểu tượng ở quận ven sông phía Đông Seoul cho công chúng và là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa khác nhau, bao gồm diễu hành thuyền và chiếu phim. Đây được coi là một phần hoạt động của Lễ hội sông Hàn diễn ra suốt bốn mùa trong năm. Theo kế hoạch, lễ hội năm nay sẽ bắt đầu từ ngày 26-6 với hơn 120 chương trình diễn ra tại các công viên dọc sông Hàn cho đến cuối năm. Chính quyền thành phố Seoul cho biết, Lễ hội sông Hàn năm 2024 có chủ đề “Niềm vui ngoài sức tưởng tượng” nhằm mang lại những điều bất ngờ cho người tham dự.

Chương trình thu hút sự chú ý nhất của du khách là cuộc diễu hành mặt nạ qua cầu Jamsu, cây cầu chỉ dành cho người đi bộ qua sông Hàn. Tại sự kiện văn hóa truyền thống này, người diễu hành trong trang phục búp bê cỡ lớn đeo mặt nạ tự chế sẽ nhảy múa theo giai điệu của ban nhạc, tạo thành khung cảnh rất sinh động. Ngoài ra còn có cuộc thi với tên gọi “Vượt không gian”. Tưởng chừng phức tạp, song các thí sinh tham gia chỉ cần ngồi thư giãn trong vòng 90 phút, không được ngủ gật. Ban tổ chức sẽ theo dõi nhịp tim của các thí sinh. Ai có nhịp tim bình thản nhất sẽ giành chiến thắng. “Bữa tiệc DJ không tiếng ồn” cũng là một sự kiện hấp dẫn, nơi những người tham gia có thể thưởng thức âm nhạc qua tai nghe không dây và khiêu vũ tại khu vực cầu Jamsu.

Các quan chức thành phố cho biết, Seoul đặt mục tiêu thu hút 3 triệu du khách trong lễ hội năm nay, ước tính sẽ mang lại lợi ích kinh tế 120,6 tỷ won (87,2 triệu USD), cùng với 964 việc làm mới.

Dịch vụ du lịch và giao thông công cộng mới có tên là “Xe buýt sông Hàn”, tận dụng các tuyến đường thủy thuận tiện, sẽ được ra mắt vào tháng 10 tới. Đồng thời, một cầu cảng sẽ được xây dựng trên cầu Mapo để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của phà du lịch.

Đối với “khu ẩm thực nổi”, nơi đây sẽ được thiết kế để có thể phục vụ du khách nhiều món ăn từ khắp nơi trên thế giới trên nền khung cảnh đẹp như tranh vẽ của sông Hàn, đồng thời thưởng thức các buổi biểu diễn âm nhạc. Địa điểm này sẽ được xây dựng vào năm 2026, có thể chứa 2.400 du khách cùng lúc với 15 - 20 gian hàng.

Bằng cách thiết lập cơ sở hạ tầng toàn diện dọc theo sông Hàn, Thành phố Seoul đặt mục tiêu tái định vị nơi đây thành một “trung tâm tăng trưởng” để tăng cường khả năng cạnh tranh. Thị trưởng Oh Se-hoon cho biết, ông hy vọng nối tiếp “công việc còn dang dở” của dự án Phục hưng sông Hàn mà ông theo đuổi khi làm thị trưởng năm 2007. “Chúng tôi sẽ biến sông Hàn thành không gian cho các hoạt động hằng ngày, không chỉ là nơi dành cho những dịp đặc biệt hay cuối tuần mà là trung tâm giải trí để ăn, ngủ, làm việc và thư giãn, nơi bất cứ ai cũng có thể suy ngẫm về bản thân” - ông Oh Se-hoon chia sẻ.

Bên cạnh mục tiêu tạo ra một thành phố hấp dẫn và năng động để người dân có thể trải nghiệm và hòa mình với dòng sông, chính quyền Seoul kỳ vọng dự án sẽ mang lại lợi ích kinh tế hằng năm khoảng 925,6 tỷ won và tạo ra 6.800 việc làm mới.

Đánh giá về dự án này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sông Hàn sẽ có sự thay đổi lớn khi chính quyền thành phố Seoul triển khai kế hoạch nhằm tạo ra nhiều không gian giải trí để thu hút nhiều khách du lịch hơn, cung cấp nhiều hơn sự thuận tiện cho người đi lại.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top