Vấn đề kỳ này

Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch

07:34 - Thứ Năm, 04/07/2024 Lượt xem: 4368 In bài viết

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, nơi có 19 dân tộc cùng sinh sống, bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ, phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch, nhằm góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cũng như nâng cao đời sống cho nhân dân…

Với cách làm đó, tháng 10/2022, lần đầu tiên tỉnh Điện Biên công nhận 4 nghề, làng nghề truyền thống đủ tiêu chuẩn theo quy định của Chính phủ. Đó là Làng nghề bánh khẩu xén, bánh chí chọp, bản Bắc II, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay); nghề dệt thổ cẩm bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên); nghề thêu chân váy, áo trang phục dân tộc Mông, bản Púng Pá Kha, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ); nghề mây tre đan bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ).

Theo Hội đồng thẩm định, cả 4 nghề, làng nghề truyền thống đều đáp ứng đủ các tiêu chí như nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận; nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

Theo thống kê, Điện Biên hiện có 44 nghề và làng nghề lớn nhỏ hoạt động đa lĩnh vực với nhiều ngành nghề khác nhau như: nhóm ngành nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan; sản xuất, chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản. Thế nhưng, có một thực tế, các làng nghề ở Điện Biên đều có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chủ yếu theo hộ gia đình, chưa có sự liên kết giữa các nhóm hộ với nhau nên khó duy trì và phát triển lớn mạnh.

Nhằm khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên duy trì và phát triển mở rộng quy mô, chủng loại sản phẩm của các làng nghề hiện có, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là chính sách vinh danh, công nhận làng nghề, nghệ nhân...

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu thì nghề, làng nghề truyền thống phải gắn liền với quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất của cộng đồng các dân tộc anh em. Sản phẩm làng nghề với các nhóm chính như: dệt thổ cẩm, mây tre đan, nhạc cụ truyền thống, kim hoàn, mộc mỹ nghệ... tập trung ở các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Tủa Chùa, TX. Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ. Các làng nghề phân bố đều ở các huyện, hấp dẫn du khách nhờ sản phẩm mang đậm nét vùng miền, đặc trưng của từng dân tộc. Đây là cơ sở để tỉnh phát huy nghề, làng nghề truyền thống, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Phát huy lợi thế và kinh nghiệm của đồng bào, gần đây, một số địa phương đã tổ chức phục dựng và từng bước hình thành các làng nghề truyền thống. Đó là huyện Tủa Chùa với làng nghề truyền thống thêu dệt thổ cẩm của người Xạ Phang ở thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình; làng nghề trồng, chăm sóc, chế biến chè cổ thụ kết hợp với du lịch ở xã Sín Chải và Tả Sìn Thàng. TX. Mường Lay với các làng nghề mây tre đan ở phường Sông Đà; sản xuất bánh khẩu xén, xã Lay Nưa. Làng nghề dệt thổ cẩm ở bản văn hóa Him Lam 2, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ. Huyện Điện Biên Đông với làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cộng đồng dân tộc Lào ở xã Mường Luân...

Việc gắn phát triển làng nghề truyền thống với du lịch không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, giúp đồng bào nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương mà còn là một phương thức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, tạo thêm những điểm du lịch mới làm phong phú các tuyến du lịch.

Mặc dù tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực để khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm, làng nghề truyền thống như: Quảng bá tại các sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh hay tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm phát triển phong phú các sản phẩm theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, do không tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm dẫn đến việc làng nghề không hoạt động hoặc hoạt động lay lắt, cầm chừng.

Trước sự mai một của các nghề, làng nghề truyền thống, những nghệ nhân, người già tại các thôn bản am hiểu về nghề mong muốn các cấp chính quyền có giải pháp hữu hiệu để lưu giữ, phục dựng làng nghề nhằm “níu giữ hồn cốt”, bản sắc văn hóa đặc trưng các dân tộc cho thế hệ sau.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top