Khách Ấn Độ - “mỏ vàng” của du lịch Việt Nam

10:18 - Thứ Tư, 17/07/2024 Lượt xem: 4488 In bài viết

Với hơn 1,4 tỷ dân, nhu cầu đi du lịch nước ngoài tăng mạnh, Ấn Độ đang trở thành thị trường mục tiêu được nhiều quốc gia trên thế giới chạy đua khai thác. Trong cuộc đua ấy, Việt Nam có nhiều lợi thế là điểm đến được du khách Ấn ưa chuộng. Biết tận dụng điểm mạnh và có chiến lược phù hợp thu hút thị trường tiềm năng này sẽ đưa du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.

Đoàn farmtrip gồm các doanh nghiệp du lịch Ấn Độ đến tham quan, khảo sát tại làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận). (Ảnh: PHƯƠNG THẢO)

Số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, thời điểm trước dịch Covid-19, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam mới chỉ đạt 169.000 lượt (năm 2019). Tuy nhiên, tới năm 2023, con số này đã là 392.000 lượt, tăng 231% so với năm 2019. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, nước ta đã đón 231.000 lượt khách Ấn Độ, tăng 164% so với cùng kỳ năm 2023. Ấn Độ trở thành một trong 10 thị trường gửi khách quốc tế lớn nhất Việt Nam, điều này khẳng định, Việt Nam đang là điểm đến đón nhận làn sóng du lịch mạnh mẽ của người Ấn.

Báo cáo “Xu hướng du lịch 2024: Phá vỡ ranh giới” từ Viện Kinh tế Mastercard cũng khẳng định, du khách Ấn Độ đến Việt Nam đã tăng 248% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là số liệu được tổng hợp trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2024, hứa hẹn nhu cầu du lịch của người Ấn sẽ còn tiếp tục “bùng nổ”, nhất là khi đất nước này dự kiến sẽ có thêm gần 20 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu trong vòng 5 năm tới.

The Economic Times ước tính, năm 2024, du khách đến từ quốc gia Nam Á này sẽ chi tiêu khoảng 42 tỷ USD cho du lịch nước ngoài. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) nhận định Ấn Độ là thị trường du lịch nước ngoài (outbound) lớn, đầy tiềm năng và sẽ đạt số lượng gần 50 triệu lượt khách với doanh thu ước tính khoảng 100 tỷ USD vào năm 2027. Những con số này thêm lần nữa chứng minh khả năng “đẻ trứng vàng” của thị trường khách Ấn Độ.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có đầy đủ thế mạnh để thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng khách này. Khoảng cách giữa Việt Nam và Ấn Độ không quá xa, gần đây lại có thêm nhiều đường bay thẳng kết nối hai quốc gia được vận hành cho nên rất thuận tiện cho di chuyển, chỉ mất khoảng 4-5 giờ cho hành trình bay đến Việt Nam.

Thêm nữa, người Ấn dành sự quan tâm lớn cho yếu tố chi phí du lịch, Việt Nam lại có giá thành dịch vụ cạnh tranh, rẻ hơn 10-15% so với các nước trong khu vực; đây là “điểm cộng” trong lựa chọn của du khách Ấn. Bên cạnh đó, với nhiều người Ấn Độ, Việt Nam vẫn đang là điểm đến mới sở hữu nền văn hóa, ẩm thực đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú…, dễ kích thích nhu cầu muốn được khám phá.

Điều này góp phần lý giải tại sao gần đây lượng khách Ấn đến Việt Nam tăng mạnh, nhất là ở những nơi có tài nguyên du lịch phong phú, cơ sở hạ tầng chất lượng cao như Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…; trong đó phổ biến là hình thức đi du lịch theo nhóm gia đình, du lịch MICE, nhất là du lịch cưới với những đám cưới xa hoa của giới siêu giàu Ấn Độ. Đây cũng là kết quả từ việc thời gian qua, ngành du lịch và nhiều địa phương, điểm đến của nước ta đã chú trọng xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường Ấn Độ.

Đáng chú ý, mới đây, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã cùng các đối tác Vietravel, Vingroup, Sun Group và các hãng lữ hành của Ấn Độ thực hiện nghi thức chung tay phát động điểm đến Việt Nam tại thủ đô New Delhi; đồng thời, tổ chức thành công chuỗi sự kiện khai trương Trung tâm Thông tin du lịch Việt Nam tại Ấn Độ, nhằm tạo cầu nối khai thác hiệu quả hơn thị trường đông dân nhất thế giới.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh thu hút khách Ấn, vấn đề quan trọng là phải xây dựng được những dịch vụ, sản phẩm đủ sức chinh phục thị trường khách vốn nổi tiếng khó chiều này. Chia sẻ về một số điểm đặc trưng khác biệt của khách du lịch Ấn Độ, ông Nguyễn Quang Vinh (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch), Chủ nhiệm chương trình “Nghiên cứu thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam” cho biết, du khách Ấn thường đi du lịch theo gia đình hoặc nhóm bạn bè, ít khi đi du lịch một mình; yêu thích mua sắm, tham gia các hoạt động ngoài trời, tham quan các bảo tàng, di tích văn hóa, lịch sử…

Bên cạnh sở thích ở những resort đẹp, khách Ấn còn thích ăn uống, dự tiệc. Khách Ấn thường lựa chọn sử dụng dịch vụ có mức trung bình khá, họ tính toán, suy xét kỹ lưỡng các lựa chọn về đi lại, ăn uống. Việc hiểu được đặc điểm tâm lý, văn hóa, thói quen của du khách sẽ giúp các đơn vị cung ứng dịch vụ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong đáp ứng nhu cầu du khách.

Theo ông Vinh, qua nghiên cứu, khách Ấn có thói quen tiếp nhận, tìm hiểu thông tin điểm đến, sản phẩm du lịch qua hệ thống các trang thông tin điện tử, mạng xã hội trước khi đưa ra quyết định du lịch, vì thế việc đẩy mạnh quảng bá qua công nghệ số sẽ là con đường hiệu quả để tiếp cận phân khúc khách này.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện hệ sinh thái về các nhà hàng, cơ sở lưu trú đạt chuẩn để phục vụ du khách Ấn Độ, đáp ứng các nhu cầu về ẩm thực, cầu nguyện… của du khách.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: Dù khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam ngày càng tăng, song chưa có thống kê cụ thể và đầy đủ về nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch Ấn Độ. Cần có giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách Ấn Độ cho các đơn vị khai thác thị trường này.

Chuyên gia nghiên cứu du lịch, Thạc sĩ Nguyễn Văn Gia đề xuất, các đơn vị lữ hành cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác Ấn Độ để làm rõ các yêu cầu của khách về vấn đề ăn uống; thông báo chi tiết các dịch vụ trong chương trình, dịch vụ nào bổ sung, không có trong chương trình cần làm thành các lựa chọn với chi phí cụ thể để sẵn sàng phục vụ nếu khách có nhu cầu.

Về phía cơ quan nhà nước, ông Gia cho rằng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn và nhân viên của các cơ sở cung cấp dịch vụ khác cho đối tượng khách Ấn Độ; phối hợp với phía Ấn Độ trong hợp tác, chuyển giao công nghệ chế biến thực phẩm, đồ gia vị và các nguyên phụ liệu phục vụ nhu cầu ăn uống của người theo đạo Hindu và Hồi giáo tại các nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam; tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, ngoại giao, hàng không…, tạo cơ sở thu hút mạnh mẽ du khách Ấn Độ với các dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top