Phố cổ Kiến Thủy - nơi thời gian ngưng đọng

14:18 - Thứ Hai, 29/07/2024 Lượt xem: 3463 In bài viết

Kiến Thủy là một huyện thuộc châu tự trị dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa).

Nằm bên bờ bắc của sông Hồng, Kiến Thủy từng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Vân Nam trong một thời gian dài. Năm 1994, Kiến Thủy được vinh danh là “Thành phố Lịch sử và Văn hóa quốc gia” và “Điểm ngắm cảnh quan trọng của Trung Quốc”.

Phố cổ Kiến Thủy.

“Bảo tàng nhà ở dân gian” độc đáo

Đến với Kiến Thủy, du khách sẽ bất ngờ bởi thời gian như ngưng đọng trên những công trình kiến trúc, con đường lát đá hay những khu chợ, ngôi làng truyền thống...

Theo các nguồn tư liệu, thị trấn cổ Kiến Thủy hình thành cách đây khoảng 1.200 năm. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn, gìn giữ được 50 tòa nhà cổ cùng nhiều công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa khác. Vì thế, Kiến Thủy còn được coi là một “Bảo tàng kiến trúc cổ” hay “Bảo tàng nhà ở dân gian”.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu đến Kiến Thủy mà không đến thị trấn cổ được xây dựng thời nhà Đường. Thị trấn cổ không lớn, chỉ gồm một số con phố với trung tâm là đường Lâm An, được lát hoàn toàn bằng đá, điểm bắt đầu từ cổng phía đông, nơi có Triều Dương Lầu được mệnh danh là “tiểu Thiên An Môn” án ngữ, kéo dài khoảng 3km cho đến cổng phía tây. Hai bên là những cửa hàng sầm uất bán quần áo, giày dép, đặc biệt là đồ gốm tử sa - loại gốm sắc tím đặc trưng có bề dày lịch sử 5.000 năm, được khai thác từ đất tử sa có hàm lượng sắt cao và chất lượng tốt nhất. Gốm tử sa cùng với tơ lụa xưa kia được vua quan coi như tài sản vô cùng quý báu.

Dạo bước trên con đường lát đá hàng thế kỷ được che mát bởi hai hàng cây cổ thụ đan vào nhau tạo thành những chiếc ô lớn, du khách có dịp ngắm nhìn những ngôi nhà cổ nằm xen kẽ với những tam quan, đền, chùa... có kiến trúc cầu kỳ, tinh xảo với mái vẩy lợp ngói âm dương, gạch ốp bằng sứ đủ màu, các cột gỗ lim khổng lồ hay những bức tường màu nâu đất trầm mặc.

Nhìn qua, du khách khó có thể phân biệt niên đại của các ngôi nhà, bởi bên cạnh những công trình cổ được giữ gìn nguyên vẹn còn có rất nhiều nhà mới được xây sau này nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc và sử dụng vật liệu như nhà cổ. Điều đó cho thấy người Trung Quốc rất tôn trọng văn hóa, kiến trúc truyền thống cùng kỷ luật và tính khoa học cao trong việc quy hoạch, bảo tồn đô thị cổ. Nhờ đó, phố cổ Kiến Thủy trở thành một “bảo tàng kiến trúc nhà ở dân gian” độc đáo, cổ kính nhưng vẫn rất sống động.

Ngoài ra, đến Kiến Thủy du khách nên ghé thăm các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như đền Khổng Tử Kiến Thủy, Chu Gia hoa viên (vườn của gia đình họ Chu), cầu Song Long... Đây đều là những “viên ngọc kiến trúc” độc đáo, mang sắc thái văn hóa bản địa đặc trưng cho Kiến Thủy.

Khám phá văn hóa bản địa

Một điểm nổi bật của Kiến Thủy nói riêng và Vân Nam nói chung là văn hóa thờ Khổng Tử và Nho giáo. Từ thời nhà Nguyên, việc học hành thi cử đã phát triển hưng thịnh. Tại tỉnh Vân Nam, huyện Kiến Thủy cùng các thành phố Côn Minh và Đại Lý là 3 nơi có Văn miếu thờ Khổng Tử. Về quy mô, Văn miếu Kiến Thủy chỉ thua Văn miếu tại Khúc Phụ, quê hương Khổng Tử. Hiện nay Văn miếu Kiến Thủy được Nhà nước Trung Quốc xếp hạng là Khu di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.

Văn miếu Khổng Tử Kiến Thủy xây dựng vào triều đại nhà Nguyên, có lịch sử hơn 700 năm. Khuôn viên di tích bao gồm 7 sân trải rộng trên trục trung tâm, nơi có các hội trường cổ, đền thờ tổ tiên và cổng vòm tưởng niệm. Đáng chú ý là tại hội trường Đại Thành có bức tượng Khổng Tử uy nghiêm cùng hơn 100 nhân vật và các loài linh thú được chạm khắc sống động trên 22 cánh cửa. Hằng năm, Lễ hội văn hóa Khổng Tử được tổ chức tại Văn miếu Khổng Tử Kiến Thủy.

Văn hóa kiến trúc, văn hóa Nho giáo và văn hóa gốm tử sa là những phần trải nghiệm quan trọng, hấp dẫn trong chuyến tham quan văn hóa Kiến Thủy. Hằng năm, Lễ hội Văn hóa Nho giáo và Lễ hội Du lịch Văn hóa Gốm tử sa được tổ chức với quy mô lớn. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hấp dẫn cũng diễn ra tại văn miếu Khổng Tử. Du khách có thể tham gia các hoạt động lễ hội để trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống của Trung Quốc tại đây.

Tới Kiến Thủy du khách cũng đừng quên ghé thăm làng nghề làm đậu phụ Tây Môn Đại Bản. Làng nghề có lịch sử hàng trăm năm tuổi này nằm cách cổng phía tây của phố cổ Kiến Thủy 100m. Tại đây, du khách không chỉ được chứng kiến quy trình sản xuất đậu phụ thối - đặc sản nổi tiếng của Kiến Thủy, mà còn được thăm giếng cổ hàng nghìn năm tuổi - giếng nước duy nhất được người dân dùng để làm ra những bìa đậu phụ trắng và béo ngậy. Đậu phụ thối là món không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người Trung Quốc, và đậu phụ thối nướng giòn chấm muối ớt vừa là món ăn chính, vừa là món ăn vặt của người Kiến Thủy.

Du khách có thể thưởng thức món ăn này cùng người dân tại các bàn nướng bày dọc lối đi vào làng cổ Tây Môn Đại Bản hay tại chợ đêm Tử Đào - một khu chợ có sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống nằm bên bờ hồ Quảng Từ. Nơi đây còn có các đặc sản địa phương như lẩu của người Hồi, đồ nướng, đậu phụ thối, trà sữa hoa hồng, các loại trái cây, nước ép... Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức show diễn “Giai điệu Kiến Thủy” với các bài dân ca, điệu múa truyền thống của người Hán và người Di, tái hiện lịch sử, truyền thống cổ xưa của người dân Kiến Thủy.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top