Du lịch trong mùa mưa bão: Bảo đảm an toàn cho du khách

09:10 - Thứ Năm, 01/08/2024 Lượt xem: 4110 In bài viết

Du lịch Việt Nam đang trong mùa cao điểm dành cho khách nội địa, trùng với thời điểm trong nước bắt đầu bước vào mùa mưa bão.

Chính vì vậy, bên cạnh các hoạt động kích cầu hấp dẫn, nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch đã chủ động lên phương án bảo đảm an toàn cho du khách trong điều kiện thời tiết bất thường, với mục tiêu giữ những trải nghiệm trọn vẹn, đáng nhớ trong chuyến tham quan, nghỉ dưỡng cho du khách.

Du khách rời đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) trước cơn bão số 2, ngày 22-7. Ảnh: Hải Linh

Nhiều hoạt động kích cầu hấp dẫn

Hiện nay, du lịch Việt Nam vẫn đang trong những tháng cao điểm hè đón khách nội địa. Theo ghi nhận chung, lượng khách đến các điểm du lịch trong tháng 7 tăng cao, dự báo có thể sẽ “hạ nhiệt” trong tháng 8 do thời tiết bắt đầu vào mùa mưa bão. Để thu hút du khách trong tháng 8, nhiều địa phương, đơn vị có các hoạt động hấp dẫn để kích cầu...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ mở cửa đón khách tham quan 2 điểm di tích Hải Vân Quan và An Lăng từ tháng 8-2024, sau thời gian dài trùng tu. Các đơn vị quản lý thống nhất phương án mở cửa miễn phí đối với di tích Hải Vân Quan từ ngày 1-8, cho đến khi xây dựng được bảng giá vé phù hợp.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh khai trương tuyến phố du lịch VuiFest Hạ Long từ cuối tháng 6, dự kiến sẽ tiếp tục tạo được sức hút trong tháng 8 này. Cùng với du lịch biển đảo, tỉnh Quảng Ninh còn xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa như tour tham quan trận địa pháo đồi Đặng Bá Hát, phố cổ Hòn Gai, nhà Pháp, trải nghiệm cuộc sống làng chài, xưởng chế biến than đá..., góp phần làm đa dạng, phong phú hơn các sản phẩm tham quan, trải nghiệm địa phương.

Cũng nhằm tăng sức hút cho du lịch Việt Nam, mới đây Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như đưa ra nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn phục vụ hành khách. Có thể kể đến hàng loạt sản phẩm mới hướng đến khách du lịch với trải nghiệm đi tàu du lịch như tàu chất lượng cao SE19-20; SE20-21; tàu kết nối di sản Huế - Đà Nẵng; tàu đêm Đà Lạt - Trại Mát; tàu Food-tour Hà Nội - Hải Phòng... Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật tại nhà ga để tăng sức hút cho du khách.

Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng nhận định, trong khi vé máy bay tăng cao, cùng với mùa mưa ở khu vực miền Trung và miền Bắc đang bắt đầu, du lịch đường sắt là một trong những sản phẩm đang nhận được nhiều sự lựa chọn của du khách vì giá cả hợp lý và bảo đảm an toàn.

Cần thận trọng, đón khách an toàn

Bước sang tháng 8, mùa mưa bão bắt đầu, tiềm ẩn không ít rủi ro cho ngành Du lịch Việt Nam. Điển hình như đợt bão số 2 vừa qua, hàng nghìn khách mắc kẹt ở các đảo Cát Bà (Hải Phòng); Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu (Quảng Ninh). Hay đợt mưa kéo dài gây ngập ở Hạ Long vào cuối tháng 7 khiến cho nhiều du khách chỉ có thể nghỉ dưỡng tại phòng, hạn chế tham quan vịnh và vui chơi ngoài trời.

Đối với các doanh nghiệp lữ hành, việc gặp rủi ro về thời tiết trong khi đưa khách du lịch ở biển, đảo thường khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để có thể hạn chế, tránh được những rủi ro? Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết, đơn vị từng xử lý nhiều tình huống khách bị “mắc kẹt” tại đảo Cô Tô, Quan Lạn (Quảng Ninh) do gặp biển động, mưa bão bất chợt.

“Để bảo đảm an toàn cho khách, công ty thường liên kết chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ tại các điểm du lịch, hỗ trợ du khách khi có rủi ro xảy ra. Nhiều đơn vị lưu trú sẵn sàng giảm giá phòng cho du khách nếu bị mắc kẹt”, ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ.

Theo Giám đốc Công ty Lữ hành AZA Nguyễn Tiến Đạt, các địa phương và điểm đến nên thường xuyên cung cấp thông tin và có cảnh báo cho đơn vị lữ hành và du khách để có thể tránh rủi ro từ sớm. Các đơn vị lữ hành cần tư vấn cho du khách những thời điểm du lịch an toàn, sẵn sàng có các chính sách hỗ trợ cho khách hoãn, hủy tour nếu gặp thời tiết bất thường. Nếu trường hợp rủi ro xảy ra, cần yêu cầu hướng dẫn viên bám sát hoạt động của du khách để hỗ trợ kịp thời.

Để tránh rủi ro cho du khách trong mùa mưa bão, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho biết, hằng năm, Bộ đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường quản lý điểm đến. Bộ đề nghị các địa phương phải tiến hành rà soát, cảnh báo, có phương án bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt trong mùa mưa bão và các điều kiện thời tiết bất thường.

Có thể thấy, thời điểm này vẫn đang là mùa cao điểm của khách nội địa. Để hoạt động du lịch được an toàn, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần, các địa phương, đơn vị cần có sản phẩm phù hợp và sự hợp tác, liên kết chặt chẽ, có chính sách hỗ trợ du khách kịp thời, bảo đảm du lịch an toàn trong mọi tình huống.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top