Bikaner: Ánh vàng dưới lớp bụi thời gian

12:03 - Thứ Hai, 12/08/2024 Lượt xem: 3286 In bài viết

Các thành phố cổ ở Ấn Độ luôn khiến du khách phải ngỡ ngàng vì sự tinh tế và thịnh vượng len lỏi trong từng ngóc ngách. Thành phố Bikaner nằm tại tây bắc bang Rajasthan không là ngoại lệ.

Từng có thời những vị quý tộc, thương nhân từ khắp Ấn Độ lấy thành phố bên bờ sa mạc Thar này làm nơi cất trữ của cải. Tuy những ngày tháng huy hoàng nhất của Bikaner đã trôi qua, nhưng thành phố vẫn mang một ánh vàng phía dưới lớp bụi thời gian.

Pháo đài Junagarh là biểu tượng của Bikaner.

"Thành phố đỏ"

Ấn tượng đầu tiên của du khách khi ghé thăm Bikaner là sự chật hẹp của phố xá. Những tòa biệt thự đồ sộ và hào nhoáng được xây cách nhau chỉ hai sải tay. Lối xây dựng như vậy có cái lợi là mỗi khi có bão cát xảy ra, những con phố không bị nhấn chìm trong biển cát nhưng việc đi lại bằng xe hơi trong nội thành Bikaner lại vô cùng khó khăn. Du khách chỉ có ba lựa chọn để đi lại ở Bikaner: Đi bộ, thuê xe đạp, hay ngồi trên những chiếc xe ba bánh do các bác tài vui tính cầm lái.

Điểm đến hàng đầu ở Bikaner là hai ngôi đền Shri Laxminath và Bhandasar Jain. Hai ngôi đền theo đạo Jain (Kỳ Na giáo) được xây cách nhau chỉ vài chục bước chân. Tương truyền rằng, các thương nhân đã đóng góp nhiều tiền xây đền đến mức nền móng của cả hai công trình đều được làm từ bê tông trộn với bơ ghee (loại bơ được dùng trong các nghi lễ tôn giáo ở Ấn Độ). Nếu như ở Việt Nam có hiện tượng nền nhà “đổ mồ hôi” mỗi khi trời nồm, thì ở đền Shri Laxminath và Bhandasar Jain, nền nhà lại “chảy mỡ” vào mùa hè. Nhiều khu vực trong đền được dát vàng hay lắp gương dát bạc. Người xưa còn chở đá hoa cương từ Afghanistan cách hàng nghìn dặm để tạc thành những cây cột chống đền.

Bikaner có một “trái tim” - là pháo đài Junagarh. Mọi ngóc ngách trong thành phố đều được nhìn thấy khi đứng trên tường pháo đài này. Công trình là nơi ở của các thế hệ raja (lãnh chúa) cai quản thành phố. Pháo đài Junagarh đã bị tấn công nhiều lần trong lịch sử hơn 400 năm nhưng chỉ bị chiếm đóng bởi quân xâm lược đúng một ngày. Khu cung điện và các công trình khác trong pháo đài vì thế được bảo tồn gần như hoàn hảo. Du khách hẳn sẽ bị ấn tượng trước sự giàu có và tính thẩm mỹ của các vị raja khi đến thăm pháo đài.

Chưa hết, bảo tàng thành phố Bikaner còn đặt ngay trong pháo đài Junagarh. Bởi vì Bikaner là cửa ngõ giao thương của Ấn Độ nên du khách sẽ tìm thấy cổ vật đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau được bảo tàng trưng bày tại đây. Bạn sẽ tìm thấy mọi thứ, từ phục trang và trang sức của các raja, cho đến chiếc máy bay chiến đấu từng được phi công Ấn Độ bay trong Thế chiến thứ I.

Ở Bikaner không thiếu các biệt thự, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Rampuria Haveli. Rampuria Haveli không phải là một mà là bảy tòa biệt thự nằm xung quanh một ngã tư đường. Khu công trình này là nơi ở của đại gia đình thương gia Rampuria nổi tiếng một thời. Họ đã tốn không biết bao nhiêu tiền để xây cả bảy biệt thự toàn bằng đá đỏ, rồi lại mời những thợ điêu khắc tài ba chạm khắc từng đường nét tinh xảo cho công trình. Chưa hết, các thế hệ trong gia đình Rampuria còn từng sửa chữa và nâng cấp nơi ở nhiều lần, để ngày nay Rampuria Haveli mang cả dấu ấn kiến trúc châu Âu và châu Á. Những tòa biệt thự màu đỏ của gia tộc Rampuria đã tạo nên hình ảnh nổi bật và ấn tượng, khiến cho Bikaner còn được biết đến với cái tên “Thành phố đỏ”.

Tận hưởng

Bikaner không nhiều tài nguyên tự nhiên nhưng lại rất giàu có về nguồn nhân lực. Những người lính tuyển mộ từ Bikaner từng có thời nổi tiếng khắp Ấn Độ về tính thiện chiến và lòng trung thành. Bản thân thành phố này cũng là “công xưởng vũ khí” cho toàn Ấn Độ. Thời nay, hình ảnh những người lính đã trở thành quá khứ, nhưng những người thợ vẫn còn đó. Thay vì rèn thanh kiếm, khẩu súng thì nay họ làm con dao, cái kéo. Thương hiệu dao kéo Bikaner đã đi khắp năm châu và trở thành một món đồ lưu niệm độc đáo của vùng.

Nếu nói về ẩm thực Bikaner thì du khách nên ghé thăm khu phố chợ Bhujia. Bhujia cũng là tên của món đặc sản Bikaner, một thứ bim bim làm từ bột của bốn loại đậu trộn đều với ngũ vị hương, sau đó đem đi chiên ngập dầu. Bhujia là sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu địa lý. Nhưng quan trọng là, chỉ có bhujia được làm ở Bikaner mới đúng vị bhujia. Người Bikaner còn trộn lẫn bhujia với đậu rang, lạc rang làm thành món snack namkeen nổi tiếng.

Bikaner còn nổi tiếng bởi những sản phẩm làm từ sữa lạc đà. Từng có một tục lệ lâu đời là hằng năm, người dân Bikaner sẽ tiến vua những bình gốm đựng đầy kulfi - một thứ kem làm từ sữa lạc đà, xoài, nước hoa hồng và nhụy hoa nghệ tây. Kulfi vẫn là thứ đặc sản nổi tiếng của Bikaner, nhưng người Bikaner ngày nay còn nghĩ ra nhiều sản phẩm khác làm từ sữa lạc đà như trà sữa chai, sữa chua, phô mai, bánh custard...

Du khách khi ghé thăm Bikaner không nên bỏ qua cơ hội dạo chơi sa mạc trên lưng những chú lạc đà. Trước đây, những thương nhân Ấn Độ muốn sang châu Âu bao giờ cũng phải dừng lại ở Bikaner để thuê lạc đà. Không có lạc đà thì họ không thể vượt qua sa mạc Thar rộng lớn được.

Ngày nay, phần lớn lạc đà tại Bikaner được chăm sóc bởi Trung tâm Bảo tồn lạc đà Bishnoi. Trung tâm sẵn sàng cho du khách thuê lạc đà cùng với hướng dẫn viên du lịch. Du khách có thể chọn tour cưỡi lạc đà kéo dài một buổi hay qua đêm ngay trên sa mạc.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top