Du lịch Điện Biên từ góc nhìn Hà Nội

16:29 - Thứ Tư, 14/08/2024 Lượt xem: 6787 In bài viết

ĐBP - Năm 2024, tỉnh Điện Biên đăng cai Năm Du lịch Quốc gia và đặt mục tiêu đón 1,3 triệu lượt khách, với tổng doanh thu đạt khoảng 2.200 tỷ đồng. Với mục tiêu đó, Điện Biên nỗ lực xúc tiến quảng bá giới thiệu điểm đến, hàng loạt các hoạt động đặc sắc được tổ chức, thu hút đông đảo người dân, khách du lịch đến Điện Biên. Ngành Du lịch tỉnh nhà đang có những bước chuyển mạnh mẽ; dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều trở nên khập khiễng, song với góc nhìn từ du lịch Hà Nội cho thấy Điện Biên có không ít những điểm chung, thế mạnh và cũng là điều thiếu sót mà Điện Biên cần nhìn nhận, tìm kiếm.

Bài 1: “Hà Nội đến để yêu”

Nhờ không ngừng sáng tạo, đổi mới cách làm, du lịch Hà Nội đang có những bước tiến vượt bậc từ việc tập trung xây dựng, quảng bá, làm mới sản phẩm trải nghiệm từ chính “nền móng” sản phẩm cũ. Du lịch Hà Nội đã tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo khách đến tham quan, đặc biệt là giới trẻ và khách du lịch quốc tế; góp phần không nhỏ xây dựng một thủ đô: “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu”.

Làm mới sản phẩm trải nghiệm

Một ngày mưa cuối tháng 7, chúng tôi hòa vào dòng người đến tham quan di tích nhà tù Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Những hiện vật còn lưu giữ và trưng bày tại đây như bằng chứng thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp khi xây dựng nhà tù, biến nhà tù Hỏa Lò trở thành nỗi khiếp sợ của Đông Dương. Ấn tượng với chúng tôi là cây bàng đã ngót trăm tuổi duy nhất của Nhà tù Hỏa Lò nay còn được giữ lại ở sân trại E. Đặc biệt hơn, từ những chiếc lá bàng đủ các sắc màu xanh, vàng, đỏ cùng quả bàng chín trước đây là bài thuốc quý cứu sống người tù Hỏa Lò thì nay đã trở thành những sản phẩm lưu niệm, món quà ý nghĩa dành tặng cho du khách khi đến với di tích.

Với ý tưởng “Sáng tạo sản phẩm mới, quảng bá điểm đến của Hà Nội, góp phần tích cực, hiệu quả thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước đến với Hà Nội”, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tạo ra những món quà là sản vật địa phương trong hành trang trở về của du khách từ mỗi chuyến đi. Xác định việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố quan trọng nhằm tạo ấn tượng, níu chân du khách lâu hơn tại di tích, đơn vị đã có ý tưởng về việc nghiên cứu, sáng tạo ra hàng loạt sản phẩm từ “bàng” - đặc trưng của Hỏa Lò. Không chỉ quả bàng khô được khắc logo Nhà tù Hỏa Lò, mà những chiếc lá cũng thành ý tưởng khắc hình ảnh người tù hay bài thơ của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng. Món bánh lá bàng, trà lá bàng và thạch bàng cũng là những sản phẩm du lịch mới được làm ra cho tour khám phá nhà tù Hỏa Lò. Cùng với vở diễn về tù nhân chính trị xưa, những món ăn này giúp Đêm thiêng liêng 2 trở thành một sản phẩm du lịch nổi trội; trở thành tour du lịch siêu hot, khiến Ban quản lý nhiều lần thông báo “cháy vé” vì lượng người đặt tour quá đông. 

Bên cạnh những sản phẩm trải nghiệm ban ngày, vào các tối thứ sáu và thứ 7 hàng tuần, các chương trình Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa và Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân còn được tổ chức. Sự đầu tư cả về phần nghe lẫn phần nhìn cũng đem đến cho khách tham quan trải nghiệm khó quên. Nhiều du khách đã cảm động, rưng rưng nước mắt khi tham gia chương trình trải nghiệm và hiểu thêm về một thế hệ cha anh kiên cường, bất khuất: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh! Sau đêm thiêng liêng 3, những cảm xúc đọng lại trong lòng mình thật dữ dội, xót xa, căm hờn, tự hào, nhiệt huyết. Nhưng có thể nói điều mà mình cảm nhận rõ nhất là yêu đất nước Việt Nam”... Hay có du khách tìm lại được động lực cố gắng trong cuộc sống, biết sống có ý nghĩa hơn: “Chặng hành trình rất cảm xúc! Cuộc sống hàng ngày chỉ đều đều, đôi khi bản thân mình thấy mệt mỏi và không có động lực cố gắng. Nhưng sau khi xem xong Đêm thiêng liêng 3, cảm thấy bản thân được tái tạo lại động lực. Khó khăn hiện tại so với khó khăn của cha ông ngày xưa chẳng là gì cả”.

Dấu ấn du lịch

Không ngừng đổi mới cách làm, từ tập trung quảng bá sản phẩm trải nghiệm mới đến liên kết nhóm sản phẩm thế mạnh với các địa phương, du lịch Hà Nội đang có những bước tiến vượt bậc. Theo Sở Du lịch Hà Nội, ngành đang tập trung phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch, đặc biệt là điểm đến di tích, di sản xây dựng sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như: Du lịch bay trực thăng, bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng...

Thời gian gần đây, nhiều sản phẩm du lịch mới mang dấu ấn văn hóa Hà Nội ra đời, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Ngoài các tour du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Văn học và các phố đi bộ đêm; nhiều tour du lịch mới cũng ra đời như: Sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe tại huyện Sóc Sơn; Bác Cổ - Mùa hoa gạo tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Tìm về Kinh đô người Việt cổ tại di tích Thành Cổ Loa; Hành trình di sản tại Hoàng thành Thăng Long và làng gốm Bát Tràng… Chia sẻ về tour du lịch làng gốm Bát Tràng, ông Phạm Minh Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội cho biết: Với hơn 500 năm tuổi, đây là nơi hội tụ của nền văn hóa Kinh Bắc kết hợp với truyền thống nghìn năm văn hiến của kinh đô Thăng Long. Điều thú vị nhất khi đến Làng gốm Bát Tràng là tận mắt thấy những sản phẩm gốm sứ độc đáo, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề có truyền thống lâu đời. Du khách còn được xem các nghệ nhân thực hiện quy trình chế tạo gốm hết sức cầu kỳ, tỉ mỉ. Ngoài ra, bạn còn được trải nghiệm làm những sản phẩm gốm mà mình yêu thích.

Hướng tới thông điệp: “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu”, Hà Nội đã chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch, cải tiến các thủ tục hành chính, tạo điều kiện nhanh và thuận tiện cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và hướng dẫn viên. Trong tháng 6/2024, thành phố đã nhận 233 hồ sơ xin cấp phép, đã giải quyết gần hoàn thành; thẩm định 507 hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch. Hà Nội hiện có 1.784 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 429 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 7 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; 5.777 hướng dẫn viên du lịch quốc tế; 2.235 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 103 hướng dẫn viên du lịch tại điểm đang hoạt động. Ngành Du lịch Hà Nội hình thành liên kết, hợp tác giữa cơ quan quản lý, các hiệp hội, các hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, công ty vận chuyển, điểm đến, cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển sản phẩm du lịch nơi “trái tim” của cả nước.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, lượng khách du lịch đến Hà Nội quý II ước đạt 1,5 triệu lượt người (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023). 6 tháng đầu, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt hơn 3 triệu lượt người (tăng 36%). Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 2,1 triệu lượt người (tăng 48%); du khách nội địa đạt 892 nghìn lượt người (tăng 15%). Trên địa bàn Hà Nội có 3.760 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ được xếp hạng từ 1-5 sao (công suất đạt 63%). Hà Nội hiện có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Bài 2: Những “mảnh ghép” còn thiếu

Mai Giáp – Mai Phương – Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top