Du lịch Điện Biên từ góc nhìn Hà Nội (bài 2)

08:35 - Thứ Năm, 15/08/2024 Lượt xem: 4850 In bài viết

Bài 2: Những “mảnh ghép” còn thiếu

ĐBP - Trong chuyến hành trình về với Thủ đô, chúng tôi được trải nghiệm gần như đầy đủ những nét tinh túy nhất của du lịch Hà thành. Cũng từ những điều mắt thấy, tai nghe ấy, chúng tôi nghĩ tới những nét tương đồng về tiềm năng, loại hình, sản phẩm của ngành Du lịch tỉnh nhà với du lịch TP. Hà Nội. Nhìn vào những kết quả mà ngành Du lịch Thủ đô làm được, chúng tôi trộm nghĩ đến những “mảnh ghép” du lịch Điện Biên còn thiếu.

Bài 1: “Hà Nội đến để yêu”

Sôi động du lịch về đêm

Trong chuyến thăm Hà Nội cùng đoàn công tác Hội Nhà báo tỉnh, chúng tôi được sải bước chân khắp các tuyến phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cùng với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội một buổi tối cuối tuần. Chúng tôi choáng ngợp khi chứng kiến không gian vui chơi, thư giãn của cộng đồng dân cư tại chỗ, du khách trong và ngoài nước. Nơi đây còn có đa dạng các nét văn hóa của thế giới và các vùng miền trong cả nước. Tiếp và làm việc với đoàn, ông Văn Đức Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết: “Vào đầu năm 2021, cùng với không gian đi bộ trong khu bảo tồn cấp I, khu phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ Hồ Gươm, UBND thành phố Hà Nội cho phép quận Hoàn Kiếm chính thức thực hiện đề án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối với không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận tạo thành một không gian đi bộ chỉnh thể, đồng thời tạo ra các điều kiện thuận lợi trong việc phát huy các giá trị di sản của khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tại đây đã tạo điểm tĩnh kết hợp với không gian công cộng với sự cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội. Nhiều tổ chức và cá nhân triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa nghệ thuật, đặc sắc hấp dẫn”.

“Trong giai đoạn từ năm 2017 và 6 tháng nửa đầu năm 2024, tại tuyến phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã tổ chức gần 7.000 buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống và đương đại; trung bình mỗi năm tổ chức 500 sự kiện lớn của Trung ương, Thủ đô, các tỉnh thành lớn trong cả nước, các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế... đưa khu vực này thành nơi giao lưu văn hóa, nghệ thuật và là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày cuối tuần có khoảng 20 nghìn lượt khách đến với không gian phố đi bộ” - ông Văn Đức Linh cho hay.

Cùng với phố đi bộ đêm, các di sản văn hóa, các di tích tại Thủ đô cũng đang được “thắp sáng” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò… vào buổi tối đều có thể thấy các di tích này được hỗ trợ công nghệ hiện đại để tổ chức các tour du lịch về đêm cho du khách. Ví như: Tour đêm “Sống như những đóa hoa”, “Lửa thanh xuân” của di tích Nhà tù Hỏa Lò thường xuyên cháy vé, phải đặt chỗ trước 1 - 2 tháng; tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” khiến du khách thích thú khi được trở về quá khứ để trải nghiệm không gian cung đình xưa, dâng hương tưởng niệm 52 vị tiên đế tại điện Kính Thiên, lật lại từng thời đại qua những dấu tích di khảo qua thử thách về các cổ vật phát lộ tại Hoàng Thành…

Các tour đêm trong các di tích ở Hà Nội đang là điểm nhấn, nhận được sự quan tâm từ người dân và khách du lịch. Theo chia sẻ của nhiều du khách, khi việc tham quan các di tích, di sản vào ban ngày đã trở nên quen thuộc, không còn quá hấp dẫn thì những tour đêm như thế này là những “chất xúc tác” hoàn toàn mới. Bởi, yếu tố đêm không chỉ gây tò mò so với những tour du lịch ngày thông thường, mà còn trực tiếp tác động vào thị giác, giúp đẩy sự kịch tính của câu chuyện và giữ tập trung cho du khách mang lại những trải nghiệm đặc biệt tại các di tích lịch sử - văn hóa.

Mạnh mẽ chuyển đổi số

Một trong những nội dung chúng tôi thấy trong hành trình trải nghiệm du lịch tại Thăng Long – Hà Nội đó là sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bám sát nghị quyết này, các đơn vị du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều phần việc cụ thể, mang lại những kết quả tích cực.

Đến thăm di tích Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi mới thấy rõ việc chuyển đổi số trong du lịch, nhất là loại hình du lịch lịch sử mang lại hiệu quả như thế nào. Tại đây, việc trưng bày, triển lãm được thực hiện dưới nhiều hình thức. Bên cạnh trưng bày thực tế, còn tổ chức các trưng bày online, góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hơn giá trị của khu di sản. Nội dung các cuộc trưng bày liên quan đến phát huy giá trị của hiện vật khảo cổ học khai quật được, đến lễ hội Cổ Loa, thân thế và sự nghiệp của vua Ngô Quyền, giá trị di tích cách mạng gắn với các sự kiện lịch sử, văn hóa của khu vực Hoàng thành Thăng Long cũng như của Thủ đô và đất nước. Ngoài ra, công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan đã được chuẩn hóa cũng như áp dụng công nghệ mới tiên tiến, kết hợp âm thanh, phim, ảnh, những hỗ trợ kỹ thuật số cho phép khách tham quan tự tìm hiểu, khám phá và có thể tương tác qua màn hình. Việc giới thiệu về di sản được thực hiện dưới các hình thức như: Công bố các tư liệu, hồ sơ lưu trữ; xuất bản các ấn phẩm, kết quả nghiên cứu về khu di sản; xây dựng trang web làm một công cụ giáo dục, kết nối giữa di sản với cộng đồng. Còn tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã thực hiện số hoá 40 hạng mục thành các QR code cho khách tham quan tìm hiểu. Ngoài ra, di tích còn triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ để phục vụ tốt hơn du khách quốc tế.

Theo thông tin từ Sở Du lịch TP. Hà Nội, đơn vị đã từng bước hoàn thiện hạ tầng internet phục vụ các ứng dụng trong du lịch thông minh. Đến nay Hà Nội đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Nhờ đó nhiều di tích, điểm du lịch như Hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò, làng nghề gốm sứ Bát Tràng… đã triển khai bán vé điện tử, thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ, như: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn. Cùng với đó, ngay từ đầu năm 2023, Sở đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành Du lịch và đưa vào khai thác. Đồng thời, hoàn thành việc điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn và xây dựng, vận hành phần mềm quản lý để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội. Sở cũng đã hình thành bản đồ số du lịch, bằng nhiều thứ tiếng thể hiện các thông tin thu hút du khách phục vụ phát triển du lịch thông minh của Hà Nội. Hiện đã thực hiện thí điểm tại các quận: Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất.

Du khách quốc tế sử dụng máy thuyết minh tự động tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Sẽ là không công bằng nếu so sánh sự phát triển du lịch giữa một tỉnh nghèo, đầy khó khăn ở cực Tây Tổ quốc với TP. Hà Nội – Thủ đô trung tâm của đất nước. Thế nhưng với những điều chúng tôi trải nghiệm cho thấy Điện Biên có rất nhiều điều kiện để phát triển du lịch như tại TP. Hà Nội đang làm. Với hệ thống di tích, truyền thống lịch sử hào hùng cùng biết bao câu chuyện bi tráng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, du lịch tỉnh nhà có thể dựa vào các chất liệu đó để mở ra các hoạt động trải nghiệm về đêm như di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long đã và đang làm. Hoặc đến thời điểm này, dù đã thí điểm một lần làm phố đi bộ Mường Thanh trên đường Nguyễn Chí Thanh nhưng chúng ta vẫn chưa có nhiều các hoạt động dịch vụ, thương mại về đêm để phục vụ du khách. Bởi vậy, cần sớm xây dựng các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không cần lớn như TP. Hà Nội nhưng cũng tương đương như một số tỉnh Tây Bắc, như: Lào Cai, Hà Giang, Sơn La… đang thực hiện rất hiệu quả. Chúng tôi trộm nghĩ, nếu làm được những điều đó, du lịch tỉnh nhà sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Bài 3: Điện Biên - Hà Nội liên kết du lịch: Tại sao không?

Mai Giáp - Mai Phương - Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top