Hấp dẫn du lịch đảo Cò Chi Lăng Nam

10:11 - Thứ Tư, 21/08/2024 Lượt xem: 4548 In bài viết

Đảo Cò Chi Lăng Nam nằm trên lòng hồ An Dương thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Đảo có cảnh sắc thiên nhiên và sinh cảnh độc đáo, đây là nơi trú ngụ của hàng chục nghìn con cò, vạc, chim muông… Được xác định là sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu Hải Dương, đảo Cò Chi Lăng Nam đang tiếp tục được đầu tư để trở thành điểm đến thú vị của du lịch sinh thái.

Du khách tham quan đảo Cò Chi Lăng Nam. (Ảnh LĐ)

Cách trung tâm Hà Nội 70 km và thành phố Hải Dương 30 km, đảo Cò Chi Lăng Nam rộng 69,2 ha, là nơi trú ngụ của khoảng 18.000 con cò, 8.000 con vạc. Đảo Cò là một hệ sinh thái động thực vật độc đáo, phong phú với hơn 170 loài trong đó có các loài cò tiêu biểu như cò trắng, cò lửa, cò ruồi, cò bợ, cò nghênh, cò hương và các loại vạc là vạc xám, vạc xanh cư trú. Ngoài cò, vạc, các đảo là nơi quần tụ của nhiều loài chim như sâm cầm, vịt trời, le le, mòng két… Ở đây có những loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam, có nguy cơ tuyệt chủng đang tồn tại ở đảo Cò là bồ nông, cốc đen và cò nhạn.

Theo hướng dẫn viên du lịch, người dân nơi đây lưu truyền câu chuyện về sự hình thành của đảo cò. Ngày xưa nơi đây là vùng lau sậy, ở giữa cánh đồng nổi lên gò đất cao. Trên đỉnh gò có một ngôi miếu rất linh thiêng. Đầu thế kỷ 15, một trận đại hồng thủy khiến dải đê quanh làng vỡ thành ba đoạn, nước tràn vào ngập trắng một vùng. Chung quanh gò đất nhô cao nổi lên những xoáy nước khổng lồ. Sau ba trận lụt lớn thì ngôi miếu trên đỉnh gò bị sụt và cuốn mất, đồng thời cũng hình thành một hồ lớn luôn đầy nước gọi là hồ An Dương với diện tích mặt nước hơn 90.000 m2. Ở giữa hồ vẫn còn gò đất, tạo thành đảo Cò Chi Lăng Nam ngày nay, bao gồm đảo 3A (có diện tích 4.505 m2) và đảo 3B (7.140 m2). Hồ An Dương là nơi trú ngụ của nhiều loài cá, tôm và các loại thủy sinh vật như rái cá, ba ba... Theo các nhà khoa học, đây là khu dự trữ thiên nhiên có mức độ đa dạng sinh học lớn, được bảo tồn gần như nguyên vẹn ở miền bắc nước ta.

Tham quan đảo Cò Chi Lăng Nam trên lòng hồ An Dương, du khách có thể ngồi thuyền lớn với đoàn đông và ngồi thuyền thiên nga đối với những khách lẻ. Xuôi theo dòng nước, ngắm nhìn chim trời, cá nước với phong cảnh thiên nhiên thanh bình, thoáng đãng cùng những bụi tre lớn nhỏ, là nơi cò, vạc trú ngụ.

Trong không gian mênh mông sóng nước, du khách thư giãn ngắm nhìn từng đàn cò trắng bay rợp trời, chuyền cành náo nhiệt và dõi mắt theo những cánh cò chao nghiêng mặt hồ. Trên các cành tre và ngọn cây là chỗ đậu và nơi ở của cò, vạc, từng đàn cò tập trung đậu san sát, làm tổ với mật độ dày đặc. Nhộn nhịp nhất là khi hoàng hôn buông, từng đàn cò, đàn vạc từ muôn hướng bay về tổ.

Theo tập tính, cò bay đi kiếm ăn vào buổi sáng và vạc đi kiếm ăn vào ban đêm. Lúc vạc bay đi kiếm ăn cũng là lúc cò nghiêng cánh kéo về tổ nghỉ ngơi. Âm thanh giao ca vô cùng ấn tượng, xao động, rộn rã cả mặt hồ. Được biết người dân ở đây có ý thức bảo vệ môi trường và thiên nhiên nên cò, vạc rất gần gũi với con người. Cò, vạc làm tổ, sinh sản và trú ngụ quanh năm, khiến số lượng ngày càng trở nên đông đúc.

Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đảo Cò Chi Lăng Nam là Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh. Sau 10 năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành quyết định công nhận Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh Đảo Cò là Khu du lịch cấp tỉnh. Trong Đề án Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã xác định Khu du lịch sinh thái Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam là một trong tám sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

Hoạt động du lịch khu vực đảo Cò Chi Lăng Nam đang từng bước khai thác lợi thế khung cảnh thiên nhiên đặc trưng làng quê Bắc Bộ, với bến nước, gốc đa bên chùa Nam (thôn An Dương) và đền Mẫu (thôn Triều Dương) cùng làng nghề truyền thống bánh đa Hội Yên hàng trăm năm tuổi, thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm làm bánh đa. Phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có về nông nghiệp, làng nghề, cảnh quan và môi trường sinh thái, xã Chi Lăng Nam đã xây dựng sản phẩm nông nghiệp kết hợp du lịch nhằm gia tăng trải nghiệm hấp dẫn phục vụ du khách.

Các mô hình nông nghiệp sạch như trồng dưa lưới, rau củ quả kết hợp với Khu du lịch sinh thái Đảo Cò, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch tham quan, học tập, nghiên cứu về môi trường và hệ sinh thái bên cạnh hoạt động khám phá và tham gia cuộc sống của người dân địa phương như cắt lúa, trồng rau, lưu trú tại các nhà cộng đồng, chụp ảnh check-in ở cánh đồng sen rộng gần 10 mẫu cạnh Khu du lịch sinh thái Đảo Cò, thưởng thức các sản phẩm OCOP…

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top