Sa Pa khẩn trương khôi phục hoạt động du lịch sau bão, lũ

10:02 - Thứ Năm, 10/10/2024 Lượt xem: 3439 In bài viết

Ủy ban nhân dân thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) vừa xây dựng và công bố phương án khôi phục lại hoạt động du lịch sau ảnh hưởng cơn bão số 3 trên địa bàn, đồng thời triển khai kế hoạch du lịch trong các tháng cuối năm 2024.

Bắn pháo hoa trong đêm hội tại Lào Cai.

Hoàn lưu bão số 3 tại thị xã Sa Pa đã làm sạt lở đất gần 80% các tuyến đường giao thông, gây ách tắc cục bộ. Mưa lớn gây gãy, đổ nhiều cột viễn thông, làm gián đoạn, vô hiệu hóa thông tin liên lạc, gây khó khăn cho việc liên lạc, tìm và nhận hỗ trợ, giúp đỡ của khách du lịch.

Phần lớn các khu-điểm du lịch trên địa bàn thị xã đều nằm ở khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai do nằm trên các triền núi, bên thác nước và dọc các dòng suối, khe nước, vì vậy đã phải tạm dừng hoạt động từ ngày 8-13/9.

Các tuyến trekking được du khách quốc tế rất yêu thích đã bị tạm dừng hoạt động do nằm ở khu vực có địa hình phức tạp, không bảo đảm an toàn cho khách du lịch.

Nhiều chương trình sự kiện văn hóa du lịch quy mô lớn đã phải hủy như: lễ hội trăng rằm và lùi thời gian tổ chức Giải VMM 2024; chương trình tập huấn văn hóa cơ sở toàn quốc tại Sa Pa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

Khu vực trung tâm thị xã mặc dù không hạn chế hoạt động du lịch, nhưng lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ vẫn thấp do tuyến đường kết nối Sa Pa và các trung tâm du lịch trong khu vực (đặc biệt là Hà Nội) và các vùng phụ cận bị ảnh hưởng và tâm lý lo sợ mất an toàn của khách du lịch.

Ngày 13/9, trên cơ sở khảo sát thực tế về mức độ an toàn và theo cam kết của các cơ sở kinh doanh điểm đến, Ủy ban nhân dân thị xã Sa Pa đã ban hành thông báo số 467/TB-UBND về việc khôi phục lại hoạt động du lịch của 8 khu điểm du lịch trên địa bàn gồm Cáp treo Fansipan, Cát Cát, Hàm Rồng, Suối vàng-Thác tình yêu, Thác Bạc, Vườn Hồng Mộng Mơ, Vườn đá Tả Phìn, Thung lũng xanh.

Đối với các điểm du lịch còn lại (Đồi hoa hồng cổ, Thung lũng Mường Hoa, thôn Sín Chải (Tổ 3-Ô Quý Hồ) sẽ tiếp tục theo dõi mức độ an toàn trước khi khôi phục lại hoạt động.

Kết quả, đến nay lượng khách đến với Sa Pa đã đạt được 70% lượng khách bình quân/tuần trong năm 2024.

Để thúc đẩy du lịch tăng trưởng trong các tháng cuối năm 2024, lãnh đạo Sa Pa và các cấp ngành liên quan đã đưa ra một loạt giải pháp chính như sau: Đối với cơ sở hạ tầng gồm các tuyến đường trọng điểm kết nối các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa và kết nối thị xã Sa Pa và các trọng điểm du lịch trong khu vực trên các trục đường Quốc lộ 4D, tỉnh lộ 152 và 155; các tuyến trekking đang được các đơn vị lữ hành khai thác phục vụ khách du lịch, thị xã cố gắng khôi phục và trả lại nguyên bản như trước.

Sa Pa đang dần trở lại hình ảnh lung linh hấp dẫn vốn có.

Thị xã lập danh sách và công bố các cơ sở an toàn và sẵn sàng phục vụ khách; Đề xuất giải pháp và lộ trình khắc phục đối với các cơ sở chưa bảo đảm an toàn phục vụ khách du lịch.

Khôi phục sản phẩm du lịch “Cung đường di sản văn hóa Dao, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác trực quan di sản văn hóa phi vật thể như: nghề rèn và chạm khắc bạc của người Dao đỏ”, Di sản Chữ Nôm của người Dao, dược liệu Dao đỏ...

Tổ chức chuỗi sự kiện Lễ hội mùa đông Sa Pa như Giải Marathone vượt núi quốc tế VMM từ ngày 28/11 đến ngày 1/12, Lễ hội hoa Anh Đào - Đồi chè Ô Long, phường Ô Quý Hồ, Lễ hội Bản Mây, tổ chức đêm nghệ thuật đặc biệt đêm Giao thừa 2025. Đón đoàn khách du lịch đầu tiên đến với Sa Pa năm 2025…

Vận động các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp đoàn kết, chung tay dọn dẹp vệ sinh đường phố, khu, điểm du lịch, di tích, cơ sở lưu trú trên địa bàn sau bão lũ để sẵn sàng mọi điều kiện đón khách du lịch trở lại Sa Pa...

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top