Giải pháp để hút khách du lịch cao cấp đến Việt Nam

06:21 - Thứ Bảy, 12/10/2024 Lượt xem: 3424 In bài viết

Sau dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Việt nam tăng đáng kể. Tuy nhiên, lượng khách chi tiêu cao vẫn còn khá khiêm tốn. Vấn đề này được thảo luận trong toạ đàm “Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam?” diễn ra chiều 11-10 tại Hà Nội, do Báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Nhận diện khách cao cấp

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, sau sự sụt giảm mạnh vào năm 2020 vì dịch Covid-19, ngành Du lịch toàn cầu đã có những tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 năm trở lại đây.

Việt Nam không chỉ là điểm đến của khách du lịch bụi, "Tây balo" mà còn là nơi được nhiều tỷ phú, du khách có mức chi tiêu cao lựa chọn để tổ chức các sự kiện trọng đại. Gần đây nhất, cuối tháng 8-2024, Việt Nam đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ - điểm sáng của du lịch Việt sau đại dịch. Tuy vậy, nhìn chung, lượng khách cao cấp với mức chi tiêu cao đến nước ta vẫn còn khá khiêm tốn.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong chủ trì hội thảo. Ảnh: T.T

Tại sự kiện, các đại biểu cho rằng, cần nhận diện đầy đủ đối tượng khách du lịch cao cấp để có chiến lược thu hút khách hiệu quả. Phần lớn ý kiến cho rằng, đối tượng này là những khách có thu nhập cao; tìm kiếm trải nghiệm độc đáo; yêu cầu dịch vụ cá nhân hoá; quan tâm đến sự bền vững; sẵn sàng chi trả cao cho sản phẩm chất lượng.

Theo Giám đốc Công ty du lịch Wildtour Nguyễn Hoài Bảo, khách du lịch cao cấp thường quan tâm đến những loại hình dịch vụ du lịch mang tính riêng biệt, chẳng hạn như du lịch lặn biển, du lịch golf, du lịch MICE, du lịch tàu biển…; đôi khi là những loại hình du lịch mang tính cá nhân hoá như khám phá thiên nhiên hoang dã, thám hiểm hang động…

Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn kinh tế hàng đầu thế giới - Oxford Economics, khách cao cấp quan tâm đến chất lượng dịch vụ độc đáo, mang tính cạnh tranh cao; những điểm đến được yêu thích trên thế giới. Ông Liam Cordingley, đại diện Công ty Oxford Economics nêu, chỉ riêng trong lĩnh vực ẩm thực, du khách sẵn sàng chi trả thêm 10% phí dịch vụ cho những dịch vụ cao cấp. Thực tế, du khách có thể chi 250 USD/ngày cho những phục vụ trải nghiệm dịch vụ cao cấp. Đây là loại hình dịch vụ các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có thể khai thác để thu hút khách chi tiêu.

Các vị khách Ấn Độ trong đoàn 4.500 người sang Việt Nam vừa qua. Ảnh: Hoàng Lân

Về vấn đề này, nghệ nhân ẩm thực Phạm Ánh Tuyết cho rằng, Việt Nam chưa đánh giá đúng mức vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch, trong khi khách nước ngoài rất thích và quan tâm tìm hiểu ẩm thực Việt Nam. “Chúng ta cần có chiến lược quảng bá ẩm thực đúng mức trong hoạt động phát triển du lịch”, nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ.

Nâng cấp chất lượng sản phẩm

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp để thu hút dòng khách cao cấp đến Việt Nam, trong đó đề cập nhiều đến việc xây dựng sản phẩm, hoạt động quảng bá.

Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp để du lịch thu hút khách cao cấp. Ảnh: T.T

Với kinh nghiệm từng đón 10 đám cưới của các tỉ phú Ấn Độ, đại diện của Vinpearl góp ý, Việt Nam cần quan tâm xây dựng những sản phẩm về chăm sóc sức khoẻ, du lịch xanh, du lịch bền vững. Tùy từng đối tượng khách, cần có những sản phẩm mang tính “may đo” cho khách. Chẳng hạn khách Hàn Quốc thích du lịch golf thì cần phải có chính sách quảng bá, xây dựng sản phẩm golf chất lượng cho dòng khách này.

Nhìn nhận việc thu hút du lịch ở góc độ mua sắm quà tặng, bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Công ty Cao Fine Jewelry cho rằng, du khách quốc tế có thu nhập cao rất quan tâm đến sản phẩm thủ công cao cấp của Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm làm từ những nghệ nhân có tay nghề cao.

“Những du khách cao cấp có thể chi tiêu gấp 3 lần so với khách thường. Việt Nam có thể phát triển dòng sản phẩm mua sắm cao cấp, chẳng hạn như trang sức, để thu hút sự mua sắm của dòng khách này như cách Dubai đang làm”, bà Huỳnh Thị Xuân Liên chia sẻ.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, xây dựng sản phẩm du lịch cao cấp cần chú ý đến sự khác biệt, cảm xúc của du khách, trong đó cần triển khai du lịch xanh.

“Chúng ta phải phát triển du lịch xanh, hướng về môi trường trước khi nói đến sự cao cấp. Bên cạnh đó, phải tập trung đào tạo chất lượng dịch vụ; cần quan tâm đến yếu tố văn hoá bản địa trong xây dựng sản phẩm”, ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.

Đóng góp giải pháp cho du lịch Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cho biết, hiện nay, chi tiêu trung bình của du khách quốc tế tại Việt Nam là 132 USD/ngày, còn kém so với một số nước trong khu vực. Giải pháp để Việt Nam tăng doanh thu từ du khách là tăng số lượng khách quốc tế và tăng lượng chi tiêu của khách tại Việt Nam. Để làm được điều đó, cần có chính sách thu hút và phải có sự liên kết, hợp sức của các doanh nghiệp.

Bổ sung các giải pháp thu hút khách, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các đơn vị, địa phương nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu của khách cao cấp; chú trọng yếu tố độc đáo, cá biệt, sự tinh tế trong phong cách phục vụ. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng tiêu chuẩn phục vụ khách cao cấp; xúc tiến quảng bá đi sâu vào từng thị trường, từ đó, định vị Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho dòng khách cao cấp.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top