Du lịch đường sông: "Khoảng trống" đầy tiềm năng

Cơ hội bứt phá từ thay đổi nhận thức và tầm nhìn

08:34 - Thứ Ba, 22/10/2024 Lượt xem: 2804 In bài viết

Việt Nam sở hữu hệ thống sông ngòi dày đặc trải dài từ Bắc vào Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sông - loại hình du lịch độc đáo, hấp dẫn.

Tuy nhiên, những năm qua, du lịch đường sông ở Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, dẫn đến việc bỏ trống một loại hình đầy tiềm năng. Việc khai thác các dòng sông, nâng tầm giá trị sản phẩm sẽ là giải pháp giúp du lịch đường sông của Việt Nam phát triển và đủ sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Tuyến du lịch sông Hồng, một sản phẩm du lịch đường sông của Hà Nội.

Bồi lắng các giá trị văn hóa, lịch sử

Trên toàn lãnh thổ Việt Nam có tới 2.360 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài 41.900km, trong đó có những dòng sông lớn như sông Hồng, sông Cửu Long, sông Đà, sông Sài Gòn... Dọc hai bên các con sông là cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hấp dẫn. Chưa kể, mỗi dòng sông như một mạch nguồn văn hóa lịch sử, nơi bồi lắng những giá trị văn hóa bản địa với những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của cư dân nơi đó.

Sông Hồng của khu vực phía Bắc được biết đến là dòng sông Mẹ - nơi khởi nguồn của nền văn minh lúa nước, nguồn cội của các tục thờ, tín ngưỡng dân gian như tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và là nơi hình thành các ngôi làng Việt cổ như Bát Tràng, Đường Lâm, Đông Ngạc... Sông Hương (Thừa Thiên Huế) là đại diện tiêu biểu của miền Trung, với những đền đài, lăng tẩm, cung điện phản ánh nét vàng son một thuở của triều Nguyễn nằm dọc hai bên bờ sông.

Ở phía Nam, sông Cửu Long với hệ thống sông ngòi chằng chịt tạo nên những cù lao màu mỡ, cho những miệt vườn cây trái tươi xanh và những chợ nổi mang nét đặc trưng không thể trộn lẫn; trong đó phải kể đến chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ) với những nét văn hóa sinh hoạt, giao thương trên thuyền độc đáo. Nhờ đó, chợ nổi Cái Răng đã trở thành điểm đến hấp dẫn và liên tục lọt vào danh sách bình chọn của nhiều tạp chí du lịch quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương phát triển sôi động nhất về du lịch đường sông khi sở hữu 101 tuyến giao thông vận tải đường thủy với tổng chiều dài 913km. Trên cơ sở lợi thế ấy, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hơn 60 chương trình du lịch đường thủy với nhiều hình thức hấp dẫn và các loại hình tàu đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách. Trong hai năm 2023 - 2024, doanh thu du lịch đường thủy ở thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 300 tỷ đồng/năm.

Những rào cản

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng to lớn, du lịch đường sông Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là hạ tầng giao thông đường thủy, cảng tàu du lịch còn thiếu và xuống cấp, gây khó khăn cho việc đón tiếp và phục vụ khách. Theo thống kê năm 2024, Việt Nam có 25 cảng tàu du lịch đạt tiêu chuẩn, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Trong khi đó, nhiều địa phương có tiềm năng về du lịch đường sông lại thiếu các bến cảng, cầu tàu đạt chuẩn, không đáp ứng được nhu cầu đón các tàu du lịch lớn.

Một yếu tố quan trọng để du lịch đường sông thu hút du khách là sản phẩm và dịch vụ, nhưng đây cũng là hạn chế tồn tại trong nhiều năm qua. Có thể thấy, sản phẩm du lịch đường sông ở các địa phương hiện còn khá đơn điệu khi chỉ dừng ở việc đi tàu và tham quan, ngắm cảnh. Chất lượng dịch vụ trên tàu cũng như tại các điểm đến chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của dòng khách cao cấp...

Những rào cản khác khiến du lịch đường sông chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là hạ tầng giao thông đường thủy và hạ tầng du lịch, tình trạng ô nhiễm môi trường trên các dòng sông, việc khai thác quá mức tài nguyên du lịch mà không chú trọng bảo vệ môi trường dẫn đến tình trạng suy thoái tài nguyên, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển bền vững...

Thẳng thắn chỉ ra những bất cập lớn nhất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Việt Nam hiện chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đường sông một cách đồng bộ với tầm nhìn dài hạn. Các hoạt động du lịch còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu sự liên kết giữa các địa phương dẫn đến việc khai thác không hiệu quả, dịch vụ nghèo nàn và cạnh tranh không lành mạnh. Sự thiếu hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành phố dẫn đến hạn chế trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch đường sông liên vùng hấp dẫn. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu còn hạn chế nên khó thu hút khách và khó cạnh tranh so với các loại hình du lịch khác.

“Du lịch đường sông Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu và sự nhận diện rộng rãi trên thị trường quốc tế, làm giảm năng lực cạnh tranh với các điểm đến du lịch đường sông nổi tiếng khác ở Thái Lan, Campuchia” - ông Tuấn nhận xét.

Khắc phục hạn chế, tồn tại, khai thác tối đa tiềm năng

Để tháo gỡ những rào cản trên, GS.TS - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam cho rằng, mấu chốt nằm ở sự nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, lợi thế của du lịch đường sông trong sự phát triển kinh tế du lịch nói chung. Vì vậy, các địa phương và ngành Du lịch cần thay đổi nhận thức cũng như chú trọng hơn đến loại hình này. Nhận thức thay đổi sẽ đi kèm với hành động thay đổi, để dù đi sau so với các quốc gia khác nhưng du lịch đường sông của Việt Nam vẫn có cơ hội bứt phá và tạo dựng thương hiệu riêng cho mình.

Để khai thác tối đa tiềm năng và khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện có, theo đại diện Phòng Quản lý lữ hành (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), định hướng phát triển du lịch đường sông của Việt Nam sẽ tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể, toàn diện. Theo đó, từ nay đến năm 2030, du lịch đường sông Việt Nam đặt mục tiêu ngắn hạn là tăng trưởng nhanh chóng và bền vững; phấn đấu đạt mức tăng trưởng 15%/năm về lượng khách, đón 5 triệu lượt khách mỗi năm, trong đó khách quốc tế đạt 1 triệu lượt; tăng tỉ trọng đóng góp của du lịch đường sông vào tổng thu du lịch cả nước lên 5%. Mục tiêu dài hạn đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến du lịch đường sông hàng đầu khu vực Đông Nam Á, thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế và đóng góp 10% vào tổng thu du lịch của cả nước.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, ngành Du lịch sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng giao thông đường thủy trọng điểm như sông Hồng, sông Đà, sông Cửu Long, sông Sài Gòn..., xây dựng và nâng cấp các cảng tàu du lịch hiện đại, tiện nghi; phát triển các sản phẩm du lịch đường sông, đa dạng hóa trải nghiệm với nhiều loại hình như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ đường sông, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm an toàn cho du khách; tăng cường liên kết vùng; ứng dụng công nghệ số...

Với mục tiêu trở thành một trong những điểm đến du lịch đường sông hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cần tạo dựng thương hiệu bằng việc xây dựng sản phẩm du lịch đường sông mang tính đặc trưng, nổi trội.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, mỗi dòng sông ở Việt Nam đều có những câu chuyện lịch sử, giá trị văn hóa và hệ sinh thái riêng biệt. Việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên những giá trị này sẽ tạo ra sự khác biệt và thu hút khách. Các tour tuyến có thể kết hợp tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, trải nghiệm các lễ hội, hoạt động nông nghiệp truyền thống tại các ngôi làng ven sông. Song song với đó, cần bảo vệ môi trường sông nước, có các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, rác thải hiệu quả. Việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để du lịch đường sông nâng cao giá trị, định vị mình là loại hình du lịch có trách nhiệm, từ đó thu hút dòng khách du lịch có mức chi tiêu cao đến với Việt Nam.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top