Mường Chiên phát triển du lịch

15:14 - Thứ Năm, 24/10/2024 Lượt xem: 2254 In bài viết

Xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La có nhiều điểm tham quan hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, khám phá. Từ phát triển dịch vụ du lịch đã góp phần nâng thu nhập bình quân của xã lên trên 39 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,19%.

Cọn nước phục vụ du lịch tại bản Bon, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai.

Mường Chiên cách trung tâm huyện Quỳnh Nhai 40 km, từ trung tâm huyện du khách có thể di chuyển bằng thuyền trên lòng hồ hoặc đi đường bộ để đến xã. Hiện nay, xã có 3 bản, với hơn 400 hộ dân. Ông Điêu Chính Thuận, Chủ tịch UBND xã Mường Chiên, cho biết: Từ tiềm năng, lợi thế có sẵn, xã đã tuyên truyền bà con các bản gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, trang phục dân tộc, các phong tục tập quán tốt đẹp, nghề thêu thổ cẩm, mây tre đan... Đặc biệt, bản Bon có khu suối khoáng nóng, khu bến thuyền, những nếp nhà sàn truyền thống, những năm qua đã được đầu tư cơ sở vật chất để phát triển du lịch cộng đồng, gắn với dịch vụ trên lòng hồ, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho nhân dân.

Ngay đầu bản Bon là cơ sở lưu trú của gia đình anh Điêu Văn Vỉnh, có thể phục vụ khoảng 30 khách cùng lúc. Đến đây, ngoài được thưởng thức ẩm thực phong phú với các món cơm lam, pa pỉnh tộp, pa giảng... du khách còn được hòa mình trong vòng xòe, thưởng thức tiếng đàn tính tẩu và sự gần gũi, thân thiện, giàu lòng mến khách của người dân nơi đây. Anh Vỉnh cho biết: Trước đây, các gia đình trong bản chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng ngô, lúa, song quỹ đất sản xuất hạn chế nên chỉ đủ ăn, nhiều gia đình rất khó thoát nghèo.  Năm 2019, huyện đầu tư cải tạo cảnh quan bến thuyền, phục dựng các lễ hội và nhu cầu du lịch của khách tăng cao, gia đình tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cải tạo nhà sàn, khuôn viên của gia đình để phục vụ khách du lịch. Mỗi năm gia đình tôi tiếp đón từ 300 - 350 lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, lưu trú, Cùng với làm các món ẩm thực phục vụ du khách, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.

Phục vụ cho phát triển du lịch, tại bản Hé và bản Quyền duy trì từ 2-3 đội văn nghệ với sự tham gia của các thành viên là thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi trình diễn múa nón, múa quạt, múa khăn, gảy đàn tính, hát then... Chị Điêu Thị Hạnh, đội trưởng đội văn nghệ Chi hội phụ nữ bản Hé, chia sẻ: Thông qua các hoạt động văn nghệ, bà con không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về con người, mảnh đất và sự hiếu khách của nhân dân Mường Chiên đến với du khách.

HTX Du lịch cộng đồng bản Bon có 10 thành viên; có 7 hộ kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng. HTX đã xây dựng được 4 phòng tắm cá nhân, 1 khu bể tắm tập thể; dựng các cọn nước, làm cầu tre bắc dọc con suối Nặm Chiên để du khách tham quan, trải nghiệm. Chị Hoàng Thị Dung, Giám đốc HTX, cho biết: HTX kết nối với HTX Du lịch Quỳnh Nhai, Quỳnh Nhai Travel tổ chức các tour du lịch; duy trì hai đội văn nghệ phục vụ khách du lịch. Mỗi năm, HTX đón trên 3.000 lượt khách trong tỉnh, các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội... Trong 3 năm qua đã có 4 thành viên của HTX thoát nghèo, có thêm điều kiện để đầu tư mở rộng kinh doanh, làm nghề truyền thống.

Phong cảnh tại bến thuyền bản Bon, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai.

Chị Đặng Thùy Tiên, du khách đến từ xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cho biết: Đây là lần thứ hai, tôi cùng gia đình đến Mường Chiên du lịch và trải nghiệm. Tôi rất ấn tượng về sự mến khách của nhân dân nơi đây. Tôi sẽ giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp về những nét đẹp truyền thống riêng có của vùng đất này để mọi người cùng đến trải nghiệm.

Theo quy hoạch về du lịch đến năm 2030, huyện Quỳnh Nhai xác định đẩy mạnh phát triển du lịch lòng hồ và du lịch cộng đồng. Theo đó, huyện sẽ khảo sát xây dựng quy hoạch chi tiết điểm du lịch cộng đồng tại bản Bon, bản Quyền, bản Hé. Cùng với đó, xã Mường Chiên đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào du lịch cộng đồng trên địa bàn từ các đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc; thành lập câu lạc bộ “Giữ gìn bản sắc dân tộc Thái trắng”; mô hình “Ẩm thực dân tộc”; giữ gìn, bảo tồn các trò chơi dân gian, duy trì Tết “xíp xí”; Lễ hội Kin Pang Then... giúp bà con trong xã nâng cao giá trị các sản phẩm thủ công, nông sản đặc sản địa phương để tăng thêm thu nhập.

Tiềm năng du lịch phong phú đang là cơ hội để Mường Chiên bứt phá trong chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tăng thu nhập cho nhân dân. Thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, xã Mường Chiên mong muốn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành để từng bước đưa Mường Chiên trở thành điểm du lịch hấp dẫn của huyện Quỳnh Nhai.

Trường Sơn
Bình luận

Tin khác

Back To Top