Nhiều lễ hội văn hoá, du lịch diễn ra trong tháng 11

14:17 - Thứ Ba, 29/10/2024 Lượt xem: 2985 In bài viết

Từ tháng 11, trên cả nước diễn ra nhiều lễ hội văn hoá, du lịch độc đáo, đặc sắc, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều khách du lịch vào cuối năm.

Tổ chức Tuần du lịch - văn hóa “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”

Tuần du lịch - văn hóa Lai Châu năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-11 tại thành phố Lai Châu với chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”.

Tuần du lịch - văn hóa Lai Châu năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-11. Ảnh: Sở VHTTDL Lai Châu.

Chương trình khai mạc Tuần du lịch - văn hóa Lai Châu diễn ra tối 8-11 sẽ là điểm nhấn của sự kiện. Bên cạnh đó, Tuần du lịch - văn hóa Lai Châu năm 2024 sẽ có hoạt động giao lưu văn nghệ hai nước Việt - Trung vào tối 9-11 với sự tham gia của Đoàn nghệ thuật châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lai Châu; giải Marathon tỉnh Lai Châu năm 2024 diễn ra ngày 10-11.

Trong 3 ngày diễn ra sự kiện, Lai Châu sẽ tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng, trong đó có không gian giới thiệu, quảng bá du lịch với 21 gian hàng trưng bày các ấn phẩm quảng bá du lịch, trình chiếu các clip quảng bá điểm đến du lịch; giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản tiêu biểu của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam); không gian tái hiện văn hóa các dân tộc tỉnh Lai Châu như: Mông, Hà Nhì, Mảng, Lự, Lào, Thái, Dao, Giáy, Cống. Đặc biệt, không gian văn hóa ẩm thực Lai Châu sẽ giới thiệu về văn hóa ẩm thực, các món ăn độc đáo, hấp dẫn mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của tỉnh Lai Châu...

Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức chương trình khảo sát, trải nghiệm thực tế tại một số điểm du lịch trên địa bàn Lai Châu và tọa đàm “Tư vấn xây dựng chương trình du lịch city tour Lai Châu” để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước thời gian tới.

Gia Lai: Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024

Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11. Chương trình khai mạc bắt đầu vào 8 giờ sáng 8-11 tại khu vực sân Nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: trình diễn cồng chiêng, múa dân gian, phục dựng nghi lễ Mừng lúa mới; trưng bày, giới thiệu trang phục thổ cẩm truyền thống; trình diễn tạc tượng, giã gạo chày đôi; trình diễn thời trang; giao lưu nghệ thuật; thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống…

Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11. Ảnh: S.T

Bên cạnh đó là nhiều hoạt động mới mẻ, hấp dẫn như thả khinh khí cầu; Giải Half Marathon 2024 chủ đề “Đánh thức vùng quê Chư Păh-Hành trình kết nối núi và hoa”; hội thi chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đang Ya. Du khách đến với Tuần lễ Hoa dã quỳ còn được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian, mua sắm tại các gian hàng nông sản đặc trưng của huyện Chư Păh, thưởng thức đặc trưng ẩm thực Tây Nguyên.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Tuần lễ Hoa với chủ đề “Vũ khúc dã quỳ-Chư Đang Ya 2024” sẽ diễn vào tối 9-11 có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ như: Thanh Lam, ca sĩ Minh Quân, ca sĩ Lưu Hương Giang, ca sĩ Kyo York...

Hà Nội: Lễ hội thiết kế sáng tạo “Giao lộ sáng tạo”

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến ngày 17-11 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”. Lần đầu tiên, giao lộ sáng tạo của Thủ đô sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hàng trăm các hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc các lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo...

Các công trình di sản kiến trúc Hà Nội sẽ là tâm điểm của Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2024. Ảnh: BTC

Khu vực chính diễn ra lễ hội là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, kết nối trục Bắc - Nam (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục Đông - Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ); Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Đại học Tổng hợp...

Tuyến trải nghiệm của Lễ hội sẽ là dịp đưa các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần hơn với người dân. Một số các công trình lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan như: Nhà khách Chính phủ, Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp…

Lễ hội bao gồm 100 hoạt động sáng tạo, điểm nhấn là các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm – trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước thuộc lĩnh vực sáng tạo...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top