Du lịch thiền - tiềm năng còn bỏ ngỏ

10:27 - Thứ Tư, 13/11/2024 Lượt xem: 1063 In bài viết

Tuy là loại hình chuyên biệt với thị trường khách chọn lọc, nhưng du lịch thiền mang lại nguồn lợi nhuận không hề nhỏ nhờ kết hợp thực hành tín ngưỡng với dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng.

Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch này song chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

Du khách trải nghiệm thiền chuông tại Khu du lịch Tam Chúc.

Tiềm năng dồi dào, hấp dẫn

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch thiền nhờ sở hữu điều kiện tự nhiên đa dạng cùng hàng chục nghìn ngôi chùa lớn nhỏ ở các địa phương. Tuy nhiên, du khách tham gia loại hình du lịch này mới dừng ở việc tham quan, chiêm bái các ngôi chùa trong 1 - 2 ngày mà không đi kèm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thiền định... Du lịch thiền tuy chỉ là một phần của du lịch tâm linh nhưng ngoài hoạt động tham quan, chiêm bái, du khách còn có thể lưu trú dài ngày trong chùa, tham gia các công việc như quét chùa, tụng kinh, trồng rau, nấu đồ ăn chay, thiền định... từ đó tìm lại sự an tĩnh trong thân - tâm - trí sau thời gian căng thẳng vì sức ép công việc và cuộc sống bộn bề.

Nắm bắt xu thế này, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp đã đưa vào loại hình du lịch thiền để phục vụ các đối tượng khách có nhu cầu như Legacy Yên Tử (Quảng Ninh), Avana Retreat (Hòa Bình), Laguna Lăng Cô (Thừa Thiên Huế)... Tuy nhiên, những mô hình như trên có xu hướng thiên về chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng kết hợp với thiền định mà thiếu đi yếu tố tâm linh. Vì thế, để du khách trải nghiệm du lịch thiền một cách hoàn hảo, Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) đã đưa vào dịch vụ tour “Templestay” (trải nghiệm du lịch tâm linh) để phục vụ đối tượng khách có nhu cầu lưu trú dài ngày và tham gia các hoạt động như những cư sĩ thực thụ.

Chia sẻ về sản phẩm du lịch mới này, Giám đốc Kinh doanh Khu du lịch Tam Chúc Trần Thanh Sáng cho biết, khi tham gia tour Templestay, du khách có dịp lưu trú dài ngày tại khách xá với phòng ốc tiêu chuẩn 4 sao, được tham quan ngôi chùa lớn nhất thế giới Tam Chúc, đi thuyền và thưởng trà chiều trên hồ Lục Nhạc, hay tham gia hành thiền - đi chân trần qua 299 bậc đá lên chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh. Ngoài ra, du khách còn được tham gia các trải nghiệm hấp dẫn khác như thả hoa đăng, thiền chuông, thiền lửa kết hợp với cắm trại...

“Việc kết hợp các trải nghiệm đa dạng với hoạt động tâm linh đã tạo thành một loại hình du lịch mới, đem đến liệu pháp chữa lành, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cho du khách. Từ đầu năm đến nay, Khu du lịch Tam Chúc đã đón khoảng 1 triệu lượt khách đến trải nghiệm các hoạt động thiền định và tour Templestay” - ông Trần Thanh Sáng chia sẻ.

Cơ hội cho thị trường non trẻ

Đánh giá cao về tiềm năng phát triển loại hình du lịch thiền ở Việt Nam, cư sĩ Hà Anh Tuấn (Tuấn Hà), Chủ tịch Công ty Cổ phần Giáo dục Gosinga Việt Nam, Trưởng Dự án vận hành dịch vụ Templestay tại Khu du lịch Tam Chúc cho biết: Du lịch tâm linh, thiền định ngày càng được đề cao ở các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á. Tại Hàn Quốc hiện có dịch vụ phổ biến là lưu trú dài hạn trong chùa. Trung bình mỗi năm, Hàn Quốc thu hút khoảng 6 triệu khách nội địa và 600 nghìn khách quốc tế tham gia loại hình du lịch này. Doanh thu từ du lịch thiền đạt khoảng 30 tỷ USD/ năm. Đây là thị trường khách tiềm năng đối với Việt Nam.

“Hiện nay, Khu du lịch Tam Chúc đã “bắt tay” với phía Hàn Quốc để đưa khách du lịch thiền từ Hàn Quốc đến Việt Nam. Để có dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu của dòng khách có mức chi tiêu cao này, cần có đội ngũ nhân lực vận hành dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn 5 sao. Với tiềm năng, lợi thế lớn cùng hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất được đầu tư bài bản, Khu du lịch Tam Chúc nói riêng và Việt Nam nói chung có rất nhiều cơ hội để đón khách du lịch Hàn Quốc. Để làm được điều đó, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng còn cần sự tham gia của các công ty lữ hành nhằm quảng bá sản phẩm đến với du khách nhiều hơn nữa” - cư sĩ Tuấn Hà cho biết.

Khu du lịch Tam Chúc hiện đã đón nhiều đoàn khách lớn tham gia trải nghiệm du lịch thiền và đều nhận những phản hồi tích cực. Ngoài Hàn Quốc, Ấn Độ cũng là một thị trường tiềm năng. Từ đầu năm đến nay, Khu du lịch Tam Chúc đã đón 360 nghìn khách du lịch Ấn Độ. Đến cuối năm nay, con số này có thể tăng gấp đôi, đạt khoảng 700 nghìn lượt khách. Nhằm đón đầu dòng khách này, Việt Nam và Ấn Độ đang xúc tiến mở thêm các đường bay giữa hai nước để tăng khả năng vận chuyển khách.

Nhìn nhận du lịch thiền ở góc độ của một doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Công ty Asiana Travel Trịnh Việt Dũng cho rằng, đây là sản phẩm hấp dẫn, đầy tiềm năng đã được Khu du lịch Tam Chúc xây dựng một cách bài bản, có chiều sâu và hướng tới nhu cầu thiết thực của khách du lịch.

“Du lịch tâm linh kết hợp với thiền định là xu thế và nhu cầu ngày càng phổ biến. Công ty chúng tôi luôn tìm kiếm những sản phẩm như thế này bởi đáp ứng được nhu cầu mang tới những trải nghiệm mới mẻ cho du khách, đồng thời góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Việt Nam. Mặc dù đi sau các quốc gia trong khu vực nhưng du lịch thiền ở Việt Nam lại đón đầu xu thế với những điểm mới và sức hấp dẫn riêng. Đó là lợi thế về cảnh quan, văn hóa, ẩm thực và các trải nghiệm độc đáo, thân thiện. Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để trở thành quốc gia phát triển về du lịch thiền” - ông Dũng nói.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top