Thách thức xây dựng bản du lịch Tù Lu Tìa Ló

15:52 - Thứ Tư, 13/11/2024 Lượt xem: 2559 In bài viết

ĐBP - Hai bản Tìa Ló A và Tìa Ló B, xã Noong U (huyện Điện Biên Đông) có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện với tập tục sinh hoạt, văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Khai thác lợi thế này, huyện Điện Biên Đông đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng bản Tù Lu Tìa Ló. Bản du lịch cộng đồng là mô hình mới, bà con nơi đây khá lạ lẫm nên quá trình xây dựng bản du lịch cộng đồng Tù Lu Tìa Ló đối mặt không ít thách thức.

Bài 1: Lợi thế giữa núi rừng

Triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Tù Lu Tìa Ló, huyện Điện Biên Đông huy động cả hệ thống chính trị chung tay với người dân hai bản. Sau hơn một năm nỗ lực, bước đầu định hình một bản du lịch cộng đồng.

Tiềm năng sẵn có

Hai bản Tìa Ló A và Tìa Ló B là nơi đồng bào dân tộc Mông sinh sống lâu đời, vẫn giữ nguyên vẹn nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống. Không gian nhà ở của người dân nơi đây hòa quyện vào phong cảnh hùng vĩ, hoang sơ và lãng mạn của núi rừng, sông hồ, tạo sức hấp dẫn du khách khám phá và trải nghiệm.

Tìa Ló nằm dưới chân núi Phù Lồng, có vị trí đắc địa được bao quanh bởi các danh thắng nổi tiếng của huyện Điện Biên Đông. Phía trên là đỉnh Phù Lồng, nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm trọn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng và quan sát di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ). Đỉnh Phù Lồng nổi tiếng với các điểm check-in đẹp, hệ sinh thái đa dạng, đặc biệt là rừng trúc tự nhiên hàng chục năm tuổi. Phía dưới bản có hồ Noong U rộng gần 4ha, bao quanh bởi rừng thông xanh tốt, tạo nên khung cảnh thơ mộng. Cạnh đó là chợ phiên Keo Lôm (xã Keo Lôm) và hồ Nậm Ngám (xã Pú Nhi), là những điểm đến nổi bật của Điện Biên Đông.

Cổng chào bản du lịch cộng đồng Tù Lu Tìa Ló.

Già làng Cứ Chừ Tú chia sẻ: Đồng bào dân tộc Mông đã quần cư nơi đây từ bao đời. Bà con vẫn giữ gần như trọn vẹn nét văn hóa truyền thống, từ kiến trúc nhà cửa, nhạc cụ, trang phục. Đặc biệt, Tìa Ló là một trong những bản hiếm hoi ở Điện Biên Đông không có tệ nạn xã hội, tạo nên một cộng đồng yên bình và giàu bản sắc.

Tìa Ló cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 30km và cách trung tâm huyện Điện Biên Đông chừng 20km với nhiều tuyến đường đã được rải nhựa và đổ bê tông vững chắc.

Ông Sùng A Ư, Bí thư Đảng ủy xã Noong U cho biết: Những năm qua, tuyến quốc lộ qua địa phận xã Noong U đã được đầu tư, nâng cấp rộng rãi. Các tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản và tuyến liên xã, liên bản đã được UBND huyện đầu tư làm đường bê tông. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân xã Noong U phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Quyết tâm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, Huyện ủy Điện Biên Đông đã ban hành nghị quyết chuyên đề; UBND huyện xây dựng đề án và kế hoạch triển khai mô hình du lịch cộng đồng Tù Lu Tìa Ló. Kế hoạch đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 23 cơ quan, đơn vị, tổ chức hội và đoàn thể của huyện chung tay hỗ trợ người dân Tìa Ló phát triển bản du lịch cộng đồng.

Huyện Điện Biên Đông đã tổ chức cho 136 hộ dân bản Tìa Ló khảo sát thực tế và học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Trang bị kiến thức về du lịch cộng đồng, UBND huyện đã mở lớp tập huấn tại bản cho bà con. Người dân được hướng dẫn kỹ năng thiết yếu làm du lịch cộng đồng như: Trình diễn văn hóa dân gian, bảo tồn chế tác khèn Mông, nấu ăn, vận hành homestay và đón tiếp khách du lịch. Đặc biệt, các hộ dân còn được thực hành trực tiếp xây dựng mô hình và tạo điểm check-in ngay tại vườn nhà mình.

Xã Noong U phối hợp cùng Ban phát triển bản Tìa Ló lựa chọn 26 hộ dân tiêu biểu để các cơ quan, đơn vị huyện hỗ trợ cải tạo cảnh quan, đầu tư cơ sở vật chất và phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng. Các phòng, ban đã huy động nguồn lực cung cấp cây xanh, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, cử cán bộ trực tiếp xuống địa phương cùng người dân xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.

Lực lượng đoàn viên thanh niên giúp gia đình anh Hờ A Giàng, bản Tìa Ló chỉnh trang khuôn viên, nhà cửa để phát triển du lịch cộng đồng.

Từ đầu năm 2024, Văn phòng HĐND-UBND huyện Điện Biên Đông cử cán bộ, công chức, nhân viên... trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng, làm nhà, chỉnh trang khuôn viên, hoàn thiện homestay đối với hộ ông Vừ A Tà.

Ông Nguyễn Đức Đô, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Cán bộ văn phòng đã hướng dẫn, vận động gia đình ông Tà xếp đá làm hàng rào, xây cổng, trồng cây xanh, hoa quanh khuôn viên nhà. Đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí để ông Tà dựng căn nhà lưu trú cho khách du lịch. Đến nay, mô hình homestay đã cơ bản đã hoàn thành, gồm: Khu khuôn viên, nhà lưu trú, nhà vệ sinh… đủ điều kiện phục vụ khách lưu trú.

Được biết, từ đầu năm đến nay, các cơ quan được phân công giúp đỡ đã chủ động, tích cực hỗ trợ 11 gia đình xây dựng mô hình homestay, sửa nhà, cổng chào, nhà lưu trú, tường đá, tiểu cảnh, khuôn viên…

Sau hơn 1 năm nỗ lực, diện mạo bản Tìa Ló đã “thay da đổi thịt”, bước đầu định hình một bản du lịch cộng đồng. Cổng chào đã được xây dựng, trang trí đậm chất văn hóa truyền thống với khèn, nỏ - những vật dụng đặc trưng, gắn bó với dân tộc Mông. Tuyến đường nội bản được đổ bê tông kiên cố, sạch sẽ. Hai bên đường là hàng cây xanh và các loại hoa đủ sắc màu. Trong bản, các hộ dân đã chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, không gian thoáng đãng, môi trường được cải thiện.

Diện mạo bản Tìa Ló “thay da đổi thịt”, từng bước định hình bản du lịch cộng đồng.

Là hộ tiên phong chỉnh trang khuôn viên nhà, tạo tiểu cảnh… theo mô hình du lịch cộng đồng, ông Chá A Mua cho biết: Ngoài sân, tôi tự tạo tiểu cảnh với mô hình nhạc cụ truyền thống dân tộc; khu trưng bày trang phục truyền thống và trồng thêm luống rau cải Mông. Mới đây, tôi đã di chuyển căn nhà ra một vị trí khác để có khoảng sân rộng hơn phục vụ hoạt động cộng đồng đông người. Trong nhà, tôi sắp xếp đồ đạc, bố trí chỗ nghỉ riêng cho khách, xử lý lại khu vực vệ sinh đảm bảo yêu cầu.

Tương tự gia đình ông Tà, ông Mua, nhiều hộ dân bản Tìa Ló đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất như: Nhà tắm, nhà vệ sinh; phục vụ lưu trú, ẩm thực… tham gia mô hình phát triển du lịch cộng đồng Tù Lu Tìa Ló.

 Bài 2: Thay đổi để phát triển

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top