Thách thức xây dựng bản du lịch Tù Lu Tìa Ló (bài 2)

Bài 2: Thay đổi để phát triển

10:31 - Thứ Sáu, 15/11/2024 Lượt xem: 370 In bài viết

ĐBP - Du lịch cộng đồng phải dựa vào chính người dân. Nhận thức cũng như khả năng của người dân quyết định sự thành công, thất bại của mô hình. Đây là thách thức lớn để xây dựng thành công bản du lịch cộng đồng Tù Lu Tìa Ló.

Bài 1: Lợi thế giữa núi rừng

 “Vướng” về nhận thức

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy và UBND huyện Điện Biên Đông, xã Noong U đã phối hợp với cộng đồng bản Tìa Ló A và B lựa chọn 26 hộ gia đình để hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn các gia đình tham gia mô hình chưa kỹ lưỡng; thiếu sự rà soát, đánh giá về nhu cầu thực tế, vị trí và tiềm năng của các hộ dẫn đến việc lập danh sách chưa phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch. Một số hộ dân không có nhu cầu làm du lịch hoặc có vị trí không thuận lợi vẫn được đưa vào danh sách, thậm chí có trường hợp hộ dân thường xuyên đi làm xa, vắng mặt tại địa phương cũng trong danh sách đề xuất hỗ trợ.

Đơn cử như Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Điện Biên Đông được giao hỗ trợ hộ ông Hờ A Tùng tại bản Tìa Ló B nhưng hộ này chưa có nhu cầu làm du lịch. Hoặc hộ Hờ A Cở (bản Tìa Ló B) và Vừ A Mua (bản Tìa Ló A) dù có vị trí khuất, nằm ở ngõ cụt và không gian nhà chật hẹp, chưa phù hợp làm mô hình điểm nhưng vẫn có tên trong danh sách đề nghị hỗ trợ. Hộ ông Lầu A Cở (bản Tìa Ló A) dù cả hai vợ chồng đều đi làm xa, vắng mặt thường xuyên song vẫn có tên trong danh sách hỗ trợ mô hình du lịch cộng đồng.

Với sự giúp đỡ của các cơ quan, ông Chá A Mua, bản Tìa Ló A đã di dời căn nhà ra vị trí mới, tạo khoảng sân rộng phục vụ các hoạt động du lịch

Năm 2023, xã Noong U đã ban hành nghị quyết phát triển du lịch cộng đồng, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng tổ chức, cá nhân liên quan. Trọng tâm là phát huy nội lực của người dân, bắt đầu từ việc vận động các hộ dân đưa trâu bò ra khỏi khu vực dân cư để đảm bảo vệ sinh và cảnh quan. Sau hơn một năm triển khai, đến nay vẫn còn 6 - 7 hộ chưa đồng thuận, chưa bố trí nhốt trâu bò ra ngoài bản, trong đó có trường hợp là đảng viên. Điển hình như hộ ông Vừ A Lầu, Bí thư chi bộ và ông Vừ A Mua, đảng viên chi bộ Tìa Ló A.

Ông Vừ A Sềnh, Trưởng bản Tìa Ló B cho biết: Một số hộ dân đưa ra lý do “cán bộ đảng viên chưa gương mẫu thực hiện” để biện minh cho sự chậm trễ trong việc chuyển trâu bò ra khỏi bản theo chủ trương của xã. Điều đó gây khó khăn cho việc xây dựng hình ảnh bản du lịch cộng đồng.

Thực tế, nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng của đảng viên và người dân hai bản Tìa Ló A và B vẫn hạn chế, dẫn đến tiến độ triển khai kế hoạch chậm và chưa hiệu quả. Hiện nay, rất ít hộ mạnh dạn đầu tư kinh phí để phát triển du lịch, một phần vì điều kiện kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là thói quen dựa dẫm vào sự hỗ trợ hơn là tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế. Các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ bà con vật liệu, chăn, màn… và nhân lực khi làm homestay, nhưng với người dân như thế là chưa đủ. Họ muốn hỗ trợ hoàn toàn, kể cả kinh phí tu sửa nhà cửa… mới chịu chuyển đổi mô hình, làm du lịch cộng đồng.

Ông Chá A Mua, bản Tìa Ló A cho biết: “Tổng kinh phí di dời căn nhà đến vị trí mới để tạo khoảng sân rộng phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng hết gần 70 triệu đồng. Trong đó, huyện hỗ trợ 50 triệu đồng và gia đình bỏ công lao động tương ứng gần 20 triệu đồng. Nếu không có huyện hỗ trợ thì gia đình không thể làm được vì cuộc sống còn khó khăn”.

Theo lời kể của ông Mua, tất cả hoạt động, phần việc phát triển du lịch tại gia đình ông đều có sự hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị của huyện. Gia đình chưa đầu tư bất kỳ khoản kinh phí nào ngoài công lao động.

Người dân bản Tìa Ló B kiến nghị cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên Đông hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng bản du lịch cộng đồng.

Tư tưởng trông chờ của người dân thể hiện rõ tại các cuộc đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng bản du lịch cộng đồng giữa cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên Đông với người dân 2 bản Tìa Ló A và B. Đa phần ý kiến của các hộ tham gia làm điểm đều nêu khó khăn về kinh phí hoặc đề nghị hỗ trợ thêm kinh phí thực hiện trong khi sự chủ động tham gia đóng góp của người dân là không đáng kể.

Qua thời gian hỗ trợ, nhiều cơ quan, đơn vị của huyện nhận định rằng người dân chưa chủ động mà chủ yếu trông chờ hỗ trợ. Công việc chỉ được triển khai khi có cán bộ đến giúp, hướng dẫn còn lại gần như đình trệ khi cán bộ rời đi. Thậm chí, có những hộ do vắng cán bộ hỗ trợ, công việc dở dang từ tuần trước, đến tuần sau cán bộ quay lại vẫn nguyên hiện trạng, không tiến triển gì.

Tiếp tục kiên trì

Ông Vũ Ngọc Hoành, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Phát triển du lịch cộng đồng là yếu tố quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của huyện. Tuy nhiên, một trong những khó khăn là nhận thức của bà con còn hạn chế. Tới đây, huyện tiếp tục mở các lớp tập huấn cho người dân, vì chỉ khi nhận thức thay đổi thì du lịch cộng đồng mới có tính bền vững. Song sự chuyển biến không thể trong “ngày một ngày hai” mà cần cả một quá trình. Chúng tôi xác định phải tiếp tục kiên trì và bền bỉ mới có thể thành công.

Lãnh đạo UBND huyện Điện Biên Đông gặp gỡ người dân 2 bản Tìa Ló A, B để tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Tù Lu Tìa Ló.

Các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị xã hội huyện tiếp tục vận động nguồn lực, hỗ trợ xây dựng và phát triển bản du lịch cộng đồng Tù Lu Tìa Ló như: Trồng cây xanh tạo cảnh quan, tổ chức tập huấn, hướng dẫn phát triển thêm dịch vụ, sản phẩm du lịch…

Ông Sùng A Ư, Bí thư Đảng ủy xã Noong U cho rằng: “Để xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng, cần nỗ lực lớn và sự đồng lòng của cả cấp ủy, chính quyền và người dân. Yếu tố then chốt là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi trước để bà con làm theo”.

Hộ ông Hờ A Giàng, bản Tìa Ló B mở quầy cho thuê trang phục truyền thống phục vụ khách du lịch.

Phát triển du lịch cộng đồng là một hành trình không dễ dàng. Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên sẵn có, cộng đồng cần biết cách phát huy, biến bản sắc văn hóa thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách. Ông Hờ A Giàng, bản Tìa Ló B là một trong số ít người đã và đang thực hiện điều đó.

Ông Giàng chia sẻ: “Sau chuyến tham quan thực tế ở bản Sin Suối Hồ, cùng với sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn Điện Biên, gia đình tôi đã sửa sang nhà cửa, phân chia không gian phục vụ khách, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tôi cũng mở thêm quầy cho thuê trang phục truyền thống, trồng rau và nuôi gà để đáp ứng nhu cầu của du khách khi bản chính thức mở cửa đón khách. Mong rằng các hộ dân sẽ đồng lòng xây dựng thành công bản du lịch cộng đồng Tù Lu Tìa Ló để tạo thêm thu nhập”.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top