ĐBP - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải tạm dừng việc dạy và học trực tiếp. Tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã kêu gọi, vận động các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành hưởng ứng chương trình nhằm giúp học sinh đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập.
Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2021 - 2022 bắt đầu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn để vừa tổ chức dạy học trực tiếp, vừa tổ chức dạy trực tuyến một số chuyên đề, chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông với thời lượng nhất định và phù hợp với diều kiện thực tế. Tuy nhiên, khi tổ chức dạy học trực tuyến, nhiều gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể trang bị cho con em mình thiết bị học tập trực tuyến thiết yếu. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện còn 105.680/141.772 học sinh phổ thông (74,5%) chưa có thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; trong đó, 53.345 học sinh không có khả năng trang bị thiết bị học tập trực tuyến (36.703 em con hộ nghèo; 5.160 em con hộ cận nghèo; 11.791 em có hoàn cảnh khó khăn khác). Hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Sở đã kêu gọi, vận động các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đóng góp tối thiểu 1 ngày thu nhập trên tinh thần tự nguyện và điều kiện thực tế, hoặc nếu có điều kiện thì ủng hộ thêm bằng hiện vật như: Laptop, máy tính để bàn, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Đến nay, số tiền vận động trong toàn ngành là 2,4 tỷ đồng. Với số tiền này, hiện nay Sở đang lên phương án triển khai sớm chương trình, hỗ trợ để học sinh sớm được thụ hưởng. Dự kiến Sở sẽ hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên; trong đó, nhất là học sinh thuộc diện hộ nghèo, thứ 2 là hộ cận nghèo và thứ 3 là các đối tượng còn lại chưa có thiết bị để học tập trực tuyến.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ bằng hiện vật. Trong đó, hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh, Viettel Điện Biên phối hợp với LienVietPostBank đã trao 5.000 máy tính bảng, sim 4G và các gói cước tài khoản data miễn phí đi kèm để học trực tuyến cho tỉnh Điện Biên để thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Theo ông Cù Huy Hoàn, tác động của dịch Covid-19 thời gian qua đã khiến nhiều học sinh, sinh viên không thể tới trường học tập bình thường và phải chuyển sang học trực tuyến. Đây vừa là giải pháp tạm thời, vừa là một phần của công việc chuyển đổi số để phát triển nền giáo dục hiện đại cho hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tổng thể, nhiều tỉnh, thành nói chung, Điện Biên nói riêng vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận mô hình giáo dục mới này do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không có thiết bị học tập. Chính vì thế, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng phát động là chương trình nhân văn sâu sắc, thiết thực với hàng triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu gia đình trên cả nước. Với ý nghĩa đó, hiện nay, Sở đang tiếp tục kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ Điện Biên thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, để sớm giúp các em có máy tính học trực tuyến, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện.