Trường học vùng cao “khát nước”

08:57 - Thứ Tư, 19/01/2022 Lượt xem: 15751 In bài viết

ĐBP - Đến hẹn lại lên, mùa khô hàng năm (từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm tiếp theo), các trường học ở huyện vùng cao Tủa Chùa lại thiếu nước sinh hoạt. Các vòi nước han rỉ, bể chứa cạn trơ đáy; giáo viên, học sinh phải xách can nhựa ngược dốc “cõng nước” về trường để sinh hoạt.

Giáo viên Trường PTDTBT THCS Lao Xả Phình khiêng đầu máy nổ ra mó nước tại khu vực Trung tâm xã Lao Xả Phình để bơm nước về trường.

Thời điểm này, tại trung tâm xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) ngày nào cũng tấp nập, nhộn nhịp. Song không phải là không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết Nguyên đán mà là cảnh giáo viên, học sinh các trường xếp hàng đợi lấy nước vào can, chai tại bể nước trung tâm xã.

Tại Trường PTDTBT THCS Trung Thu, từ những hàng cây tạo cảnh quan đến luống rau tăng gia đều khô cằn vì lâu không được tưới nước. Trong khu vực ở bán trú, cuối giường của mỗi học sinh đều có 1 chiếc can nhựa 5 lít hoặc chai 1,5 lít để chứa nước sinh hoạt. Bể nước phục vụ sinh hoạt của nhà trường cũng đã cạn từ tuần trước. Thầy giáo Ngô Sơn Ngân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Thu thở dài, nói với chúng tôi: “Một mùa vất vả về nước sinh hoạt của thầy trò nhà trường lại bắt đầu!”.

Bể nước tại trung tâm xã cách trường khoảng 1km và đã lắp đặt thêm hệ thống máy bơm tại bể song mùa khô nước cũng không thể chảy về bể chứa của nhà trường. “Khi các bể chứa cạn, hàng ngày giáo viên phải tranh thủ lúc nghỉ trưa, hoặc lúc không đứng lớp thay phiên nhau đi lấy nước. Đến cuối buổi chiều, học sinh lần lượt xách can, chai nhựa đi lấy nước để phục vụ những sinh hoạt tối thiểu như: Đánh răng, rửa mặt, vệ sinh… Nhiều hôm, bể nước ở trung tâm xã cũng cạn, giáo viên, học sinh lại rồng rắn nhau đi đến bể xa hơn hứng nước và rất nhiều lần phải về tay không vì các bể khác cũng cạn kiệt. Trường nhiều học sinh bán trú, nhu cầu sinh hoạt nhiều nhưng thiếu nước thật sự rất vất vả” - thầy giáo Ngân chia sẻ.

Em Vừ A Sinh, học sinh lớp 9A2, Trường PTDTBT THCS Trung Thu cho biết: Cuối buổi chiều hàng ngày, em cùng các bạn đi hứng đầy một can nhựa 5 lít dùng tiết kiệm cho những sinh hoạt tối thiểu như: Rửa mặt, đánh răng, đun nước uống… trong một ngày. Còn tắm, giặt quần áo thì phải dồn 2 - 3 ngày/lần và đều vào phải đến nhờ nhà người thân ở các bản lân cận. Có nhiều hôm bể hết nước, chúng em phải đi bộ vào các mó nước cách trường 2 - 3km để lấy nước.

Không riêng gì ở Trung Thu, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra khắp các trường học của các xã phía Bắc huyện Tủa Chùa như: Sính Phình, Lao Xả Phình, Sín Chải, Tả Phìn.

Chúng tôi đến Trường PTDTBT THCS Lao Xả Phình đúng hôm các thầy giáo tự chế và thử nghiệm thành công máy bơm nước chạy bằng dầu Diezel. Chiếc đầu máy nổ nặng gần 1 tạ được các thầy giao khiêng từ trường, vượt qua những con đường mòn lởm chởm đá tai mèo đưa đến mó nước cách trường gần 2km. Sau khi đấu nối hệ thống ống dẫn vào đầu máy, một thầy giáo hào hứng nói lớn với những đồng nghiệp xung quanh: “Tối nay được tắm thoải mái rồi. Ngày thường chỉ tắm nửa xô nước thì tối nay có thể tắm đầy một xô rồi”. Tiếp theo đó là hàng chục học sinh lớp 9 và giáo viên cùng nhau đào đất đặt ống dẫn nước. Đường ống nước dài loằng ngoằng men theo đường mòn, len lỏi qua từng phiến đá tai mèo để dẫn nước về bể chứa nhà trường.

Thầy giáo Khuất Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lao Xả Phình cho biết: Máy bơm nước về thầy trò phấn khởi lắm nhưng cũng chỉ được vài ngày thôi là mọi chuyện lại như cũ. Mó nước nhỏ, mùa khô nước hiếm mà cả trung tâm xã có 6 - 7 cơ quan, đơn vị và 2 thôn cùng lấy thì làm sao đủ? Ở trung tâm xã Lao Xả Phình có 2 mó nước, mó gần cách 1km, mó xa hơn cách khoảng 2km nhưng mùa này nước rất hiếm. Do đó không chỉ giáo viên và học sinh các nhà trường mà cán bộ và người dân khu vực trung tâm xã đều khó khăn về nước sinh hoạt. Cao điểm mùa khô, nhà trường phải bỏ kinh phí, cắt cử giáo viên ra tận trung tâm xã Tả Sìn Thàng mua nước về để phục vụ sinh hoạt. Nhiều năm qua, nhà trường cùng UBND xã đã nhiều lần kiến nghị đầu tư các công trình nước sinh hoạt song đến nay vẫn chưa có giải pháp khả thi để khắc phục khó khăn này.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa cho biết: Thiếu nước mùa khô tại các nhà trường là vấn đề nhức nhối của phòng Giáo dục và Đào tạo và UBND huyện Tủa Chùa trong nhiều năm qua. Trong khi huyện vẫn đang nghiên cứu, tìm giải pháp khả thi, để giải quyết tạm thời, phòng tăng cường công tác xã hội hóa, vận động sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các dụng cụ chứa nước như: Téc nước inox, xây dựng các bể chứa nước… để mùa mưa tích nước phục vụ sinh hoạt trong mùa khô. 

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top