Một học kỳ vượt khó

07:29 - Thứ Tư, 26/01/2022 Lượt xem: 10322 In bài viết

ĐBP - Học kỳ I năm học 2021 - 2022 đã kết thúc. Cùng chịu chung ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, học kỳ qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh ta đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Dù vậy cán bộ, giáo viên, cùng học sinh toàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua, đạt nhiều kết quả tích cực và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Noong Luống (huyện Điện Biên).

Ngoài những khó khăn vốn có của công tác giáo dục vùng cao và yêu cầu mới đặt ra trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6, năm học 2021 - 2022, ngành GD&ĐT tỉnh ta đối mặt với tình hình dịch bệnh bùng phát liên quan đến nhiều giáo viên, học sinh. Nhiều trường học phải tạm dừng dạy và học trực tiếp. Không ít trường trưng tập trở thành khu cách ly y tế tập trung cho chính học sinh, giáo viên và người dân tại địa bàn. Lúc này đòi hỏi ngành, các nhà trường và đội ngũ cán bộ, giáo viên linh hoạt, thích ứng, chuyển đổi hình thức học tập sang trực tuyến hoặc giao bài tận nhà theo điều kiện từng khu vực, từng gia đình học sinh.

Tại Trường Tiểu học số 2 xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) cũng đã tổ chức dạy học trực tuyến, giao phiếu học tập trong 4 tuần từ ngày 8/11 - 3/12. Cô Đỗ Thị Thọ, Hiệu trường Nhà trường cho biết: “Trường có 12 lớp, 480 học sinh, 476/480 em đủ các điều kiện học trực tuyến, đạt 99,2%. Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học nhưng cũng là cơ hội, động lực để cả thầy và trò thay đổi mạnh mẽ về phương thức dạy học theo hướng phát huy nội lực, ý thức tự giác của người học. Để tổ chức học trực tuyến hiệu quả, giáo viên chuẩn bị bài giảng thật cẩn thận và chu đáo. Thiết kế các hoạt động dạy học cũng như các trò chơi, video với nhiều hoạt động khởi động vui nhộn tạo bầu không khí thoải mái trong lớp học; luôn cài chế độ hình ảnh nổi lên màn hình chính, tăng cường tương tác với học sinh, ghi nhận và khen thưởng trong quá trình dạy học. Đồng thời tạo ra cơ hội học tập, tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng học sinh để không học sinh nào bị bỏ quên...”

Không chỉ riêng Trường Tiểu học số 2 xã Thanh Xương mà các trường trên địa bàn huyện Điện Biên đều có thời gian tạm dừng đóng cửa khi dịch bệnh bùng phát phức tạp. Với tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học” và “tranh thủ thời gian vàng” ngay từ đầu năm học, các cơ sở giáo dục đều thực hiện đảm bảo thời gian học kỳ. Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên cho biết: Với sự chung sức, đồng lòng, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, sự nghiệp GD&ĐT tiếp tục phát triển và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm học. Hoạt động dạy và học được thực hiện linh hoạt với các hình thức đa dạng, phù hợp; chất lượng giáo dục toàn diện học sinh được đảm bảo; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được quan tâm, chỉ đạo có hiệu quả; các chính sách hỗ trợ cho nhà giáo và học sinh được thực hiện nghiêm túc... 100% học sinh mầm non ăn bán trú và học 2 buổi tại trường. Kết quả đánh giá học kỳ I của học sinh tiểu học đạt kết quả tích cực. Số học sinh hoàn thành tốt 2 môn chính Tiếng Việt và Toán đều đạt trên 50%, tăng lần lượt 22,05% và 23,32% so với năm trước. Học sinh THCS xếp loại hoàn thành khá, tốt cũng tăng.

Học kỳ I, năm học 2021 - 2022, các chỉ tiêu huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng so với năm học trước, đạt và vượt kế hoạch giao. Trong đó, khối lớp nhà trẻ đi học đạt 44,5% (vượt 0,3% só với kế hoạch), trẻ mẫu giáo đạt 99,63% (vượt 0,13%); trẻ 5 tuổi đạt 99,91% (vượt 0,01%). Đối với cấp tiểu học, huy động 6 tuổi học lớp 1 đạt 99,92%; huy động học sinh 6 - 10 tuổi học cấp tiểu học đạt 99,86%. Với bậc trung học, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì số lượng học sinh, giảm học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Cấp THCS có 122 trường với 48.522 học sinh, tăng 995 học sinh so với năm học trước. Cấp THPT có 33 trường với 19.772 học sinh, tăng 733 học sinh so với năm học trước. Việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên, đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông đều được đảm bảo và phù hợp thực tế, linh hoạt, hiệu quả.

Phó Giám đốc Điều hành Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Đoạt nhận định: Học kỳ qua các cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ. Sang học kỳ mới, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục đảm bảo linh hoạt, thích ứng, kiểm soát an toàn dịch bệnh gắn với nhiệm vụ giáo dục; tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo chuyên môn về thực hiện nội dung chương trình, kế hoạch giáo dục năm học; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top