Còn khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh

08:43 - Thứ Hai, 21/02/2022 Lượt xem: 6720 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được thụ hưởng và chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định. Việc ăn, ở bán trú của học sinh đã được đảm bảo, an toàn. Qua đó đã giúp cho các em yên tâm học tập, hạn chế được tình trạng bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Một tiết học của học sinh Trường PTDTBT THCS xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Năm học 2021 - 2022, huyện Mường Nhé có hơn 16.000 học sinh các cấp học. Các chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được ngành Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, như: Chính sách hỗ trợ tiền ăn cho trẻ; hỗ trợ học sinh trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ chi phí học tập, cấp bù miễn giảm học phí; hỗ trợ học sinh dân tộc rất ít người… Học kỳ I năm học 2021 - 2022, Phòng đã thực hiện hỗ trợ gạo cho 6.191 học sinh; hỗ trợ chế độ chi phí học tập cho 15.231 học sinh và cấp bù học phí cho 8.284 học sinh… Ngoài ra, ngành đã huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho học sinh, nhất là học sinh nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ Mường Nhé, thời gian qua các cấp ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh đã kịp thời triển khai thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước, của tỉnh đến các đối tượng được thụ hưởng. Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 488 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông với trên 200 nghìn học sinh. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có học sinh được thụ hưởng chính sách đã thực hiện hỗ trợ cho học sinh đảm bảo theo quy định. Cụ thể, hỗ trợ gạo 15kg/tháng/học sinh (theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP), việc hỗ trợ theo thực tế thời gian học của học sinh (9 tháng/năm học) và được cấp phát trong 2 kỳ của năm học. Những học sinh phải tự lo nhà ở, được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở/tháng, chi trả trực tiếp cho học sinh. Hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở; đối với trường hợp ăn, ở bán trú tại trường, số tiền hỗ trợ được nhà trường tổ chức nấu ăn cho học sinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cũng bộc lộ không ít khó khăn, như: Chính sách, định mức hỗ trợ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung tại các trường phổ thông dân tộc bán trú còn thấp so với giá cả thị trường hiện nay; chưa phù hợp đối với những trường có tổng số học sinh bán trú ăn tập trung lớn hơn 150 người hoặc những trường có số học sinh ăn tập trung dưới 30 người, không đủ 1 định mức nên không được hỗ trợ. Mức hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở/tháng đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở còn thấp, nhất là đối với những trường trên địa bàn các vùng thuận lợi, trung tâm có giá thuê nhà ở cao. Việc nắm bắt chế độ chính sách của một số phụ huynh còn hạn chế, chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin của học sinh; công tác phối hợp hoàn thiện hồ sơ xét duyệt hưởng chế độ hỗ trợ của học sinh đôi khi còn chậm…

Việc cấp phát gạo hỗ trợ cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ cũng gặp nhiều vướng mắc. Theo phản ánh từ các trường thụ hưởng chính sách, tỉnh ta đang tổ chức cấp phát gạo 2 đợt/năm dẫn đến số lượng gạo các trường nhận mỗi lần khá lớn. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều không có kho bảo quản, gạo chất đống để suốt nhiều tháng nên bị giảm chất lượng, thậm chí bị mốc. Để khắc phục vấn đề này, các trường đề nghị tỉnh nên tổ chức cấp gạo thành nhiều đợt/năm. Mặt khác, theo quy định, mỗi học sinh được hỗ trợ 15kg gạo/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Trong khi đó, nhiều năm gần đây, từ giữa tháng 8, học sinh đã phải nhập học trở lại. Điều này khiến một số trường bán trú gặp khó khăn trong việc hỗ trợ gạo và tiền ăn để nuôi dưỡng học sinh trong nửa tháng đầu năm học.

Việc hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ mới chỉ áp dụng ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, trong khi cấp mầm non vừa không được bố trí đội ngũ phục vụ cũng như không được hỗ trợ chi phí phục vụ nấu ăn cho đội ngũ giáo viên vừa trực tiếp giảng dạy vừa phải nấu ăn cho học sinh. Ngoài ra, nguồn kinh phí thực hiện các chính sách còn hạn hẹp, kinh phí từ cấp trên cấp về chậm dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh; công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh còn hạn chế.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top