Nhiều khó khăn trong dạy học trực tuyến

08:55 - Thứ Năm, 03/03/2022 Lượt xem: 7532 In bài viết

ĐBP - Để phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng cao mỗi ngày; nhiều trường học trong tỉnh đã linh hoạt chuyển từ dạy học trực tiếp sang học trực tuyến. Tuy nhiên, việc đảm bảo các yêu cầu để tổ chức dạy học trực tuyến tại không ít cơ sở giáo dục còn gặp nhiều khó khăn; nhất là địa bàn xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Trường PTDTBT Tiểu học Mường Báng.

Tại huyện Tủa Chùa, nhiều đơn vị trường khi có dịch Covid-19 đã chủ động linh hoạt triển khai việc dạy học trực tuyến thông qua các ứng dụng Google meet, Zoom....; chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn và giáo viên bộ môn giao nhiệm vụ học tập cho học sinh theo nội dung bài học qua mạng internet (Email, Zalo...). Triển khai việc dạy học trực tuyến, cấp tiểu học có 4/14 trường thực hiện với tỷ lệ gần 90% học sinh tham gia; cấp THCS có 5/10 trường thực hiện với tỷ lệ hơn 84% học sinh tham gia. Số học sinh tham gia chủ yếu là ở các trường vùng thuận lợi, như: Trường Tiểu học Thị trấn Tủa Chùa, THCS Thị trấn Tủa Chùa; Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng, Trường THCS Mường Báng, Trường PTDTBT Tiểu học Mường Báng, Trường PTDTBT Tiểu học Sính Phình số 1, Trường PTDTBT THCS Trung Thu, Trường PTDTBT THCS Tủa Thàng. Một số trường không đảm bảo điều kiện để tổ chức cho học sinh tham gia học trực tuyến, như: Trường PTDTBT Tiểu học Sín Chải, Trường PTDTBT TH&THCS Lao Xả Phình, Trường PTDTBT TH&THCS Huổi Só. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ đường truyền internet không đảm bảo, hầu hết học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn (con hộ nghèo) nên không có điều kiện để mua các thiết bị hỗ trợ học trực tuyến, tiếp cận mạng internet. Bên cạnh đó nhiều giáo viên chưa làm chủ được công nghệ nên khó khăn trong việc triển khai dạy học trực tuyến trong khi dạy học trực tuyến bị ảnh hưởng và tác động nhiều bởi các yếu tố khách quan (điện lưới, thiết bị dạy học, tốc độ đường truyền…) làm gián đoạn quá trình dạy học của giáo viên và học sinh. Các tiết thực hành không thể thực hiện được. Một số môn học, như: Thể dục, âm nhạc khi dạy học trực tuyến bị ảnh hưởng nhiều tới chất lượng. Việc tương tác giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh và làm việc nhóm bị hạn chế bởi yếu tố không gian và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của học sinh. Việc sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh vào học trực tuyến của một số học sinh còn hạn chế do các em chưa biết sử dụng các ứng dụng và phần mềm thành thạo. Nhiều gia đình học sinh chưa có mạng internet, không có điện thoại thông minh hoặc máy tính phục vụ học trực tuyến. Chính vì vậy khi triển khai học trực tuyến, chỉ có các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn thị trấn Tủa Chùa và xã Mường Báng mới cơ bản đáp ứng được các yêu cầu.

Học sinh ở địa bàn kinh tế - xã hội phát triển có điều kiện thuận lợi khi triển khai học trực tuyến. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) học trực tuyến môn Toán học.

Cũng giống như Tủa Chùa, việc triển khai học trực tuyến tại huyện Mường Nhé gặp rất nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Uyên, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo đã cấp cho các đơn vị trường học trực thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé 740 máy tính bảng và 740 sim điện thoại để kết nối internet phục vụ công tác dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, do tỷ lệ học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo còn cao (chiếm hơn 59,9%) nên khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị cho học sinh tham gia học trực tuyến. Điều này dẫn tới nhiều học sinh không có thiết bị riêng phải sử dụng điện thoại của bố, mẹ hoặc người thân nên không đồng nhất về thời gian vào phòng học. Vì vậy các em tham gia học tập trực tuyến chưa thường xuyên. Việc tiếp thu kiến thức của học sinh khi học trực tuyến còn hạn chế mặc dù giáo viên đã điều chỉnh nội dung dạy học để ứng phó dịch Covid-19. Hiện nay, trên địa bàn một số xã chưa phủ sóng đến tất cả các điểm bản, như: xã Pá Mỳ, Huổi Lếch, Nậm Vì... nên việc dạy học trực tuyến không thực hiện được. Bên cạnh đó, một bộ phận phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của học sinh, còn phó mặc cho thầy cô và nhà trường nên việc học trực tuyến của học sinh chưa đạt hiệu quả. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy học trực tuyến; kỹ năng sử dụng một số ứng dụng trong dạy học trực tuyến của một bộ phận giáo viên và học sinh còn hạn chế cũng là khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến. Hiện nay, tại huyện Mường Nhé việc tổ chức dạy học trực tuyến chỉ áp dụng được ở một số đơn vị trường nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi như ở trung tâm huyện và cũng chỉ tổ chức được ở một số lớp mũi nhọn. Các đơn vị còn lại sử dụng hình thức giao nhiệm vụ học tập, phiếu bài tập, hệ thống câu hỏi ôn tập và một số hình thức khác để ôn tập kiến thức cho học sinh.

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng các ca nhiễm mới trong các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Chính vì vậy, căn cứ vào tình hình dịch bệnh của từng địa phương, trường học, nhiều nhà trường đã linh động chuyển đổi tổ chức dạy học phù hợp, hiệu quả. Tính đến hết ngày 2/3, toàn tỉnh có 129/482 trường học đã dừng học trực tiếp để chuyển sang học trực tuyến và các hình thức khác (chiếm gần 27%) với hơn 55.700 học sinh (chiếm hơn 27%) trong tổng số học sinh toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Gia Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top