Linh hoạt đào tạo nghề trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

07:00 - Thứ Sáu, 04/03/2022 Lượt xem: 6729 In bài viết

ĐBP - Điện Biên hiện có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 3 trường cao đẳng và 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện, với quy mô tuyển sinh từ 9.500 - 10.000 người/năm. Để bảo đảm chất lượng công tác đào tạo nghề trong bối cảnh dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai linh hoạt nhiều giải pháp trong quá trình trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Giờ thực hành của học sinh lớp K34B1, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên về xử lý rơm để chuẩn bị trồng nấm.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên hiện có trên 500 học sinh, sinh viên theo học tại 9 nghề cao đẳng, 14 nghề trung cấp và 20 nghề sơ cấp. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trường đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học trực tiếp để phòng, chống dịch bệnh. Nhằm thích ứng với tình hình hiện nay, Trường đã chuyển đổi từ phương pháp dạy học trên lớp sang dạy trực tuyến. Trong quá trình học trực tuyến, chú trọng đào tạo lý thuyết, vừa giúp học sinh, sinh viên có kiến thức khái quát, nền tảng về môn học, vừa bảo đảm chất lượng đào tạo. Còn phần học thực hành sẽ được triển khai phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, học sinh, sinh viên có thể học trực tiếp, Trường sẽ tập trung đào tạo thực hành.

Thầy giáo Lưu Quang Vũ, Trưởng phòng Đào tạo, hướng nghiệp và tư vấn việc làm cho biết: Việc tổ chức đào tạo nghề trực tuyến là cơ hội để đội ngũ giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo, nhằm xây dựng các bài giảng dễ hiểu, dễ tiếp thu; đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên làm quen với phương pháp học tập mới. Tuy nhiên, với đặc thù của công tác đào tạo nghề phải “cầm tay chỉ việc” và gắn với những giờ thực hành, thực tế, vì vậy, Trường đã xây dựng kịch bản, phương án đào tạo thích ứng với điều kiện dịch bệnh. Thời gian tới, khi dịch được khống chế, trường sẽ tổ chức học tập trung, bố trí mỗi lớp không quá 30 người và chia thành từng nhóm học để hạn chế sự tiếp xúc, quá trình học tập thực hiện nghiêm quy định 5K…

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đó, nhiều đơn vị chưa tuyển đủ số lao động theo nhu cầu. Trước tình hình đó, Trường đã tận dụng cơ hội, chủ động liên kết hợp tác với các đối tác doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động về lĩnh vực liên kết đào tạo, để tư vấn và giới thiệu, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bảo đảm giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên; Phòng quản lý học sinh, sinh viên nhà trường thường xuyên liên hệ với học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp để nắm bắt tình hình công việc và hỗ trợ giới thiệu việc làm cho các em còn gặp khó khăn. Thực hiện giải pháp trên, hàng năm có trên 98% học sinh, sinh viên nhà trường sau khi tốt nghiệp có việc làm.

Còn tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nơi có thực hiện chức năng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, nhiều biện pháp cũng được triển khai nhằm thu hút người học. Hàng năm, các trung tâm đều phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn để điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch tuyển sinh, chọn lựa nghề phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của địa phương. Ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Điện Biên cho biết: Căn cứ chỉ tiêu của tỉnh, huyện giao và dựa trên nhu cầu người lao động của địa phương, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch vận động, tuyên truyền để thu hút học viên tham gia học nghề. Năm 2021, do dịch Covid-19 và nguồn kinh phí còn hạn chế, nên việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm, Trung tâm mở được 2 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với khoảng 70 học viên tham gia đào tạo về nông nghiệp. Trong năm 2022, Trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn và các tổ chức, đoàn thể tổ chức thăm dò nắm bắt nhu cầu học tập của người dân để mở các lớp đào tạo nghề đáp ứng kịp thời nhu cầu của học viên.

Theo ông Hà Quang Minh, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), các cơ sơ giáo dục trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt trong công tác tuyển sinh, chủ động xây dựng các phương án đào tạo trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp nhằm đảm bảo chương trình, kế hoạch. Tuy nhiên, với đặc thù dạy nghề đa phần lượng thời gian học thực hành, rèn kỹ năng nghề là chính nên không thể học trực tuyến kéo dài. Do vậy, các trường cần chuẩn bị tốt các phương án đào tạo tập trung khi tình hình dịch được kiểm soát.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top