Tháo gỡ khó khăn tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

11:49 - Thứ Sáu, 11/03/2022 Lượt xem: 7996 In bài viết

ĐBP - Đó là nội dung chính của Hội nghị trực tuyến “Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng ngày 11/3. Đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, đồng chí Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia phát biểu tại hội nghị.

Chương trình GDPT 2018 được triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021. Qua tham vấn đánh giá thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai cùng nhiều kiến nghị, đề xuất của UBND các tỉnh, thành phố. Hội nghị thảo luận, bàn giải pháp xoay quanh 6 vấn đề còn vướng mắc: Thiếu đội ngũ giáo viên, đặc biệt đối với môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật; lựa chọn sách giáo khoa; cơ sở vật chất; chuẩn bị điều kiện cho học sinh trở lại trường học trực tiếp...

Theo đó, trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới, nhiều trường học đang có điểm lẻ, trường có quy mô số lớp vượt quá quy định gây ra nhiều khó khăn trong việc tổ chức hoạt động giáo dục; giáo viên thiếu so với định mức quy định, hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học và Tiếng Anh; tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô học sinh/lớp, quy mô lớp/trường của một số trường chưa đạt theo quy định, tỉ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày chưa đạt 100%. Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề khác như việc lựa chọn sách giáo khoa, việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương còn nhiều hạn chế. Chương trình được triển khai khi dịch covid -19 diễn biến phức tạp, nhiều trường còn thiếu nhân viên y tế, một số đơn vị vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa đáp ứng được việc học trực tuyến... Các địa phương đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ý kiến: Tại tỉnh Điện Biên, việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 đã được chủ động triển khai, khắc phục khó khăn, thu những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, đặc biệt là về cơ sở vật chất các trường vùng cao, biên giới. Đội ngũ giáo viên cũng còn thiếu cục bộ, nhất là các môn Tiếng Anh và Tin học. Vì vậy, tỉnh kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ bố trí nguồn kinh phí cho các trường đặc biệt khó khăn để tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo việc dạy học chương trình GDPT 2018; phối hợp với bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn giao đủ số lượng người làm việc cho các cấp học theo định mức; tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ, giáo viên để thực hiện tốt chương trình, đặc biệt là tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hơp...

Trước những khó khăn, đề xuất của các địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo đề ra một số giải pháp: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo hướng đạt chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới; ưu tiên tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp THCS, THPT, đáp ứng ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới chương trình GDPT 2018; bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo; quy hoạch mạng lưới trường lớp tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt; đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực xã hội nhằm phát triển giáo dục và đào tạo...

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top