Nhiều giải pháp bổ trợ nâng cao kiến thức cho học sinh

08:06 - Thứ Hai, 14/03/2022 Lượt xem: 6488 In bài viết

ĐBP - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt trong việc giảng dạy: Vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy online và theo hình thức khác. Việc học bằng nhiều hình thức khó đảm bảo chất lượng như học trực tiếp nên ngay khi đi học tập trung trở lại, các cơ sở giáo dục đã lên kế hoạch rà soát và kịp thời bổ sung kiến thức cho các em sau thời gian dài học trực tuyến.

Giờ học trực tiếp, kết hợp ôn luyện kiến thức của cô và trò Trường PTDBT THCS Mường Mươn (huyện Mường Chà).

Năm học 2021 - 2022, Trường PTDTBT THCS Mường Mươn (huyện Mường Chà) có 12 lớp với 419 học sinh. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trường được trưng tập làm khu cách ly cho các trường hợp F1. Dẫn đến việc dạy học trực tiếp trên lớp phải dừng hoàn toàn. Mặc dù giáo viên đã được tập huấn dạy học trực tuyến nhưng việc này khó thực hiện kể cả một số em được hỗ trợ máy tính bảng do tại gia đình các em không có mạng internet. Giáo viên phải dạy bằng các hình thức giao bài bằng phiếu học tập. Tuy vậy, quá trình giao phiếu học tập bộc lộ nhiều bất cập.

Thầy giáo Đào Xuân Lợi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay khi học sinh trở lại học trực tiếp, Trường đã xây dựng kế hoạch để bổ trợ kiến thức nhưng vẫn đảm bảo không gây áp lực cho học sinh. Bộ phận chuyên môn trường phân công giáo viên dạy trực tiếp trên lớp và nhắc nhở giáo viên trước khi dạy kiến thức bài mới cần cho học sinh ôn lại kiến thức cũ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng tiết, tăng buổi học nhằm ứng phó với những diễn biến mới của dịch bệnh. Ngoài thời gian dạy chính khóa trên lớp, Ban Giám hiệu cũng chỉ đạo giáo viên tăng cường trao đổi với học sinh trong giờ ra chơi, trên mạng xã hội qua nhóm lớp, trong giờ trực nội trú buổi tối để học sinh có khó khăn gì trao đổi với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm. Qua đó có thể luyện tập, củng cố thêm cho học sinh.

Từ sau tết Nguyên đán dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Mường Chà có những diễn biến phức tạp; số lượng học sinh, giáo viên là F0 ngày một tăng, nhất là từ đầu tháng 3 đến nay. Tính đến ngày 7/3/2022, toàn huyện có 234 học sinh và 124 giáo viên (cả 3 cấp học) là F0. Số học sinh học trực tuyến dao động từ 165 - 250 học sinh, số học sinh học bằng các hình thức khác (từ 39 - 137 học sinh).

Ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà cho biết: Việc dạy học trực tuyến và dạy học bằng các hình thức khác còn nhiều hạn chế: Sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh còn ít; đường truyền mạng đôi khi chập chờn; việc quan sát theo dõi đánh giá học tập của học sinh không thể toàn diện, kịp thời… dẫn đến hiệu quả dạy học chưa cao. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại việc thực hiện song song giữa trực tuyến (hoặc các hình thức khác) - trực tiếp chính là giải pháp tối ưu nhất để ngành Giáo dục có thể vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Để bổ sung kiến thức cho học sinh sau khi trở lại trường học trực tiếp, Phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục cho mỗi hình thức học cụ thể căn cứ vào tình hình số lượng giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.

Đối với những học sinh học tập bằng hình thức trực tuyến và các hình thức khác, Phòng chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch phụ đạo, ôn tập củng cố lại kiến thức cho học sinh ngay sau khi trở lại trường học, nhằm đảm bảo kiến thức cho các em khi kết thúc năm học. Chủ động nắm bắt tâm lý đối với các em học sinh không may mắc Covid-19 để có những biện pháp hỗ trợ, tư vấn tấm lý kịp thời đối với những em có biểu hiện sốc về tâm lý. Hiện tại các đơn vị giáo dục Mường Chà vẫn đang thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, phối hợp chặt chẽ với y tế giảm thiểu trường hợp lây nhiễm, thực hiện song song các hình thức dạy học, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Tính đến ngày 8/3/2022, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh có 198 cơ sở giáo dục và 11 nhóm trẻ tạm dừng đến trường, chuyển đổi hình thức dạy học. Số trường tạm dừng học trực tiếp 198/482 trường (chiếm 41,07%); số lớp 2.715/7.378 lớp (chiếm 36,79%); số học sinh 80.525/205.410 hoc sinh (chiếm 39,20%); số cán bộ, giáo viên, nhân viên 6.216/15.741 (chiếm 39,48%).

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Để hỗ trợ, nâng cao kiến thức cho học sinh trong điều kiện dạy học linh hoạt, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình (các hình thức khác) của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương. Khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lí, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, sang học tập trực tiếp tại trường.

Sử dụng hiệu quả “thời gian vàng” học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Bố trí thời gian hợp lý để hỗ trợ, bù đắp nội dung kiến thức còn thiếu ngay trong từng bài học phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến; dạy bổ sung những nội dung còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến trong thời gian phải tạm dừng đến trường. Việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức…

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top