Cái duyên của nghề nuôi dạy trẻ

12:38 - Thứ Bảy, 26/03/2022 Lượt xem: 9831 In bài viết

ĐBP - Giáo viên mầm non tưởng chừng chỉ dành cho nữ giới đảm đang, khéo léo. Vậy mà tại bản Chuyên Gia 3 - bản biên giới xa nhất, khó khăn nhất của xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) lại có một thầy giáo ngày đêm lặng lẽ, miệt mài bám điểm trường, dành tình yêu thương chăm sóc, dạy dỗ những lớp trẻ mầm non nơi đây suốt 11 năm qua. Đó là thầy giáo Bàn Văn Đức, dân tộc Dao, quê tỉnh Sơn La, giáo viên tại điểm trường Chuyên Gia 3 thuộc Trường Mầm non xã Nậm Kè. Đây là thầy giáo dạy mầm non duy nhất ở Mường Nhé.

Điểm trường mầm non Chuyên Gia 3 nay đã được kiên cố hóa, vững chắc.

Thời điểm chúng tôi có mặt tại điểm trường mầm non Chuyên Gia 3 cũng là lúc thầy giáo Đức đang dạy cho các bé múa hát trong tiết học âm nhạc. Những động tác chân tay nhuần nhuyễn, mềm mại không thua kém giáo viên nữ và giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, truyền cảm thể hiện sự tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ của thầy Đức dành cho các em bé nơi đây.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp khoa mầm non, Trường Đại học Sư phạm Thái Bình, thầy Đức quyết định rời quê hương Sơn La lên Điện Biên công tác. Sau đó thầy được phân công công tác tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. Ngày đầu tiên đặt chân lên điểm trường lẻ của xã Nậm Kè, thầy giáo Đức thấy hụt hẫng bởi sự khó khăn, gian khó của vùng đất này. Là bản giáp biên giới, 100% dân tộc Mông sinh sống, đời sống còn vất vả, thiếu thốn, vì vậy nhiều trẻ em không được đến trường; trong khi đường sá khó khăn, điện lưới quốc gia cũng không có...

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Đức cho biết: Khi chọn học và gắn bó với nghề dạy trẻ mầm non, người thân, bạn bè đều phản đối vì nghề đó chỉ phù hợp nữ giới. Thế nhưng trở thành thầy giáo mầm non, với tôi đó là cái duyên với nghề nhưng cũng đồng nghĩa với những khó khăn. Bởi lẽ, các cháu vốn quen với lời nói nhẹ nhàng, giọng hát ngọt ngào, điệu múa duyên dáng của những cô nuôi dạy trẻ. Vì thế, khi đứng lớp, phải cố gắng làm tất cả mọi việc trong vai trò của một người làm thầy, vừa làm cha, làm mẹ. Ban đầu, công việc rất khó khăn nhưng dần dần đã thành thạo kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và cả những công việc phục vụ cho bữa ăn của các cháu nơi điểm trường này. Đặc biệt, để có thể chăm sóc và giáo dục trẻ thì yêu quý trẻ thôi là chưa đủ, bản thân phải kiên trì, nhẫn nại và hiểu được sở thích, tính cách của từng đứa trẻ để có cách tiếp cận phù hợp nhất. Lựa chọn những phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng lứa tuổi.

Thầy Đức dạy các em học sinh múa, hát.

Từ những ngày đầu ngượng nghịu, nhưng để dạy cho các bé, thầy Đức vào mạng internet tìm hiểu học hỏi, nhờ đồng nghiệp nữ “bồi dưỡng” thêm kỹ thuật múa, hát để dạy các em. Lâu rồi thành quen, đến nay thầy Đức đã thuần thục các điệu múa, giọng nói cũng nhẹ nhàng, truyền cảm hơn; thậm chí, nhiều đồng nghiệp nữ còn “ghen tỵ” trước sự tiến bộ về kỹ năng dạy học và chăm sóc trẻ của thầy Đức. Ban ngày, thầy cần mẫn, kiên trì chăm lo cho các cháu. Khi màn đêm biên giới buông xuống, thầy tranh thủ rèn luyện kỹ năng, rồi đục đẽo, cưa xẻ để làm xích đu, bập bênh, cầu khỉ bằng gỗ cho các con có đồ chơi, tạo hứng khởi và thích thú cho con trẻ trong mỗi giờ lên lớp.

Hiện nay thầy Đức đang chủ nhiệm lớp mẫu giáo ghép 5 - 6 tuổi và 3 - 4 tuổi với tổng số 15 trẻ. Tất cả mọi công việc từ dạy học đến nấu ăn, chăm sóc trẻ hàng ngày đều do thầy đảm nhiệm. Ngày nào cũng vậy, thầy ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng đi nhận thực phẩm cho các em, đến giờ lên lớp dạy học. Dạy các con đến giữa buổi, thầy xuống bếp nấu cơm để chuẩn bị bữa trưa cho các em. Giờ ăn, một mình thầy xoay như chong chóng, hết bón cơm cho em này lại lấy canh, chia thức ăn cho em kia. Trò ăn xong, thầy ăn vội ăn vàng bát cơm rồi cho các em đi ngủ. Đến khi bọn trẻ ngủ yên, thầy lại lúi húi nơi góc bếp rửa bát và dọn dẹp. Dọn xong thì cũng đến giờ học buổi chiều. Lại đánh thức bọn trẻ dậy, rửa mặt cho các con, chải đầu tết tóc cho các bé gái, rồi dạy các con múa hát, kể chuyện và dạy chữ. Cứ như vậy, ngày qua ngày thầy Đức một mình vừa dạy học và thay bố mẹ các em chăm sóc, nuôi dưỡng các em tại lớp học.

Thầy Đức chuẩn bị bữa ăn cho các em học sinh.

Nhận xét về thầy Đức, cô Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Kè cho biết: Thầy Đức là trường hợp khác biệt bởi từ trước đến nay cấp học mầm non chỉ có nữ giới tham gia. Đối với một điểm trường mầm mon 100% trẻ đều là dân tộc Mông, chính sự hiểu biết trong giao tiếp đã giúp thầy Đức đứng lớp rất vững vàng, thực hiện những phần việc khó mà rất ít giáo viên mầm non thông thường làm được. Cũng đã nhiều lần nhà trường có ý định luân chuyển giáo viên để thầy được về dạy ở trung tâm, nhưng thầy từ chối. Thầy bảo cả trường có mình thầy là nam giới, thầy sẽ nhận phần khó khăn nhất, dạy ở điểm trường xa nhất để các đồng nghiệp nữ đỡ vất vả.

Thật khó để đánh đổi bằng vật chất hay phần thưởng để đi vào nơi gian khó. Chỉ có sự dấn thân, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ mới chiến thắng suối sâu, đèo cao và nỗi nhọc nhằn, gian khổ của công việc dạy chữ nơi điểm trường vùng cao biên giới. Những hy sinh, nỗ lực của thầy giáo Đức được đổi lại là những trái ngọt cho các em học sinh nơi đây. Từ lớp học bằng tranh tre, nứa lá tạm bợ, thông qua công tác vận động, kêu gọi của thầy Đức và sự quan tâm của các cấp chính quyền, điểm trường đã có phòng học kiên cố. Nhờ sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình, chu đáo của thầy Đức, những đứa trẻ nơi đây đã biết được con chữ, con số, biết múa hát và tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Suốt 11 năm gắn bó với nghề dạy trẻ, thầy Đức không chỉ dạy các bé làm quen rồi tập đọc chữ, biết những kiến thức đầu đời, mà thầy còn như người cha, người mẹ thứ hai, ngày ngày lo cho các con mọi thứ. Khi nói về tương lai, thầy xác định sẽ tiếp tục gắn bó với bà con dân bản và trẻ em nơi đây. “Muốn nhìn thấy những lứa học sinh mình chăm bẵm từ bé sẽ lớn lên, trưởng thành như thế nào”- thầy Đức tâm sự! Mong mỏi lớn nhất của thầy Đức là các cấp, ngành đầu tư đường giao thông thuận lợi để bọn trẻ ra được tới trung tâm xã, được giao lưu với các bạn nhỏ ở điểm trường chính. Vì ở đây đã từng có những đứa trẻ sinh ra, lớn lên cho đến cả cuộc đời cũng chưa ra khỏi bản mình.

Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top