Xã hội hóa giáo dục ở Tuần Giáo

08:37 - Thứ Hai, 28/03/2022 Lượt xem: 6166 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo đã triển khai sâu rộng công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn. Nhờ vậy, điều kiện dạy và học đã có sự thay đổi đáng kể, tạo đà cho sự nghiệp giáo dục nơi đây ngày một khởi sắc.

Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, giáo viên và phụ huynh học sinh làm mới sân chơi tại điểm trường xã Phình Sáng.

Cô giáo Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phình Sáng, xã Phình Sáng cho biết: Trước đây nhà trường gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công tác duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng dạy và học. Là địa bàn vùng cao, trường có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Năm học 2021 - 2022, Trường có 11 lớp với 331 học sinh tại 3 điểm bản và 1 điểm trường trung tâm. Thực hiện phong trào xã hội hóa giáo dục, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân, phụ huynh học sinh tích cực đóng góp nguyên vật liệu, ngày công lao động tạo mặt bằng, xây dựng, tu sửa trường lớp học. Mới đây, từ nguồn kinh phí Chương trình Phát triển Vùng Tuần Giáo và một số cá nhân, tổ chức thiện nguyện, Trường Mần non Phình Sáng đã làm mới sân chơi tại 2 điểm trường Háng Khúa và Phình Sáng; xây dựng 1 khu rửa tay tại điểm bản Háng Khúa với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Đồng thời xây dựng mới 1 lớp học tại điểm Phiêng Hoa với kinh phí 130 triệu đồng. Cơ sở vật chất trường lớp học đảm bảo góp phần tạo điều kiện tốt cho học sinh đến trường cũng như nâng cao chất lượng dạy và học.

Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo cho biết: Với đặc thù của huyện vùng cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thời gian qua công tác xã hội hóa giáo dục được ngành đẩy mạnh. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp với các ban, nghành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương xã hội hoá giáo dục. Trước thực trạng cơ sở vật chất của các trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, một số trường xây dựng từ lâu đã xuống cấp, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện phê duyệt danh mục cải tạo nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất để đáp ứng công tác dạy và học. Đồng thời tranh thủ khai thác mọi nguồn vốn từ ngân sách cấp trên và huy động nhân dân đóng góp, các tổ chức xã hội ủng hộ... để kiên cố hoá trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học.

Nhờ được triển khai rộng rãi, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện đã thu hút sự quan tâm, tài trợ từ các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn. Điển hình như: Chi đoàn Học viện Cảnh sát Nhân dân hỗ trợ 1 phòng máy tính và nhiều áo ấm, dép, mũ với tổng kinh phí 120 triệu đồng; Công ty TNHH VJS Việt Nam hỗ trợ xây 1 phòng học tại điểm trường Phiêng Hoa, xã Phình Sáng trị giá 70 triệu đồng; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực I hỗ trợ xây dựng 1 thư viện và trao bổng, tặng nhiều áo đồng phục cho học sinh trị giá 200 triệu đồng… Từ sự đóng góp này và nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục, nhiều phòng học được xây dựng, tu sửa khang trang, hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top