ĐBP - Không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, các cơ sở giáo dục đang dừng học trực tiếp cho học sinh, sinh viên đi học trở lại đảm bảo công tác phòng, chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả, phù hợp; tăng cường phụ đạo, bổ sung kiến thức cho học sinh, sinh viên sau thời gian học trực tuyến. Tính đến ngày 30/3, toàn tỉnh đã có 442/482 cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp (chiếm 91,7% tổng số trường); 40/482 cơ sở giáo dục cho học sinh tạm dừng học trực tiếp.
Thời điểm cuối tháng 2, trong tháng 3/2022, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp nên nhiều cơ sở giáo dục phải cho học sinh, sinh viên tạm dừng đến trường, chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức khác để chống dịch. Giai đoạn dịch bệnh bùng phát từ cuối tháng 2/2022 đến nay, tại thời điểm đỉnh dịch, số cơ sở giáo dục tạm cho học sinh dừng đến trường nhiều nhất là 198/482 trường (chiếm gần 41,1% tổng số trường trên địa bàn toàn tỉnh) với 80.525/205.410 học sinh, sinh viên (chiếm 39,2%). Gần 40% cán bộ quản lý, giáo viên chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc điều hành Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Việc chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức khác nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp là phù hợp, song ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt trong điều kiện một số cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất… Để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học, chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn chủ động nắm bắt, cập nhật diễn biến dịch bệnh hàng ngày tại từng đơn vị, cơ sở giáo dục. Căn cứ tình hình dịch bệnh và các quy định hiện hành chủ động giải quyết cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục thuộc khu vực dịch bệnh bùng phát tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch. Chủ động rà soát, đôn đốc các cơ sở giáo dục cho học sinh đi học trở lại ngay sau khi tình hình dịch bệnh có chiều hướng giảm, được kiểm soát, hạn chế tối đa việc học sinh phải dừng học trực tiếp kéo dài. Tính đến hết ngày 28/3, toàn tỉnh đã có 430/482 cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp (chiếm 89,2% tổng số trường trên địa bàn toàn tỉnh), còn 52/482 cơ sở giáo dục cho học sinh tạm dừng học trực tiếp. 33/33 trường THPT hiện đã cho học sinh, sinh viên học trực tiếp trở lại (đạt 100%); cấp THCS có 108/122 trường (đạt hơn 88,5%) cấp tiểu học có 129/140 trường (đạt hơn 92,1%)…
Theo kế hoạch, ngày 4/4 tới đây tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức dạy học trực tiếp trở lại. Khi học sinh, sinh viên đi học trực tiếp trở lại, các cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra phân loại học sinh, phân công giáo viên ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã dạy học trực tuyến cho học sinh trước khi dạy trực tiếp kiến thức mới, đảm bảo đáp ứng yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng theo quy định. Chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh theo quy định; đảm bảo hoàn thành chương trình, hoàn thành kiểm tra, đánh giá, xếp loại, kết thúc năm học theo đúng kế hoạch.
Thực hiện tốt phương châm dạy học hiệu quả từng tiết học trên lớp, học đến đâu ôn tập, ôn thi đến đó; các trường THPT, Trung tâm GDTX tỉnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX cấp huyện tăng cường phụ đạo, ôn tập, ôn thi lớp 12 phù hợp với đối tượng học sinh. Tập trung ôn tập nội dung kiến thức chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức cơ bản lớp 10, 11 để học sinh nắm vững kiến thức lớp 12; khai thác, vận dụng kiến thức đã học trong chương trình theo yêu cầu cần đáp ứng các mức độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao; linh hoạt các phương án dạy học, ôn tập, ôn thi, đa dạng hóa các hình thức giao bài, kiểm tra, đánh giá; giáo viên tập trung chữa bài, hướng dẫn cách học, tự học, giải các dạng bài tập, trả lời các câu hỏi, kỹ năng làm bài tập trắc nghiệm. Hướng dẫn học sinh chủ động rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản ngay trong quá trình học; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung kế hoạch và thực hiện việc ôn tập theo từng giai đoạn giữa học kỳ II, cuối học kỳ II và đến khi thi tốt nghiệp THPT; đảm bảo khi học hết chương trình môn học lớp 12, học sinh đã có đề cương ôn tập hoàn chỉnh sắp xếp theo chủ đề, bám sát nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi. Tiếp tục rà soát, phân chia lớp/nhóm để tổ chức ôn tập, ôn thi phù hợp với đối tượng học sinh/học viên và điều kiện thực tế của đơn vị để tổ chức ôn tập, ôn thi phù hợp, hiệu quả; đặc biệt là học sinh, học viên có học lực yếu, kém, có nguy cơ trượt tốt nghiệp.