Từ năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu được áp dụng với học sinh lớp 10.
Ngoài các môn học bắt buộc chung, lần đầu tiên có các chuyên đề học tập để học sinh tự chọn. Việc có tới cả trăm cách chọn tổ hợp môn khiến các trường, giáo viên và học sinh lúng túng khi triển khai thực hiện.
Nguồn nhân lực khó bảo đảm
Khác với chương trình hiện hành, học sinh trung học phổ thông (THPT) phải học 13 môn học bắt buộc, thì nay sẽ chỉ có 7 môn bắt buộc và 5 môn lựa chọn. Định hướng này nhằm giảm quá tải và gần với lựa chọn nghề nghiệp, sở thích của học sinh trong tương lai. Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa cho việc chuẩn bị thực hiện chương trình, nhưng với các phương án chọn môn học và chuyên đề thì sẽ có 108 cách lựa chọn. Điều đó khiến phụ huynh, học sinh vẫn chưa biết sẽ lựa chọn tổ hợp môn học ra sao, còn nhà trường thì khó khăn trong triển khai khi cả cơ sở vật chất và nhân lực không đáp ứng được yêu cầu.
Theo chia sẻ của ông Lưu Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang), sẽ có những môn/tổ hợp môn rất nhiều học sinh lựa chọn dẫn đến quá tải và ngược lại, kéo theo khó khăn về đội ngũ giáo viên. Thời điểm này, trường không thể đáp ứng được việc xây dựng các tổ hợp môn nếu để học sinh lựa chọn tùy thích. Căn cứ vào nguồn giáo viên hiện có, trường xây dựng phương án dạy học và định hướng cho học sinh lựa chọn nhóm môn học phù hợp với điều kiện đội ngũ của trường.
Để đáp ứng được việc có tới hơn 100 tổ hợp môn học mà học sinh có thể có nhu cầu học, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, số tổ hợp và số lớp/mỗi tổ hợp do nhà trường quyết định bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Với cách này, các trường cần xây dựng từ 3 đến 6 tổ hợp để chuẩn bị cho năm học tới. Việc cho học sinh lựa chọn các tổ hợp môn học để học tập là theo một trong 3 định hướng nghề nghiệp mà chương trình đã thiết kế. Như vậy, học sinh được lựa chọn một trong số các tổ hợp của nhà trường chứ không phải chọn từng môn học.
Việc thay đổi lựa chọn cũng tương tự như việc học sinh xin chuyển trường đến trường mới không có tổ hợp môn đã học ở trường cũ là một thực tế. Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nếu học hết lớp 10 mà học sinh muốn đổi hẳn sang định hướng khác là vô cùng khó khăn. Học sinh phải học lại hầu hết các môn học lựa chọn ở lớp 10 mà trong khoảng thời gian hè khó có thể hoàn thành. Vì vậy, ngay từ đầu, học sinh phải cân nhắc kỹ với sự tư vấn, hướng dẫn của nhà trường và các bậc phụ huynh.
Nhiều giáo viên đặt vấn đề, nếu theo hướng dẫn đó, nhà trường sẽ chọn tổ hợp dựa vào những gì mình đang có chứ không căn cứ vào nhu cầu của học sinh. Như vậy, học sinh mất đi lựa chọn thực sự khi muốn học môn này mà buộc phải chọn môn học khác vì trường không có tổ hợp đó; liệu đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, tổ hợp môn học có thay đổi vào các năm tiếp theo để phù hợp với lựa chọn của học sinh? Một số ý kiến đề xuất xây dựng cách học theo kiểu tín chỉ như ở đại học. Người học chỉ cần tích lũy được bao nhiêu tín chỉ trong tổng số tín chỉ là có thể kết thúc năm học. Như vậy, họ được tự do lựa chọn nội dung học cũng như chủ động nếu có kế hoạch chuyển đổi ngành học. Mặt khác, số nguyện vọng học sinh theo từng phương án lựa chọn sẽ tăng, giảm khác nhau qua từng năm, để tránh sự thừa, thiếu giáo viên cục bộ, các trường trong cùng một tỉnh có thể liên kết điều chuyển giáo viên sao cho đáp ứng nhu cầu học của học sinh.
Cần có lộ trình
Nhìn nhận mục tiêu của chương trình rất rõ gồm năng lực chung, năng lực đặc thù và nhóm phát triển năng khiếu, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng, để áp dụng được ngay thì sẽ có nhiều trường gặp khó khăn do chưa đủ nhân lực, cơ sở vật chất. Bởi vậy, các trường phải tính toán làm sao để học sinh vẫn có thể lựa chọn được các tổ hợp, nhưng phải trên cơ sở khung định hướng của nhà trường. Trường THPT Yên Hòa từ trước đến nay đã sắp xếp học sinh theo lớp thiên về khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Nếu sau mỗi học kỳ, học sinh thấy không phù hợp, các em được quyền đổi. Tuy nhiên, với tổ hợp mới như hiện nay, trường lại phải nghiên cứu cách làm khác cho phù hợp để tư vấn cho học sinh và phụ huynh trước khi lựa chọn tổ hợp. Vì thế, mỗi nhà trường biết được mình có đội ngũ, cơ sở vật chất đến đâu để định hướng thật sát với học sinh.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho biết: Việc chương trình phổ thông hiện hành chuyển từ tiếp cận nội dung sang hướng tiếp cận năng lực theo chương trình mới với những môn học bắt buộc và tự chọn là xu hướng giáo dục trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, một chương trình mới, khi triển khai đều đòi hỏi có lộ trình, không thể nóng vội. Đổi mới cần dựa theo nguyên tắc phù hợp với khả năng đáp ứng của giáo dục Việt Nam, thậm chí khả năng đáp ứng của từng cơ sở giáo dục, chứ không phải là đổi mới hoàn toàn, mục đích cuối cùng là hướng tới người học. Cơ quan quản lý cần có phương án đổi mới với tiến độ và bước đi thích hợp để làm sao vừa bảo đảm theo hướng tiếp cận năng lực người học, vừa đáp ứng điều kiện tối đa hiện có.
Nhận xét về những thay đổi của chương trình mới với lớp 10, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho hay: Chương trình phổ thông của nhiều nước hiện nay cũng có những môn bắt buộc và các môn tự chọn theo sở thích của người học. Xu hướng này nhằm cá thể hóa người học. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn, học sinh được đội ngũ chuyên gia tư vấn để giúp các em đo lường, định hướng môn học theo sở trường, năng lực chứ không ép buộc người học.