ĐBP - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2022 sắp diễn ra. Bên cạnh việc tập trung ôn luyện cho các thí sinh, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông (THPT) luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm. Qua đó, góp phần giúp học sinh nhận biết khả năng của mình, chọn đúng nghề, phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội.
Để nâng cao nhận thức, định hướng cho học sinh lựa chọn nghề phù hợp, huyện Tuần Giáo đã triển khai nhiều giải pháp phân luồng, định hướng học sinh trong công tác hướng nghiệp. Trường THPT huyện Tuần Giáo hiện có 1.028 học sinh; ngoài nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học các môn học chính, Trường đã xây dựng kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh sát với thực tế, có tính khả thi, bài bản và khoa học. Thầy Nguyễn Anh Quân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn không ít phụ huynh học sinh áp đặt nghề nghiệp trong tương lai cho con em mình. Vì vậy, công tác hướng nghiệp cho học sinh, phụ huynh ngày càng cấp thiết”. Bước vào đầu mỗi năm học nhà trường cho học sinh đăng ký nguyện vọng theo các khối thi tốt nghiệp THPT để chia lớp theo nguyện vọng của học sinh, các lớp 10A1, 11B1, 12C1 theo khối tự nhiên nâng cao; lớp 10A2, 11B2, 12C2 theo khối xã hội nâng cao, các lớp còn lại theo khối xã hội cơ bản. Cùng với đó, mỗi tháng Trường tổ chức 1 buổi ngoại khóa tập trung để định hướng nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng cơ bản; 1 tiết/lớp/tháng dạy học hướng nghiệp; 2 tiết/lớp/tháng dạy hoạt động ngoài giờ lên lớp có lồng ghép định hướng nghề nghiệp cho học sinh... Ngoài ra, Trường phối hợp với các trường trong tỉnh với 306 học sinh lớp 12 tham gia sinh hoạt ngoại khóa, tư vấn hướng nghiệp; cụ thể như: Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên; các trường ngoài tỉnh, như: Đại học Tây Bắc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Thái Nguyên, Đại học Mỏ địa chất… với các ngành nghề như sư phạm, y tế, kỹ thật, công nghệ, cơ khí, chế tạo, kế toán, tài chính.
Để chọn được ngành học phù hợp, trước hết mỗi em học sinh phải có đam mê, yêu thích, muốn dành sức lực và tâm huyết để theo đuổi ngành, nghề đó. Em Quàng Thị Nguyệt, Lớp 12C2, Trường THPT huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Qua các buổi ngoại khóa, hướng nghiệp giúp em biết về tỉ lệ tìm được việc làm của từng ngành nghề sau khi tốt nghiệp chuyên nghiệp. Đây là những thông tin bổ ích giúp em có đăng ký phù hợp vào các trường đại học trong kỳ thi sắp tới. Em và gia đình sẽ tìm hiểu kỹ để có sự lựa chọn ngành nghề hợp lý nhất”.
Không chỉ ở Tuần Giáo mà các huyện trong tỉnh cũng chú trọng đến công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT. Tại Trường THPT Mường Luân (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đồng) đa số học sinh nhà trường là người dân tộc thiểu số, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên việc định hướng, tư vấn nghề nghiệp gặp không ít khó khăn. Thầy Trần Đình Quang, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường có 500 học sinh, trong đó 103 học sinh khối 12. Bên cạnh các tiết học giáo dục hướng nghiệp trong chương trình học chính khóa, Trường đã tổ chức cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề gặp mặt học sinh để định hướng nghề nghiệp và thông tin tuyển sinh hàng năm; cung cấp trang website của các trường đại học, cao đẳng để học sinh tìm hiểu (theo khảo sát hiện nhà trường có 20% học sinh có nguyện vọng thi vào đại học, cao đẳng, còn lại có nguyện vọng học nghề). Đồng thời, Trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi kinh nghiệm về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, tìm kiếm thông tin về thị trường lao động; giáo viên cũng tư vấn, giới thiệu, phân tích đặc điểm của một số ngành nghề, yêu cầu cần thiết để đáp ứng với từng lĩnh vực nghề; tổ chức các buổi sinh hoạt hướng nghiệp theo từng khối lớp, giúp các em nhận thức sâu sắc hơn về các ngành nghề để có sự lựa chọn cho tương lai...
Hiện toàn tỉnh có 33 trường THPT với gần 20.000 học sinh. Để tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, thời gian tới các trường THPT trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức việc phân luồng học sinh phổ thông cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh và trong cộng đồng. Đồng thời, công tác tư vấn hướng nghiệp được thực hiện bằng nhiều hình thức: lồng ghép vào các buổi sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp và một số môn học... Ngoài ra, các trường còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, để mỗi thầy, cô giáo là một tư vấn hướng nghiệp thực sự hiệu quả cho học sinh, đồng thời tổ chức tìm hiểu nguyện vọng, năng lực, khối thi mà học sinh quan tâm để kịp thời tư vấn, lựa chọn ngành, nghề phù hợp, tránh vì thiếu sự hiểu biết mà đăng ký ngành, nghề theo cảm tính. Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và các trung tâm, trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề phổ thông, các câu lạc bộ để phát triển năng khiếu góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh; tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp. Đặc biệt, cùng với nhà trường, các bậc phụ huynh học sinh cũng cần chủ động tìm kiếm thông tin để phân tích, định hướng cho con em mình lựa chọn ngành, nghề thích hợp để khi bước chân vào trường đại học, cao đẳng hay các trường dạy nghề học sinh có thể yên tâm với việc lựa chọn đúng ngành, nghề phù hợp...