Giáo dục học sinh từ ý thức trách nhiệm đến tình yêu dân tộc

08:03 - Thứ Năm, 14/04/2022 Lượt xem: 5600 In bài viết

ĐBP - Giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh trong giai đoạn hiện nay được xác định là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược, lâu dài; góp phần hình thành, phát huy những phẩm chất tốt đẹp về nhân cách cho mỗi học sinh khi còn trên ghế nhà trường.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Câu lạc bộ Dân ca - Dân vũ - Nhạc cụ - Trang phục dân tộc, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.

Tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm

Tại Trường THPT Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường thực hiện thường xuyên, triển khai hiệu quả việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa. Cùng với việc ban hành quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, nhiều hoạt động gắn với các phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”, cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” cũng được Đoàn trường đẩy mạnh tổ chức. Công tác phối hợp với các đơn vị, nhất là lực lượng công an để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cho học sinh; tác hại của ma túy và trách nhiệm của học sinh trong phòng chống ma túy;… được tăng cường thực hiện.

Cô giáo Đàm Thị Thanh Thảo, Bí thư đoàn Trường THPT Nà Tấu cho biết: Ban Chấp hành Đoàn trường đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn làm tốt việc giáo dục đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm cho học sinh. Để giúp học sinh hiểu về truyền thống cách mạng, trường đã tổ chức hành trình về nguồn, thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, về Đoàn; tổ chức tốt việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, để các em lựa chọn đúng đắn về ngành nghề sau khi tốt nghiệp. Trong các giờ học chính khóa, tích hợp giáo dục kỹ năng sống cho các em thông qua các môn học xã hội; tổ chức các phong trào nhân ái (lá lành đùm lá rách, kế hoạch nhỏ…) và các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đạt hiệu quả.

Nhận thấy việc giáo dục đạo đức, lối sống và ý thức trách nhiệm cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng, hàng năm, Trường THPT Thanh Nưa (huyện Điện Biên) đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền về luật giáo dục, luật giao thông, luật phòng chống ma túy đan xen với học tập điều lệ trường trung học, nội quy, quy chế nhà trường; phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh và tổ chức cho học sinh tham gia các công tác xã hội, hoạt động nhân đạo và gìn giữ vệ sinh môi trường. Thạc sĩ, Nhà giáo ưu tú Lê Thị Kiều Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc tăng cường công tác giáo dục tư tưởng đạo đức và ý thức trách nhiệm công dân cho học sinh được xây dựng thông qua giờ dạy môn Giáo dục công dân và lồng ghép trong giờ học chính khóa của các môn học khác. Để triển khai hiệu quả, trường biểu dương những gương điển hình tốt; kịp thời uốn nắn những hành vi, hiện tượng vi phạm quy định của nhà trường, giúp học sinh được định hướng và tự định hướng hình thành lối sống chuẩn mực, phù hợp. Ngoài ra, hưởng ứng phong trào thi đua “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, trường tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường coi đây là khâu then chốt, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc

Thực hiện đẩy mạnh phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa qua, Trường Tiểu học Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) đã tổ chức hoạt động trải nghiệm “Ngày hội văn hóa dân tộc Thái” với sự tham gia sôi nổi của đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh. Chương trình với nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi, phong phú, hấp dẫn như: Liên hoan văn nghệ của các em học sinh; trình diễn trang phục dân tộc Thái của 60 em học sinh đại diện cho 30 lớp; giới thiệu trưng bày sản phẩm văn hóa và du lịch đặc sắc của dân tộc Thái; vui chơi ném còn, múa sạp và múa xòe... đã giúp các em học sinh hiểu thêm về văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái.

Việc giáo dục và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được Trường triển khai qua nhiều hình thức như xây dựng các buổi trải nghiệm cho giáo viên và học sinh; triển khai dạy học hiệu quả môn Giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2; dạy học tích hợp và lồng ghép vào các môn học khác về lễ hội truyền thống của địa phương và giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc ở tất cả các khối lớp. Qua đó, giáo dục tình yêu và ý thức trong việc bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Là mái nhà chung của bao thế hệ học trò người dân tộc Thái, Mông, Cống, Khơ Mú… trong toàn tỉnh; Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn trao truyền cho học sinh tình yêu văn hóa để gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống dân tộc. Trường quy định tất cả học sinh phải mặc trang phục truyền thống dân tộc mình vào thứ 2 hàng tuần, các hoạt động ngoại khóa và vào các ngày lễ. Trường còn tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi dân gian; truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống của dân tộc và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc.

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc tăng cường giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vào từng hoạt động của nhà trường, đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình; tạo không khí thoải mái cho học sinh khi tham gia học tập, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top