Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Linh hoạt để tối ưu hiệu quả

12:39 - Chủ Nhật, 17/04/2022 Lượt xem: 5245 In bài viết

ĐBP - Triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tháng 1/2022 đã có 5.000 máy tính bảng và 5.000 sim 4G do ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt và Viettel Điện Biên tài trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được phân bổ đến phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) các huyện, thị, thành phố và 22 trường THCS, THPT trong toàn tỉnh. Không chỉ là giải pháp tình thế, hỗ trợ học sinh có phương tiện học tập, chương trình được triển khai hiệu quả đã truyền đi năng lượng tích cực, chắp cánh ước mơ cho nhiều trò nghèo vùng cao.

Học sinh Trường THCS Núa Ngam (huyện Điện Biên) được mượn máy tính theo từng buổi học và phải ký nhận, gắn trách nhiệm.

Hỗ trợ thiết thực cho học trò nghèo

Gia đình em Lò Minh Hưng, lớp 6A1, Trường THCS Núa Ngam (huyện Điện Biên) thuộc diện cận nghèo ở địa phương. Nhà có 2 anh em đang đi học nhưng chỉ có 1 thiết bị để học tập trực tuyến. Trong đợt học trực tuyến vừa qua, 2 anh em Hưng phải thay phiên nhau sử dụng điện thoại của mẹ để học, buổi sáng Hưng học còn chiều đến lượt em trai.

Học cùng lớp, lại vừa là “hàng xóm” với Hưng tại bản biên giới Nậm Hẹ, xã Hẹ Muông, em Lò Thị Thanh Trúc cũng gặp không ít khó khăn khi phải học trực tuyến. Trúc cho biết: Vì nhà nghèo nên em không có thiết bị để học trực tuyến. Mỗi lần đến giờ học, em phải chạy sang mượn điện thoại của ông bà, nhưng vì điện thoại cũ, pin yếu sập nguồn liên tục nên nhiều lúc em phải vừa sạc vừa học để việc tiếp thu bài giảng không bị gián đoạn.

Niềm vui thiết thực đã đến với Hưng và Trúc khi tháng 2 vừa qua, các em được mượn chiếc máy tính bảng từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Có máy tính bảng, việc học trực tuyến của các em trở nên thuận tiện hơn khi đường truyền mạng nhanh, ổn định và màn hình máy tính to nên dễ dàng quan sát đẩy đủ hướng dẫn của giáo viên. Cùng với Hưng và Trúc, 70 học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác tại Trường THCS Núa Ngam đã được hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến ổn định từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, giúp các em phấn khởi và tự tin hơn khi tham gia các giờ học trực tuyến.

Theo thầy giáo Phạm Trung Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Núa Ngam, sự hỗ trợ của chương trình đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho cả nhà trường, thầy cô và đặc biệt là học sinh. Nếu như trước kia, có những giờ học chỉ ghi nhận vài học sinh tham gia. Để đảm bảo chất lượng, giáo viên phải vất vả đến tận nhà giao bài, hướng dẫn thì nay tình trạng này đã không còn. Khi được hỗ trợ máy tính, các em tham gia học online đầy đủ và ổn định hơn, chất lượng giáo dục vì thế cũng được đảm bảo.

Tại Trường THPT Mường Ảng (huyện Mường Ảng), sau khi rà soát, trường có hơn 100 học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Vì vậy, khi được hỗ trợ 80 máy tính bảng đã giúp nhà trường tháo gỡ nhiều khó khăn trong tổ chức dạy học trực tuyến và mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh cũng như nhà trường, nhất là đối với học sinh khối 12.

Thầy giáo Trần Mạnh Linh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường đã ưu tiên hỗ trợ máy tính cho toàn bộ học sinh khối 12 có nhu cầu, vì các em đang bước vào giai đoạn quan trọng, khối lượng kiến thức lớn, việc học tập cần sự ổn định. Nhờ vậy, trong suốt gần 1 tháng triển khai dạy học trực tuyến vừa qua, rà soát cho thấy toàn bộ học sinh lớp 12 của trường đều tham gia đầy đủ và không có em nào bị gián đoạn.

Sử dụng hiệu quả thiết bị

Theo số lượng phân bổ năm 2022, Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên đã tiếp nhận 440 máy tính bảng, 440 sim Viettel. Để phát huy hiệu quả và sử dụng đúng mục đích chương trình, đơn vị đã chỉ đạo các trường thực hiện đồng bộ từ khâu thống kê, tổng hợp nhu cầu, đến phân bổ hỗ trợ hợp lý. Theo ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên, ngay khi tiếp nhận phòng tiến hành phân bổ ngay về các trường dựa trên nhu cầu đăng ký và cân đối thực tế. Mỗi trường đều ban hành quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng và bảo quản máy tính bảng, sim được hỗ trợ. Trong đó quy định rõ việc quản lý, bảo quản, sử dụng, trách nhiệm của nhà trường, học sinh và gia đình học sinh.

Từ ngày 4/4, Trường THCS Noong Luống đã trở lại dạy học trực tiếp, song số máy được hỗ trợ vẫn đang phát huy tối đa hiệu quả. Sau khi bộ phận tiếp nhận nhận lại máy tính sau thời gian cho học sinh mượn học trực tuyến tại nhà thì những máy tính này tiếp tục cho học sinh mượn để ôn tập kiến thức vào các buổi chiều; các em tham gia cuộc thi olimpic, giải toán trên mạng mà có nhu cầu đều được mượn máy để phục vụ ôn luyện.

Tại Trường THCS Núa Ngam, Ban Giám hiệu nhà trường xác định số máy tính bảng và sim viettel là nguồn hỗ trợ mang tính lâu dài, tạo cơ hội giúp học sinh và cả giáo viên nhà trường có thể nhập cuộc với những thay đổi của nền giáo dục số. Vì vậy, không thể để máy xếp kho, cứ học trực tuyến mới mang ra sử dụng, trường sẽ bố trí, sắp xếp cho các em mượn theo nhu cầu thực tế, phục vụ công tác dạy và học chung của nhà trường. Hiện tại, ngoài hơn 30 học sinh các khối tham gia cuộc thi olympic, giải toán trên mạng được mượn máy thì toàn bộ số học sinh thuộc diện F0, F1 không thể tham gia học trực tiếp, khi có nhu cầu cũng được bố trí mượn thiết bị để học tập.

Cùng với việc sử dụng hiệu quả máy tính bảng, trường đã linh hoạt nhiều giải pháp để đảm bảo máy được quản lý, bảo quản và phục vụ lâu dài như: Nhà trường chỉ tiến hành cho học sinh mượn máy theo từng buổi học; mỗi máy có dán tên cụ thể để gắn với trách nhiệm từng em; trước, sau khi mượn các em đều phải ký nhận rõ ràng.

Cô giáo Trần Thị Tươi, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc giao hẳn máy cho các em sẽ rất khó trong công tác quản lý, giáo viên không thể theo sát quá trình sử dụng để nắm bắt được là các em có dùng máy phục vụ học tập hay không. Chính vì vậy, vừa quản lý tốt vừa gắn trách nhiệm sẽ đảm bảo máy được sử dụng đúng mục đích, lâu bền và nhiều học sinh được thụ hưởng hơn. Việc sử dụng hiệu quả thiết bị được hỗ trợ không chỉ giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn mà còn khích lệ giáo viên, học sinh vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục trong mọi hoàn cảnh.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top