Thúc đẩy giáo dục vùng dân tộc thiểu số

05:30 - Thứ Hai, 18/04/2022 Lượt xem: 6533 In bài viết

ĐBP - Các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người học triển khai trên địa bàn huyện Điện Biên đã góp phần đắc lực giúp ngành Giáo dục và Đào tạo huyện huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường, duy trì sĩ số học sinh, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện học sinh.

Học sinh Trường THCS Thanh Luông tham gia Cuộc thi “Khoa học kỹ thuật” tạo sân chơi bổ ích, “kéo” học sinh tới trường. Ảnh: C.T.V

Việc triển khai các chính sách giáo dục tại huyện Điện Biên thời gian qua được thực hiện nghiêm túc. Cơ sở vật chất, phòng ở nội trú của học sinh được quan tâm đầu tư xây dựng; mạng lưới trường lớp được mở rộng từ trung tâm tới các thôn, bản khó khăn nhất, từ cấp học mầm non đến THPT. Các chế độ, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho học sinh được phổ biến tới từng gia đình có con em trong độ tuổi tới trường (chính sách hỗ trợ khoảng cách, hỗ trợ địa hình cách trở giao thông khó khăn, thực hiện mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tập trung cho học sinh...) đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác huy động, quản lý học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các xã. Học sinh tới trường được chi trả đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giáo dục theo quy định. Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, từ năm 2016 đến năm 2021 đã hỗ trợ tổng số 93.413 lượt học sinh. Nghị định 57/2017/NĐ-CP, ngày 9/5/2017 của Chính phủ về quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người, từ năm 2017 đến năm 2021 đã hỗ trợ tổng số 3.224 lượt học. Gần đây nhất là Nghị định 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; năm 2021 đã hỗ trợ 4.927 học sinh trên địa bàn huyện...

Thực hiện Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND, ngày 4/8/2016 của HĐND tỉnh về việc quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh đã được huyện Điện Biên chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai tới các trường thực hiện đảm bảo đúng, đủ, kịp thời các chính sách. Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh quy định về khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày; mức khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh đã giúp hàng nghìn học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày phải ở lại trường hoặc ở khu vực gần trường để học tập được thụ hưởng chính sách đầy đủ. Nhờ đó tỷ lệ huy động dân số trong các độ tuổi tới trường trên địa bàn huyện đạt cao, năm 2021 cấp mầm non huy động trẻ từ 3 tháng đến dưới 36 tháng tuổi đến nhà trẻ đạt 50,5%; trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo đạt 99,9%. Cấp tiểu học huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 và 6 - 10 tuổi đi học tiểu học đạt 99,9%. Cấp THCS huy động học sinh 11 tuổi vào lớp 6 đạt 98,1%; học sinh 11 - 14 tuổi học THCS đạt 97,9%. Cấp THPT huy động học sinh 15 tuổi vào lớp 10 đạt 72,5%; học sinh 15 - 18 tuổi học THPT đạt 67,3%.

Tuy nhiên, Điện Biên là huyện biên giới, kinh tế chậm phát triển, một số gia đình học sinh thoát nghèo song khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo rất mong manh. Vì vậy khi học sinh không thuộc hộ nghèo và ra khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn thì nhiều chế độ, chính sách không được thụ hưởng, gánh nặng chi phí lên gia đình học sinh nhiều hơn dẫn tới nguy cơ bỏ học tăng lên. Cụ thể, số học sinh DTTS bỏ học sau khi ra khỏi danh sách hộ nghèo và các xã đặc biệt khó khăn từ tiểu học lên đại học từ năm 2010 - 2021 ở khu vực I là 465 em; khu vực II là 119 em và khu vực III là 162 em. Điều đó cho thấy các chính sách hỗ trợ giáo dục vô cùng cần thiết cho học sinh học từ tiểu học lên đến đại học. Chính vì vậy cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ học sinh DTTS ở các cấp học để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Và sự cần thiết có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ cho học sinh người DTTS sau khi học xong THPT để các em có điều kiện tham gia học nghề; có chính sách hỗ trợ về việc làm đối với sinh viên sau tốt nghiệp đại học, cao đẳng, học nghề phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.

Gia Kiệt
Bình luận

Tin khác

Back To Top