Bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non

06:00 - Thứ Tư, 04/05/2022 Lượt xem: 5855 In bài viết

ĐBP - Sau thời gian phải nghỉ phòng chống dịch Covid-19, từ tháng 4, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã tổ chức cho trẻ mầm non trở lại học tập và ăn bán trú tại trường. Thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, các cơ sở giáo dục mầm non không chỉ chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà công tác phòng, chống dịch được các trường thực hiện nghiêm ngặt.

Bếp ăn tại Trường Mầm non Thanh Xương (huyện Điện Biên) thực hiện nghiêm quy trình một chiều để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Huyện Điện Biên bắt đầu tổ chức cho trẻ mầm non ăn bán trú từ đầu tháng 4, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo 26 trường mầm non phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế các xã tiến hành tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh trang thiết bị phục vụ việc tổ chức ăn bán trú, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Tại Trường Mầm non Thanh Xương (huyện Điện Biên), công tác phòng chống dịch luôn được Trường chú trọng nhằm bảo đảm đầy đủ các điều kiện khi trẻ ăn bán trú. Cô giáo Trịnh Thị Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có 553 trẻ, 100% ăn bán trú. Trường tổ chức tổng vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học hàng ngày, hàng tuần, vệ sinh đồ dùng dụng cụ, đồ chơi, phun thuốc khử khuẩn. Tổ chức hướng dẫn trẻ các kỹ năng phòng chống dịch (như rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trong khi học, chơi, ăn, ngủ...) 100% trẻ khi đến trường được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào cổng trường, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các lớp học với nhau. Trong các hoạt động ở trường, giáo viên đảm bảo thực hiện khuyến cáo 5K, bàn ghế được kê giãn cách, vui chơi ngoài trời được chia theo khu vực, thời gian cụ thể cho từng nhóm lớp, hạn chế tối đa học sinh các lớp tiếp xúc với nhau, giờ ăn, ngủ được bố trí phù hợp đảm bảo khoảng cách an toàn. Tại khu vực chế biến các bữa ăn bán trú, nhân viên phục vụ nhà bếp thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước và sau khi sơ chế, chế biến thực phẩm. Hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc, giáo dục trẻ được bảo đảm đã giúp phụ huynh học sinh yên tâm về chất lượng dạy và học bán trú.

Cùng với tăng cường phòng chống dịch Covid-19, việc tổ chức bữa ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non đã được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. Bên cạnh thực hiện nghiêm nội dung hướng dẫn của ngành, các trường chủ động hợp đồng với các đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm có uy tín; giám sát khâu giao nhận và kiểm soát sơ chế, chế biến thức ăn.

Năm học 2021 - 2022, Trường Mầm non Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) có 266 trẻ tại 9 lớp ăn bán trú. Để bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú cho trẻ, trường đã triển khai đầy đủ các nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm trong điều kiện phòng, chống dịch. Trường thường xuyên tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên và các phòng học, đặc biệt là khu vực bếp ăn. Cùng với thực hiện tốt quy trình bếp ăn một chiều, trường luôn giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn cho trẻ. Quan trọng nhất là khâu lựa chọn thực phẩm, trường ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm có uy tín, địa chỉ tin cậy; các sản phẩm cung cấp cho bếp ăn bảo đảm rõ nguồn gốc. Nhân viên phục vụ bếp ăn bán trú của trường đều có kinh nghiệm lâu năm và được tham gia tập huấn hàng năm.

Cô giáo Nguyễn Thị Lý, Hiệu trường nhà trường cho biết: Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tất cả các khâu từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia suất ăn cho trẻ. Thức ăn hàng ngày được trường lưu mẫu đủ 24 giờ theo đúng quy định và có sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ. Để bảo đảm giãn cách trong tổ chức ăn bán trú, trường tổ chức cho trẻ ăn tại lớp; thực hiện giãn khoảng cách giữa các bàn ăn và số trẻ ngồi trong 1 bàn.

Một trong những biện pháp quan trọng là cải thiện chế độ dinh dưỡng, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày, góp phần tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho trẻ. Ngoài số tiền phụ huynh đóng góp, trường tận dụng các nguồn rau, củ sạch trồng tại vườn trường để bổ sung vào bữa ăn của trẻ, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau củ để bổ sung vitamin. Giáo viên tích cực, thường xuyên xây dựng các video clip hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà, tập trung vào các nội dung cốt lõi của từng độ tuổi... để duy trì hoạt động cho trẻ giống như khi ở trường.

Để việc tổ chức ăn bán trú đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, thời gian tới, các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm trong tiếp nhận, sơ chế, chế biến thực phẩm; thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng chống dịch tại trường, đặc biệt là trong quá trình ăn uống của trẻ và hoạt động giao tiếp hàng ngày tại các nhà trường.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top