Thay đổi phương pháp dạy và học môn Lịch sử

05:51 - Thứ Năm, 12/05/2022 Lượt xem: 7914 In bài viết

ĐBP - Năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bắt đầu triển khai đối với lớp 10. Theo đó, môn Lịch sử sẽ chính thức thuộc nhóm môn do học sinh tự chọn. Việc không bắt buộc học sinh học môn Lịch sử đã đặt ra những vấn đề về thay đổi phương pháp và học môn Lịch sử thế nào để “hút” học sinh thực sự yêu thích môn học này.

Cô giáo Lê Thị Hằng trong một giờ ôn luyện học sinh giỏi môn Lịch sử tại Trường THPT Thanh Nưa (huyện Điện Biên).

Với hơn 20 năm làm nghề, cô giáo Phạm Thị Thanh Mai, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Nhà (huyện Điện Biên) luôn tâm niệm, dù ở giai đoạn nào, môn học Lịch sử được xem là cái gốc để giáo dục con người, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tư tưởng và tinh thần của mỗi người. Thời gian gắn bó với nghề “phấn trắng bảng đen”, cô nhận thấy nhiều học sinh chưa hứng thú với môn học Lịch sử, thái độ học tập mang tính đối phó, nặng về ghi nhớ máy móc... Trước thực tế đó, cô Mai hiểu rằng, để môn học Lịch sử trở nên hấp dẫn, học sinh không “quay lưng” với Lịch sử phụ thuộc phần lớn vào kỹ năng truyền cảm hứng của giáo viên.

Cô Mai chia sẻ: Mỗi giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy hướng tới việc nâng cao chất lượng, trang bị kiến thức đồng thời giúp học sinh phát huy năng lực của bản thân. Thay vì truyền đạt thông tin theo giáo án khiến học sinh nhàm chán, không có hứng thú với giờ học, môn học; giáo viên nên chủ động khơi gợi cảm xúc của học sinh với từng chi tiết lịch sử cụ thể; giới thiệu những hình ảnh, tư liệu liên quan đến bài giảng để tạo sự hứng thú cho học sinh.

Còn tại Trường THPT Thanh Nưa (huyện Điện Biên), nơi có gần 97% học sinh lớp 12 đăng ký tổ hợp xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, môn Lịch sử là bộ môn được đông đảo học sinh lựa chọn. Theo cô Lê Thị Hằng, giáo viên môn Lịch sử, đây là bộ môn có thể học thuộc, chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ, chịu khó nên phù hợp với đa phần học sinh của trường. Về Chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Hằng cho rằng: Với chương trình mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai, ở các cấp tiểu học, THCS, học sinh đã nắm những kiến thức nền về Sử. Lên đến cấp THPT chủ yếu là định hướng nghề nghiệp, các em sẽ lựa chọn tổ hợp môn phù hợp để phân luồng, hướng nghiệp. Chính vì thế, việc học sinh không lựa chọn ưu tiên đối với môn này ở cấp THPT không đồng nghĩa với việc các em quay lưng lại, hoặc không biết gì về lịch sử.

Với đặc thù phần lớn học sinh lựa chọn tổ hợp xã hội nên ngoài việc bổ sung kiến thức lịch sử trên lớp, trường cũng tổ chức tìm hiểu kiến thức lịch sử qua các tiết chào cờ, sinh hoạt, giáo dục ngoài giờ cho học sinh. Mỗi hoạt động là một nội dung, tìm hiểu một sự kiện hay một nhân vật lịch sử, cũng có thể là nhiều nội dung, nhiều sự kiện lịch sử. Qua các hoạt động để giáo dục học sinh, gắn học đi đôi với hành, giúp học sinh hiểu rõ hơn nội dung các bài học lịch sử.

Cô giáo Lê Thị Kiều Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Nưa cho biết: Khi đưa vào triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là bản thân người dạy và học đều đã phải thay đổi. Nhiệm vụ của thầy cô hiện nay không đơn thuần là dạy kiến thức, mà phải trở thành người hướng dẫn và rèn cho học sinh kỹ năng, phương pháp để tự chủ động tiếp cận, lĩnh hội kiến thức. Mục tiêu hướng tới là đào tạo con người phát triển toàn diện. Chính bởi vậy, cũng như nhiều môn học khác, học sử không thể phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa, hay các bài giảng cứng nhắc trong chương trình, mà học sinh phải biết cách tiếp cận từ nhiều nguồn. Trong bối cảnh này, giáo viên chính là người dẫn dắt, để các em biết cách tiếp cận, chọn lọc kiến thức mình đang thiếu.

Để việc dạy và học môn Lịch sử hiệu quả hơn, ngoài sự nỗ lực thay đổi của giáo viên thì bản thân mỗi một học sinh cần thay đổi cách nhìn nhận môn Lịch sử chỉ là môn học thuộc lòng và nên tự học, bổ sung kiến thức thông qua mạng xã hội. Học sinh Tạ Phương Anh, Trường THPT Phan Đình Giót cho rằng, muốn học sinh hứng thú học sử, giáo viên hãy tìm cách tạo ra không khi vui vẻ, hài hước trong giờ học, không nên truyền đạt những kiến thức khô khan mà hãy giảng dạy truyền cảm, đưa thông tin về các trận đánh, nhân vật lịch sử hấp dẫn bằng các hình ảnh, đoạn video sinh động, dễ nhớ. Trong giảng dạy, em thích thầy cô liên hệ bài giảng của mình với đời sống thực tế. Có như vậy, chúng em mới cảm thấy môn Lịch sử không hề nhàm chán. Ngoài ra, khi được tham gia những chuyến đi dã ngoại, tham quan di tích Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ do trường tổ chức, chúng em cảm thấy rất vui và thích thú.

Với lợi thế là mảnh đất của lịch sử, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã áp dụng hiệu quả giải pháp dạy học trải nghiệm. Hàng năm, Sở đều xây dựng và triển khai chương trình phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ban Quản lý di tích tỉnh tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm, triển lãm phim, ảnh về lịch sử… Bà Lò Thị Thời, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc trải nghiệm thực tế luôn thu hút sự hứng thú của đông đảo học sinh, với đa dạng các chủ đề: Kể chuyện chiến sĩ Điện Biên; đi tìm chân dung các anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ... Nhằm hỗ trợ hoạt động khám phá của học sinh, thầy cô giáo đã chủ động sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, băng đĩa, xây dựng hệ thống tư liệu về lịch sử cho từng chủ đề dạy học cụ thể. Qua đó, giúp cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng các nguồn học liệu thực tế này trong dạy học đối với sự hình thành kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển năng lực học sinh. Cùng với tổ chức các hoạt động trải nghiệm, chương trình giáo dục, học tập lịch sử địa phương đã được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường nhằm khơi dậy tình yêu lịch sử trong mỗi học sinh.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top