Ở Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ là cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, là tiền đề quan trọng để xây dựng các mô hình học tập.
Đó là phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tại hội thảo quốc gia với chủ đề “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập”, diễn ra sáng 24/5, tại Hà Nội, do Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào việc đầu tư phát triển nền giáo dục hiện đại, thể hiện trong chiến lược phát triển một xã hội học tập mà về bản chất đó là nền giáo dục mở, tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người, ai cũng có thể học hành cũng như tạo cơ hội để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh rõ hơn mục tiêu của “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Tuy nhiên, việc thực hiện đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn không ít những hạn chế và tổ chức thực hiện: Đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa quyết liệt. Ở Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ là cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, là tiền đề quan trọng để xây dựng các mô hình học tập.
Thời gian tới, Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị hội thảo cần tập trung làm rõ thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực theo mô hình “Công dân học tập” ở các ngành, các lĩnh vực, các nhóm đối tượng lãnh đạo, quản lý, người lao động; đặc biệt là chất lượng nhân lực đội ngũ cán bộ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đồng thời, chỉ ra được bất cập, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; trong việc triển khai, lồng ghép một số chuyên đề vào chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, trung tâm bồi dưỡng chính trị.
Theo GS, TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn cách mạng được Đảng ta coi là vấn đề cốt lõi, là nguồn vốn quan trọng và của cải đích thực của đất nước. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao hiện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Các chỉ tiêu cần đạt được về nhân lực chất lượng cao hầu như chưa đạt được mục tiêu đề ra. Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng xã hội học tập đến năm 2021 chỉ ra: Có tới ba trong bốn chỉ tiêu không hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.
Nhiệm vụ của hội thảo là phân tích, làm rõ thực trạng của chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ của tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội. Hội thảo cũng cần khẳng định: Nếu một công dân (người lao động) đạt được 10 tiêu chí thì chất lượng nguồn nhân lực có được nâng lên hay không? Có đáp ứng được yêu cầu cách mạng 4.0 và Chính phủ số trong bối cảnh hội nhập hay không?