Chú trọng công tác tư vấn tâm lý học đường

05:55 - Thứ Tư, 25/05/2022 Lượt xem: 6437 In bài viết

ĐBP - Xác định vai trò quan trọng của công tác tư vấn tâm lý học đường nhằm giúp phòng ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với học sinh gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tư vấn học đường tại các trường học nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống.

Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ triển khai công tác tư vấn trên fanpage của trường.

Toàn tỉnh hiện có 148/148 trường tiểu học, 120/120 trường THCS và 33/33 trường THPT có tổ tư vấn tâm lý, đạt 100%. Các cơ sở giáo dục đã bố trí phòng hoặc góc tư vấn tâm lý phù hợp với đặc điểm tâm lý học sinh, đảm bảo tính giáo dục, thân thiện, thuận lợi để giáo viên làm công tác tư vấn thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Tổ tư vấn học đường các trường đã kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm lý học sinh; giúp học sinh vượt qua trở ngại về tâm lý để tiếp tục học tập. Các trường xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ tư vấn; lấy thông tin học sinh qua phiếu thông tin, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy bộ môn, phụ huynh, bạn bè để nắm bắt khó khăn học sinh đang gặp phải, xác định nội dung cần tư vấn. Từ thông tin nắm được, tổ tư vấn học đường phân công thành viên gặp gỡ, động viên, trò chuyện với học sinh để giải quyết khó khăn cho các em. Đặc biệt, các trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các tiết chào cờ, các tiết học giáo dục kỹ năng sống; các hoạt động ngoài giờ lên lớp về phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống tai nạn thương tích... Thông qua việc tuyên truyền, nhiều học sinh có vấn đề về tâm lý đã hòa đồng với bạn bè, biết chia sẻ, không rụt rè, không sợ hãi, không có biểu hiện tăng động, tự kỷ.

Đối với học sinh phổ thông, lứa tuổi với đặc điểm tâm sinh lý đang phát triển mạnh, nhận thức các vấn đề trong cuộc sống chưa đầy đủ thì công tác tư vấn học đường nắm vai trò rất quan trọng. Nhằm tạo điều kiện cho học sinh được bày tỏ suy nghĩ, trao đổi tâm tư tình cảm và giải tỏa những thắc mắc trong cuộc sống, trong học tập, trong quan hệ bạn bè, thầy trò hoặc những vấn đề về tâm lý, giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên... các trường xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh dưới các hình thức.  Có thể tổ chức tư vấn trực tiếp giữa cán bộ tư vấn và cá nhân học sinh; tư vấn gián tiếp thông qua email, fanpage; tương tác đám đông, lồng ghép vào các tiết sinh hoạt, các hoạt động ngoại khóa...

Thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, nhiều trường tổ chức dạy tích hợp các nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh trong các môn học chính khóa; tổ chức tuyên truyền giáo dục dưới hình thức làm video clip với các chủ đề “phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người”; vẽ tranh với chủ đề “truyền thông kiến thức về giới, phòng chống bạo lực học đường”; tuyên truyền trên fanpage; giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phối hợp trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh trên internet như zalo, facebook. Điển hình như Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ...

Có thể nói rằng, công tác tư vấn tâm lý học đường đã được trường học quan tâm đúng mức và đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện, công tác tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục vẫn còn những hạn chế nhất định. Đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý làm nhiệm vụ kiêm nhiệm còn hạn chế về thời gian; chưa được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về “tâm lý học” hoặc “tâm lý lứa tuổi” và “kỹ năng tư vấn” nên chưa giải quyết thỏa đáng những nhu cầu, nguyện vọng của học sinh. Việc kết nối nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng thúc đẩy hoạt động công tác xã hội trong trường học còn hạn chế. Tài liệu hỗ trợ cho công tác tư vấn còn thiếu thốn; một số học sinh chưa mạnh dạn nhờ thầy cô can thiệp, chia sẻ hay giúp đỡ...

Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường cần tiếp tục xây dựng các chuyên đề tư vấn tâm lý phù hợp với tâm sinh lý cho học sinh; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, tài liệu cho các hoạt động tư vấn tâm lý; xây dựng lộ trình bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý hàng năm và giai đoạn. Thường xuyên xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong việc thực hiện công tác tư vấn tâm lí trong trường học... Việc nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lý cùng với các hoạt động giáo dục khác góp phần tích cực trong việc giáo dục học sinh hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực toàn diện.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top