Chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

06:16 - Thứ Ba, 07/06/2022 Lượt xem: 6610 In bài viết

Chỉ còn một tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2022 sẽ chính thức diễn ra. Vì vậy, ngay sau khi học sinh các cấp, bậc học chính thức kết thúc năm học 2021-2022 (ngày 31/5), ngành giáo dục đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để học sinh lớp 12 THPT dự thi đạt kết quả tốt nhất.

Giám thị kiểm tra thông tin thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2021 tại điểm thi Trường THCS Nghĩa Tân (Hà Nội). (Ảnh DUY ĐĂNG)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức vào ngày 7 và 8/7 với hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến là 934.186 em (chiếm 93,32%); thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp là 66.827 em (chiếm 6,68%).

Triển khai nhiều giải pháp

Kỳ thi năm nay được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi, nhất là lần đầu thí sinh đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến.

Đáng chú ý, để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc ở tất cả các khâu, công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng. Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nắm bắt tình hình tổ chức thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế. 

Vì vậy, nội dung thanh tra, kiểm tra khá toàn diện ở tất cả các khâu của kỳ thi gồm: Công tác chuẩn bị tổ chức thi; in sao đề thi; coi thi; chấm bài thi tự luận; chấm bài thi trắc nghiệm; phúc khảo bài thi; xét công nhận tốt nghiệp THPT. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, giảm áp lực, công bằng, khách quan theo quy định. Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố, các sở giáo dục và đào tạo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. 

Đáng chú ý, những người tham gia thanh tra, kiểm tra yêu cầu phải có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm; liêm khiết, trung thực, công minh khách quan; có trình độ chuyên môn phù hợp yêu cầu và nhiệm vụ của thanh tra giáo dục; đã tham dự tập huấn và nắm vững quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và đạt yêu cầu bài kiểm tra đánh giá.

Không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo mà các địa phương cũng tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi tại địa phương bảo đảm các quy định phòng, chống dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự; xây dựng phương án tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân của thí sinh ở tất cả các điểm thi; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hoặc đi lại khi dự thi; trường hợp phát sinh tình huống bất khả kháng cần xử lý kịp thời, phù hợp thực tế, bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh.

Điển hình, tại Hà Nội có gần 98 nghìn thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố dự kiến sẽ có 181 điểm thi với 4.070 phòng thi và điều động khoảng 11 nghìn cán bộ giáo viên coi thi. Các điểm thi sẽ được bố trí hợp lý nhất để vừa bảo đảm thuận tiện cho thí sinh, vừa bảo đảm thuận lợi, an toàn cho công tác tổ chức thi. 

Ban Chỉ đạo thi của thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra các khâu chuẩn bị cho kỳ thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, xét duyệt kết quả. Tăng cường công tác truyền thông nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi; giải đáp đầy đủ, kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và của người dân về những nội dung liên quan kỳ thi; giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh, động viên tinh thần tự tin, trung thực và thái độ ứng xử văn minh, nghiêm túc trong kỳ thi. 

Tại tỉnh Nam Định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có 19.864 thí sinh dự thi. Ban Chỉ đạo thi tỉnh Nam Định triển khai tổ chức 35 điểm thi chính thức, gồm 846 phòng thi, ngoài ra còn có 20 điểm thi dự phòng, gồm 404 phòng thi với tổng số 3.052 cán bộ tham gia công tác thi.

Bảo đảm quyền lợi thí sinh mắc Covid-19

Đáng chú ý, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra trong bối cảnh bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Vì vậy, để kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các phương án để cả những thí sinh mắc Covid-19 có thể dự thi. 

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại điểm thi Trường THPT Than Uyên, tỉnh Lai Châu. (Ảnh QUÝ TRUNG) 

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, thí sinh thuộc diện F0, có giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Nếu thí sinh F0 có nguyện vọng tham dự thi tốt nghiệp THPT thì nộp đơn xin dự thi, cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19, được cha, mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận đồng ý. Các thí sinh này được hội đồng thi bố trí dự thi tại các phòng thi riêng đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.  

Đối với thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, Hội đồng thi bố trí cho các em dự thi tại phòng thi riêng, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Trong trường hợp việc bố trí phòng thi riêng cho các thí sinh này gặp khó khăn, vướng mắc, Hội đồng thi tổ chức xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh) cho thí sinh vào ngày 6/7 để làm căn cứ bố trí phòng thi. Trong đó, thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh âm tính được dự thi cùng với các thí sinh không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh dương tính được Hội đồng thi bố trí thi cùng với thí sinh thuộc diện F0 tại phòng thi riêng. Thí sinh thuộc diện F1 được tham dự kỳ thi cùng với các thí sinh không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các hội đồng thi  bố trí tại mỗi điểm thi phòng thi riêng dành cho các đối tượng thí sinh thuộc diện F0 và ca bệnh nghi ngờ bảo đảm cách biệt với các phòng thi khác của điểm thi và đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thí sinh dự thi tại phòng thi riêng được đánh số thứ tự mới. 

Theo đó, vị trí của thí sinh được sắp xếp phù hợp với quy định đánh số báo danh của điểm thi. Bố trí đủ số lượng cán bộ coi thi và cán bộ giám sát cho các phòng thi riêng tại các điểm thi. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết bảo đảm cho cán bộ coi thi, cán bộ giám sát các phòng thi riêng thực hiện nghiêm túc việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 (như sử dụng quần áo bảo hộ, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, thường xuyên rửa tay với xà-phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh). 

Tổ chức phương án giao nhận đề thi và thu bài thi của các phòng thi riêng tại mỗi Điểm thi bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Khi hết giờ làm bài, cán bộ coi thi tại phòng thi riêng thu bài thi, sắp xếp, kiểm đếm bài thi của thí sinh; sau đó, cùng cán bộ giám sát niêm phong túi đựng bài thi của phòng thi và khử khuẩn để bàn giao nguyên túi đựng bài thi đã niêm phong cho trưởng điểm thi ngay khi kết thúc mỗi buổi thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu triển khai vệ sinh khu vực thi và phòng thi trước và ngay sau khi kết thúc công tác coi thi của kỳ thi. Đặc biệt lưu ý các phòng thi riêng phải được vệ sinh khử khuẩn ngay sau khi kết thúc mỗi buổi thi. Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng; có đủ nước sạch và xà -phòng tại khu vực vệ sinh; bố trí thùng đựng rác có nắp đậy để thu gom, xử lý rác bảo đảm vệ sinh…

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top