Mường Chà lựa chọn SGK phù hợp với thực tế địa phương

08:45 - Thứ Sáu, 17/06/2022 Lượt xem: 7795 In bài viết

ĐBP - Thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông năm học 2022 - 2023, đối với lớp 3, lớp 6 và lớp 10. Đến thời điểm hiện tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Mường Chà đã nghiên cứu, xem xét, lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và thực tế giảng dạy tại địa phương, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Họp triển khai lựa chọn SGK của Trường THPT Mường Chà (huyện Mường Chà).

Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mường Chà đã ban hành văn bản, hướng dẫn; triển khai Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Phòng chỉ đạo các trường học trên địa bàn thông báo kịp thời danh mục SGK lớp 3, lớp 7 đến học sinh, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương; hướng dẫn sử dụng SGK theo quy định hiện hành; tuyên truyền, giới thiệu để nhân dân hiểu, đồng thuận và có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ bộ SGK cho con em trong năm học tới.

Phòng chỉ đạo các trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham gia lựa chọn SGK theo nguyên tắc: Những bộ SGK trong danh mục đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt; mỗi môn học ở một khối lớp lựa chọn một hoặc một số SGK. Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Các trường hướng dẫn giáo viên nghiên cứu, đánh giá các bản mẫu SGK để đề xuất với tổ chuyên môn lựa chọn SGK theo quy định. Mỗi giáo viên có bản nhận xét về các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách, kịp thời báo cáo tổ trưởng tổ chuyên môn và lãnh đạo nhà trường nếu phát hiện trong SGK có nội dung chưa phù hợp để báo cáo lên cấp trên.

Ông Trần Hồng Quân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Chà cho biết: Qua triển khai nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học theo tiêu chí lựa chọn SGK, Phòng GD&ĐT đã nhận được báo cáo kết quả lựa chọn danh mục SGK lớp 7 năm học 2022 - 2023 của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện. Quyết định lựa chọn bộ SGK “Kết nối trí thức với cuộc sống” của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam để sử dụng cho năm học 2022 - 2023. Các bộ sách được lựa chọn có ưu điểm: Cấu trúc sách, bài học rõ ràng, cụ thể, dễ phân biệt các phần; thể hiện rõ các mạch nội dung; nội dung sách tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên khai thác, lựa chọn phương án, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học tích cực phù hợp với khả năng nhận thức và tâm lí học sinh. Nội dung SGK đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp, liên môn, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn địa phương. Trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình...

Ở bậc học THPT, năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, với lớp 10. Công tác triển khai lựa chọn SGK mới trên địa bàn huyện Mường Chà được các trường THPT triển khai theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Thầy giáo Phùng Việt Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mường Chà cho biết: Dự kiến năm học 2022 - 2023, trường có 21 lớp, 850 học sinh (khối 10 có 8 lớp, 320 học sinh). Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Ban giám hiệu đã quán triệt đến tất cả giáo viên nhà trường nghiên cứu để nắm rõ quy trình lựa chọn SGK. Việc nghiên cứu SGK được trường thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng. Sau khi nghiên cứu, thảo luận, đánh giá SGK, tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn báo cáo Hiệu trưởng danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục SGK được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn… Sau khi nghiên cứu tổng thể các bộ SGK, nhà trường nhận thấy bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phù hợp hơn với học sinh của địa phương.

Bộ sách có ưu điểm: Nội dung SGK đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương. Cấu trúc sách, bài học rõ ràng, cụ thể, dễ phân biệt các phần bằng logo, biểu tượng của phần mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng, củng cố, đánh giá; thể hiện rõ các mạch nội dung, giúp Trường dễ dàng xây dựng kế hoạch và bố trí thời khóa biểu phù hợp. Đặc biệt nội dung SGK có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại trường. Hệ thống câu hỏi, bài tập trong SGK được thiết kế linh hoạt có thể áp dụng vào điều kiện thực tiễn của địa phương, giúp học sinh ôn tập, củng cố và phát triển năng lực, phẩm chất; tạo điều kiện để trường, các tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh…

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top