Nậm Pồ tu sửa cơ sở vật chất trước thềm năm học mới

08:31 - Thứ Tư, 10/08/2022 Lượt xem: 6523 In bài viết

ĐBP - Bước vào năm học 2022 - 2023, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Nậm Pồ được đầu tư kịp thời, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh trong huyện. Hiện nay, các trường đang gấp rút hoàn thành các hạng mục được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị và dọn dẹp vệ sinh nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất để đón các em học sinh vào năm học mới.

Cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT TH-THCS Vàng Đán chuẩn bị cơ sở vật chất, dọn dẹp vệ sinh cho năm học mới.

Năm học 2022 - 2023, thầy và trò Trường PTDTBT TH-THCS Nậm Nhừ vui mừng hơn bao giờ hết khi được về ngôi trường mới khang trang, hiện đại. Thầy Lê Trung Hiến, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 - 2023 trường được sáp nhập và đầu tư xây mới với thiết kế hiện đại, công trình hoàn thành và đi vào sử dụng với quy mô 3 tầng với 6 phòng học. Các lớp học rộng rãi, thoáng mát, đảm bảo diện tích cho học sinh hoạt động.

Vàng Đán là xã đặc biệt khó khăn của Nậm Pồ, khi thành lập huyện, xã chỉ có duy nhất 1 trường tiểu học với 30 lớp, 468 học sinh, không có trường mầm non và trường THCS. Đến năm 2018, Vàng Đán có thêm 1 trường mầm non đi vào hoạt động. Nhiều năm, hơn 350 em học sinh cấp THCS của xã Vàng Đán phải đi học nhờ tại các xã Nà Hỳ, Nà Bủng. Năm 2020, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã phối hợp với chính quyền huyện Nậm Pồ tiến hành khảo sát thực tế xây dựng Trường PTDTBT TH-THCS Vàng Đán. Sau gần 2 năm xây dựng, ngôi trường đã được hoàn thiện. Theo đó, công trình gồm các hạng mục: Nhà hiệu bộ, nhà lớp học (10 phòng), nhà nội trú của học sinh (2 nhà, 6 gian) và các hạng mục phụ trợ (sân bê tông, bậc lên xuống, cấp điện tổng thể)… được thi công đảm bảo về kỹ thuật và mỹ thuật. Cơ sở vật chất được hoàn thiện khang trang, sạch đẹp đã góp phần thiết thực hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học và dạy; nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ.

Thầy Nguyễn Tiến Thành, Hiệu trường Trường PTDTBT TH-THCS Vàng Đán cho biết: Với cơ sở vật chất mới, khang trang thì năm học 2022 - 2023, trường đón hơn 900 học sinh với tổng số 33 lớp ở cả 2 cấp. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay sau khi giáo viên trả phép (1/8), Ban Giám hiệu chỉ đạo cán bộ giáo viên và nhân viên tích cực dọn dẹp cảnh quan, trường lớp sạch sẽ, tu bổ bồn hoa cây cảnh, trang trí lại lớp học ngăn nắp, gọn gàng. Đồng thời, đốc thúc đơn vị thi công hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ còn dang dở như nhà bán trú, nhà bếp, nhà ăn, công trình vệ sinh... của học sinh khối THCS. Và các hạng mục sẽ hoàn thành trước 1/9 để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo ở mức tối thiểu cho các em học sinh bán trú.

Toàn huyện Nậm Pồ hiện có 43/45 trường học với tổng số 833 lớp, tăng 11 lớp. Trong đó, có 768/835 phòng học, 74/104 phòng bộ môn, 217/251 phòng công vụ, 513/639 phòng ở nội trú cho học sinh và 319/347 công trình vệ sinh. Thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu cho UBND huyện, các phòng, ban liên quan huy động các nguồn vốn, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đầu tư mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học, sách giáo khoa, sách tham khảo cho thư viện các đơn vị trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Ngay sau khi kết thúc năm học 2021 - 2022, Phòng đã chỉ đạo các trường khảo sát nhu cầu tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm mới trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, sách giáo khoa, vở viết phục vụ năm học mới. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện cơ bản đã đảm bảo phục vụ tốt cho năm học mới. Ngoài việc sửa chữa, nâng cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước, Phòng Giáo dục và Đào tạo còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, quyên góp sức người, sức của để xây mới, sửa chữa nhiều lớp học và các hạng mục phụ trợ khác, góp phần tạo cảnh quan trường học từ điểm trung tâm đến các điểm bản. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, đã xây mới được 4 phòng học, 4 phòng công vụ từ nguồn vốn xã hội hóa giáo dục tại các xã: Nậm Nhừ, Si Pa Phìn, Nậm Tin, Pa Tần trị giá 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường lớp, nhà ở giáo viên, bếp ăn, các công trình phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú còn tạm bợ, thiếu thốn chưa đáp ứng được yêu cầu; các trường đang xây dựng trường chuẩn quốc gia còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất theo quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BGD quy định chuẩn cơ sở vật chất. Kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, sách giáo khoa cho các trường còn ít, chưa đáp ứng được hết nhu cầu dạy và học.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top