Sẵn sàng bước vào năm học mới với nhiều thay đổi

07:30 - Thứ Năm, 25/08/2022 Lượt xem: 7586 In bài viết

ĐBP- Năm học 2022 - 2023, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sẽ được tiếp tục triển khai ở các khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10 với rất nhiều thay đổi trong nội dung, phương pháp dạy và học. Để bảo đảm chất lượng, đồng thời giúp học sinh dễ làm quen, tiếp cận chương trình, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh ta đã chủ động chuẩn bị các điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ cho năm học mới.

Giáo viên Trường THPT Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) hướng dẫn, tư vấn học sinh trúng tuyển vào lớp 10 đăng ký tổ hợp môn học tự chọn theo chương trình mới.

Thay đổi kèm theo thách thức

Chương trình GDPT mới chia làm 2 giai đoạn gồm: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12). Đối với chương trình lớp 3, một trong những điểm mới đáng chú ý là đưa môn Tiếng Anh và Tin học vào giảng dạy. Chương trình lớp 7 mới sẽ không còn hai môn Sinh học, Vật lý mà thay bằng Khoa học tự nhiên, 2 cặp môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật được tích hợp lại. Khác biệt lớn nhất là đối với chương trình lớp 10, do là năm đầu tiên học sinh học 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, và tự chọn 4 môn cùng các chuyên đề.

Được dư luận quan tâm nhất, các trường THPT đối diện với nhiều thách thức khi triển khai những thay đổi mới theo Chương trình GDPT 2018. Đó là việc tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh, học sinh hiểu và yên tâm; là việc xây dựng tổ hợp môn học vừa đáp ứng với nhu cầu học sinh vừa phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên nhà trường... Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, các trường đã cơ bản hoàn thành bước nhận đăng ký môn học tự chọn và chuẩn bị xếp lớp cho học sinh vào ngày tựu trường. 

Tại Trường THPT Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ, từ ngày 17 - 24/8, 229 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 tự tin đến trường hoàn thiện đơn đăng ký môn học tự chọn sau nhiều lần tuyên truyền, tư vấn của thầy cô. Mỗi em có lựa chọn riêng cho mình, phù hợp với năng lực và nguyện vọng bản thân. Em Lù Thị Nguyệt, bản Cang, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) quyết định đăng ký lớp 10A2 với tổ hợp môn tự chọn gồm Địa lý - Giáo dục kinh tế và pháp luật - Vật lý - Tin học. Nguyệt chia sẻ: “Em chọn tổ hợp này sau thời gian dài nghiên cứu, suy nghĩ, hỏi ý kiến thầy cô và bố mẹ. Ban đầu em cũng băn khoăn vì lần đầu tiên được tự chọn môn học, nhưng tự đánh giá lại lực học và sở thích của bản thân thì em nhận thấy thế mạnh của mình thiên về các môn khoa học xã hội. Chọn tổ hợp này, cùng các môn bắt buộc sẽ tạo nên chuyên đề học tập Văn - Sử - Địa, để em tiếp tục đầu tư học cho định hướng mũi nhọn là khối C”.

Đến thời điểm này, học sinh khối 10 Trường THPT Nà Tấu đã lựa chọn xong cho mình môn học tự chọn. Thầy Vũ Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Việc định hướng, tư vấn những thay đổi của năm học cho phụ huynh và học sinh đã được Trường triển khai từ trong năm học trước. Mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh khóa trên đều là một người tuyên truyền để đông đảo nhân dân trong khu vực tuyển sinh của Trường nắm và hiểu rõ. Để phù hợp với điều kiện và đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhu cầu học sinh, Trường đã xây dựng 3 tổ hợp môn với dự kiến 5 lớp 10 để học sinh lựa chọn. Khi học sinh đến trường nộp đơn đăng ký môn, tiếp tục được giáo viên giải thích, tư vấn để đưa ra lựa chọn đúng nhất. Ngày 25/8 học sinh tập trung tại trường, chuẩn bị xếp lớp nhưng vẫn có thể thay đổi tổ hợp môn nếu có nguyện vọng và phù hợp”.

Đó là đối với khối THPT, còn với tiểu học và THCS đã có kinh nghiệm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, 2, 6 nên năm nay việc triển khai với khối lớp 3, 7 cũng diễn ra tương đối thuận lợi. Vướng mắc lớn nhất là thiếu giáo viên Tiếng Anh cho chương trình lớp 3 (khối đầu tiên cấp tiểu học đưa Tiếng Anh là môn học bắt buộc). Trong những tháng hè, các huyện đã triển khai tuyển dụng thêm giáo viên, trong đó có ưu tiên bộ môn này. Cùng với đó, phòng GD&ĐT cấp huyện đều rà soát, xây dựng phương án, sắp xếp lại mỗi trường có ít nhất 1 giáo viên dạy học môn Tiếng Anh; thực hiện giao nhiệm vụ giáo viên Tiếng Anh cấp THCS dạy học liên cấp trên cùng địa bàn xã, thị trấn; xây dựng phương án học trực tiếp kết hợp với học trực tuyến...

Chủ động chuẩn bị từng nội dung

Cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thì để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 có vai trò tiên quyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Bởi vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai, Sở GD&ĐT đã tổ chức và hướng dẫn các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng Chương trình GDPT 2018. Không chỉ lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học làm nòng cốt, tham gia các chương trình tập huấn của Bộ GD&ĐT, Sở, phòng mà còn tổ chức bồi dưỡng giáo viên và triển khai Chương trình, sách giáo khoa GDPT theo cụm trường, cụm chuyên môn, bằng hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến.

Tại địa bàn TP. Điện Biên Phủ, nửa đầu tháng 8, cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành GD&ĐT thành phố tiếp tục được tham gia bồi dưỡng chuyên môn (tổng số 41 lớp cho 1.421 người). Trong đó tập trung triển khai thực hiện theo lộ trình Chương trình GDPT năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023. Đối với cấp học tiểu học đã tập trung bồi dưỡng chuyên sâu việc sử dụng SGK mới lớp 3, việc xây dựng khung kế hoạch chương trình dạy học, tiến trình lên lớp, phương pháp dạy học, mẫu giáo án, cách tiến hành tổ chức chuyên đề, việc tích hợp lồng ghép với hoạt động trải nghiệm của tất cả các môn học... Để chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới, Phòng GD&ĐT thành phố đã lựa chọn những giảng viên là cốt cán cấp tỉnh, cấp thành phố lên lớp để cán bộ quản lý, giáo viên được tham dự, trao đổi, chia sẻ, thảo luận các phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục cho tất cả các môn học theo chương trình SGK mới.

Việc lựa chọn, cung ứng đảm bảo SGK cho năm học mới cũng được triển khai sớm. Ngoài khối lớp 10, sau khi chọn tổ hợp, xếp lớp mới mua sắm SGK, thì các khối tiểu học, THCS các địa bàn đã rà soát, thống kê và được cung ứng, vận chuyển, đảm bảo đủ số lượng SGK theo nhu cầu trong nửa cuối tháng 8, sẵn sàng cho các em vào năm học mới. Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương THCS đảm bảo đúng tiến độ, quy định; đội ngũ giáo viên đã được bồi dưỡng tập huấn và đảm bảo năng lực, kiến thức để thực hiện nội dung giáo dục mới này...

Năm học 2022 - 2023 sắp bắt đầu, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, chủ động, ngành GD&ĐT nói chung, các cơ sở giáo dục phổ thông nói riêng trên địa bàn tỉnh đều đã sẵn sàng đánh trống khai giảng. Tâm thế ấy cùng sự quan tâm của xã hội, sự đồng hành, vào cuộc tích cực của các bậc phụ huynh, tin rằng việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với khối lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong năm học mới sẽ đạt được hiệu quả cao.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top